Thanh tra tỉnh trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
* Về ý kiến kiến nghị: “Nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo (KNTC); tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định, kết luận sau thanh tra và giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật. Xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm”.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các quy định của Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân; qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đơn vị công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC của công dân còn có những hạn chế nhất định, có vụ việc chậm giải quyết, giải quyết chưa đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định, chưa đảm bảo về thời gian; chất lượng giải quyết ở cấp huyện còn hạn chế, số vụ việc công dân tiếp khiếu, tiếp tố sau khi Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết đã cải sửa, hủy bỏ và yêu cầu giải quyết lại vẫn chiếm tỷ lệ cao; việc tổ chức thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn để kéo dài; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra chưa thường xuyên, thiếu toàn diện; việc xem xét xử lý hành chính đối với một số tập thể, cá nhân có sai phạm còn nương nhẹ nên chưa đủ sức răn đe...

Để nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư KNTC; tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định, kết luận sau thanh tra và giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, Thanh tra tỉnh đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau:

- Tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp đối với công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC và tổ chức thực hiện các kết luận, quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật;

- Tích cực hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC của các sở, ngành, địa phương;

- Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu mà trực tiếp là cán bộ, công chức, người được giao xem xét, xác minh, đề xuất biện pháp giải quyết KNTC; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện giải quyết KNTC; xử lý nghiêm minh các trường hợp giải quyết, tham mưu giải quyết các vụ việc bị cấp trên cải sửa, hủy bỏ hoặc yêu cầu giải quyết lại;

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật KNTC; trong đó có việc tổ chức thực hiện các kết luận, quyết định giải quyết KNTC và các kết luận, quyết định sau thanh tra. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp né tránh, đùn đẩy, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện;

Phối hợp kịp thời với các cơ quan, đơn vị có liên quan để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung kết luận, quyết định, đặc biệt quan tâm đến việc xử lý cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và đảng viên có những thiếu sót, sai phạm được phát hiện qua công tác thanh tra và giải quyết đơn thư KNTC để trao đổi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên để có biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định;

- Chỉ đạo Giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra; các quyết định, kết luận giải quyết KNTC, xem xét, làm rõ nguyên nhân đối với các quyết định, kết luận còn tồn đọng, kéo dài, chưa thực hiện dứt điểm để có biện pháp xử lý kịp thời;

- Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong việc tổ chức thực hiện, đặc biệt coi trọng sự phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể nhân dân tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó sử dụng đồng bộ các biện pháp (hành chính kinh tế, giáo dục, thuyết phục...) trong việc tổ chức thực hiện. Những trường hợp cố tình không chấp hành quyết định, kết luận, giải quyết khách quan đúng pháp luật phải có biện pháp kiên quyết để bắt buộc thực hiện;

* Về nội dung ý kiến, kiến nghị “Tiếp tục chấn chỉnh nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường qun nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”.

Thời gian qua, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã bám sát sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân... Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác xây dựng kế hoạch thanh tra của một số đơn vị chưa trọng tâm, trọng điểm; nhiều cuộc thanh tra thời gian từ khi kết thúc thanh tra trực tiếp đến khi ban hành kết luận còn để kéo dài; một số cuộc thanh tra còn vi phạm về trình tự, thủ tục theo quy định; chất lượng, hiệu quả một số cuộc thanh tra còn hạn chế; việc thực hiện công khai kết luận thanh tra chưa đúng theo quy định. Một số cuộc thanh tra, kiểm tra còn có sự trùng chéo về đối tượng thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các doanh nghiệp.

Để tiếp tục chấn chỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác thanh tra, kiểm tra. Quan tâm lãnh đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra với mục đích không chỉ là phát hiện, xử lý khuyết điếm, vi phạm mà quan trọng hơn là ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm, phát hiện những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Gắn công tác thanh tra với việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng theo tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 19/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác thanh tra.

- Việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra hằng năm phải có trọng tâm, trọng điếm. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra; nhất là công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, không tiến hành thanh tra, kiểm tra khi không có chương trình, kế hoạch hoặc căn cứ để tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức đối với công chức thanh tra; đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra. Quá trình thanh tra phải tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Kết luận thanh tra phải đảm bảo khách quan, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có sai phạm vẫn phải được công khai theo quy định. Việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra phải đảm bảo toàn diện, cả thu hồi về kinh tế, xử lý hành chính và xử lý khác. Phối hợp với cơ quan tổ chức cán bộ với ủy ban kiểm tra cùng cấp để xