Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời ý kiến về việc thu hút đầu tư và quản lý quy hoạch

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Về ý kiến kiến nghị: “Trong thu hút đầu tư cần quan tâm đến chất lượng và chấp thuận đầu tư có chọn lọc; nâng cao chất lượng thẩm định dự án, hậu kiểm sau đầu tư trong đó đặc biệt chú trọng về công nghệ, đánh giá tác động môi trường và khả năng đóng góp cho ngân sách tỉnh; kiên quyết không chấp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đóng góp không đáng kể cho ngân sách. Đi đôi với quy hoạch các khu, cụm công nghiệp mới cần có các giải pháp khắc phục nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm công nghiệp hiện nay.

Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Trong những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 06/5/2016 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 30/6/2016 để thực hiện Nghị quyết nêu trên.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong cải thiên môi trường đầu tư kinh doanh nên kết quả thu hút đầu tư năm 2016 đã thu được những kết quả rất tích cực. Trong năm 2016, toàn tỉnh đã thu hút được 182 dự án đầu tư; trong đó có 134 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký đạt 12.489 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần so với năm 2015); 48 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký đạt 923,98 triệu USD và điều chỉnh bổ sung tăng vốn cho 31 dự án với tổng vốn bổ sung đạt 94,6 triệu USD. Trong đó:

- Bên ngoài các KCN: Chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 120 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký đạt 9.300 tỷ đồng và 14 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 216,25 triệu USD.

- Trong các KCN: Chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký đạt 3.189 tỷ đồng và 34 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký đạt 707,73 triệu USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2017 (tính đến ngày 15/4/2017), toàn tỉnh thu hút được 50 dự án đầu tư, trong đó có 32 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 25.752 tỷ đồng; 18 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 180,86 triệu USD và có 6 dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn bổ sung là 10,2 triệu USD.

Tính chung từ trước đến nay, toàn tỉnh có 1.170 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 892 dự án đầu tư trong nước và 278 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 79.672 tỷ đồng và 3.723,25 triệu USD (Riêng bên ngoài các KCN có 877 dự án, trong đó có 89 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 631.96 triệu USD và 788 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký đạt 72.672 tỷ đồng)

Trong thời gian qua đã thu hút được một số dự án lớn như: Dự án “Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang” của Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang với tổng vốn đăng ký 22.546 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Châu Minh - Mai Đình (KCN Hòa Phú) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ với tổng vốn đăng ký 1.933 tỷ đồng; Dự án Khu Du lịch Tâm linh - Sinh thái Tây Yên Tử của Công ty Cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử (1.486 tỷ đồng); Dự án “Hạ tầng kho bãi Trung tâm Logistic Quốc tế thành phổ Bắc Giang” (4.194 tỷ đồng); Dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH JA Solar, vốn đăng ký 280 triệu USD; Dự án “Nhà máy sản xuất tai nghe, dây kết nối New Wing” của Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Bắc Giang) với tổng vốn đăng ký 100 triệu USD.

Cùng với việc đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, việc lựa chọn các dự án đầu tư trong thời gian qua cũng được các cơ quan chuyên môn đặc biệt coi trọng. Trong việc tham mưu với UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN đều ưu tiên lựa chọn các dự án phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, có hiệu quả cao và không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc thẩm định đánh giá những tác động của dự án tới môi trường đều được các cơ quan chuyên môn xem xét kỹ lưỡng trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Để hạn chế các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 652/QĐ-UBND ngày 16/11/2015 phê duyệt Danh mục một số dự án đầu tư không khuyến khích bên ngoài các KCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Sản xuất bột giấy; nhuộm, thuộc da, lông thú; xử lý tái chế chất thải nguy hại, phế thải kim loại; sang chiết thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất phôi thép sẽ không được khuyến khích đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh. Các dự án về chăn nuôi gia súc chỉ được thực hiện tại những địa diêm phù hợp để không gây ô nhiễm tới cộng đồng dân cư; đồng thời các dự án chăn nuôi gia súc UBND tỉnh đều yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy trong việc lựa chọn các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, ngày 22/9/2016 Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản số 2932/UBND-ĐT chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh khi báo cáo xin ý kiến về chủ trương chấp thuận đầu tư dự án, cần làm rõ công nghệ áp dụng, các khả năng ảnh hưởng tới môi trường của dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường để làm rõ công nghệ áp dụng và danh mục máy móc thiết bị của từng dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh (các dự án sản xuất), đồng thời đánh giá tác động của dự án tới môi trường. Theo đó, các dự án đầu tư phải xây dựng được sơ đồ công nghệ, sơ đồ hoạt động sản xuất của dự án có kèm theo dòng chất thải gây ảnh hưởng tới môi trường để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời phải làm rõ được Danh mục máy móc dùng cho dự án với đầy đủ các thông tin về xuất xứ, thông số kỹ thuật, mức độ tự động hóa, tình trạng máy móc, thiết bị. Qua đó đã giúp cho UBND tỉnh lựa chọn được các dự án có công nghệ tiên tiến, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, hạn chế chuyển giao.

Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo kết luận số 170-TB/TU ngày 04/4/2017, trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án bên ngoài khu, cụm công nghiệp UBND tỉnh yêu cầu phải làm rõ quy hoạch và hiện trạng đất tại địa điểm thực hiện dự án (kèm theo trích lục bản đồ); phương án sử dụng đất theo từng mục tiêu đăng ký đầu tư và đề xuất nhu cầu sử dụng đất tiết kiệm; đơn giá thuê đất áp dụng và hình thức nộp tiền thuê đất bảo đảm nguyên tắc thị trường để lựa chọn được các dự án phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và có đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Đối với việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp đang hoạt động, đặc biệt là KCN Quang Châu, KCN Song Khê - Nội Hoàng và KCN Châu Minh - Mai Đình; chủ động tham mưu đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo việc đầu tư xây dựng khu vực xử lý nước thải và kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các KCN như: Điện, nước, giao thông... đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đang hoạt động và thu hút các dự án mới.

Đối với các cụm công nghiệp, đi cùng với việc rà soát, điều chỉnh các CCN, UBND tỉnh cũng đã chủ động trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN để thu hút đầu tư. Đến nay đã có 03 CCN đã có nhà đầu tư hạ tầng (gồm: CCN Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa; CCN Hoàng Mai, huyện Việt Yên; CCN Lan Sơn, huyện Lục Nam) và 03 CCN khác nhà đầu tư đang khảo sát để lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng (CCN Việt Tiến, huyện Việt Yên; CCN Yên Lư, huyện Yên Dũng; CCN Hà Thịnh, huyện Hiệp Hòa). Việc các doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng sẽ giúp cho các CCN sớm được hoàn thiện đặc biệt là hoàn thiện trong việc xử lý nước thải đối với các dự án hoạt động trong CCN. Bên cạnh đó, hiện nay UBND tỉnh đang giao cho Sở Công Thương xây dựng Đề án quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng các CCN, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong CCN.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chủ trương thu hút có lựa chọn các nhà đầu tư, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định, chú trọng đến việc lựa chọn các dự án không gây tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của nhà đầu tư để kịp thời phát hiện những sai phạm để tránh gây những hậu quả đáng tiếc về môi trường.

Về ý kiến: “Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hp với các cơ quan, đơn vị liên quan kim tra, rà soát việc lập xây dng, quản lý và thực hiện quy hoạch, hạn chế việc b sung, điu chnh tùy tiện, phê duyệt bng quyết định, điều chnh bng công văn không đúng quy định hiện nay đi với quy hoạch tng thphát trin KT-XH, ngành, lĩnh vực.

Thời gian qua, công tác quy hoạch đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện trên cơ sở bám sát đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, chiến lược phát triển KT-XH của thời kỳ 2011-2020 và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của cả nước. Sau khi kiểm tra, rà soát đối với các quy hoạch thời kỳ đến năm 2020, đến nay tỉnh đã tổ chức phê duyệt và triển khai thực hiện 84 quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực sản phẩm chủ yếu và quy hoạch sử dụng đất, trong đó có 11 quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH cấp tỉnh, huyện, 61 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, 12 quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, quyết định điều chỉnh, bổ sung 48 lượt quy hoạch các loại, trong đó có 02 quy hoạch tổng thể phát triến KT-XH, 20 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu và 26 quy hoạch sử dụng đất.

Nhìn chung, các quy hoạch được lập mới và điều chỉnh bổ sung theo đúng quy định. Các quy hoạch đã phê duyệt đều đáp ứng được yêu cầu, xác định được các nhiệm vụ trọng tâm, quan điểm phát triển, mục tiêu chiến lược, phương án phát triển phù hợp, trên cơ sở có sự phát triển hài hòa giữa các lĩnh vực KT-XH và môi trường. Đã tập trung giải quyết các vấn đề then chốt, xác định các phương án đầu tư hợp lý, tính khả thi cao, có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển KT-XH tỉnh Bắc Giang, phù hợp với nhiệm vụ, mục tiêu phát triển chung của cả nước. Việc thực hiện tốt, kịp thời công tác quy hoạch, kế hoạch đã tạo điều kiện cho kinh tế Bắc Giang đạt được những kết quả đáng kể trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, một số quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm còn mâu thuẫn, chồng lấn, không thông nhất giữa quy hoạch ngành, sản phẩm với nhau và giữa quy hoạch ngành, sản phẩm với quy hoạch tổng thể KT-XH. Chất lượng nhiều quy hoạch thấp, nhiều quy hoạch phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; thiếu tính khả thi, không đảm bảo nguồn lực (vốn, đất đai, lao động...) để thực hiện. Các dự báo về nhu cầu của thị trường, sức ép cạnh tranh cũng như tác động tích cực, tiêu cực khác của các yếu tố bên ngoài chưa đạt yêu cầu, dẫn đến các định hướng phát triển chưa đủ căn cứ. Các mục tiêu phát triển nhiều khi chỉ xuất phát từ mong muốn chủ quan hơn là từ các yêu cầu của thị trường và các nguồn lực có được. Quy hoạch còn thiếu tầm nhìn dài hạn, nhiều dự án, công trình đề xuất chỉ giải quyết vấn đề mang tính tình thế (nhu cầu trước mắt đến đâu phát triển đến đó)....

Những tồn tại, hạn chế trên không chỉ trên địa bàn mà là tình trạng chung trên cả nước. Nguyên nhân chính là do hệ thống pháp luật về quy hoạch chưa đồng bộ và đầy đủ, chưa có Luật điều chỉnh chung các loại quy hoạch, các quy định tại các luật và nghị định liên quan đến quy hoạch mâu thuẫn với nhau dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp, khung hướng dẫn nội dung quy hoạch còn chưa phù hợp ... dẫn đến chất lượng, hiệu quả của các quy hoạch kém. Việc xây dựng quy hoạch hiện nay được tiến hành trên nền tảng quản lý nhà nước đã được phân cấp; các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương được tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt một cách tương đối "khép kín", việc tham gia, phối hợp của Bộ, ngành, địa phương khác là chưa chặt chẽ, nhiều khi mang tính hình thức. Điều đó dẫn đến sự chia cắt, mâu thuẫn và không đảm bảo nguồn lực thực hiện các quy hoạch. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch còn có những khó khăn đặc thù riêng do các quy hoạch thường mang tính chất mở, định hướng, do vậy khi có một sự thay đổi đột biến sẽ làm phá vỡ quy hoạch.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 318/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 quy định về quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Công văn 641/UBND-TH ngày 18/3/2016 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh, tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch từ việc lập, thẩm định chủ trương, đến thẩm định và thực hiện quy hoạch; đồng thời thực hiện rà soát, phê duyệt lập danh mục các quy hoạch được thực hiện hàng năm... Đặc biệt, Dự án Luật Quy hoạch đang được Chính phủ trình Quốc hội, dự kiến thông qua trong năm 2017 sẽ là căn cứ, tạo sự thống nhất trong công tác lập và tổ chức quản lý thực hiện các quy hoạch trong phạm vi cả nước./.

Trung bình (0 Bình chọn)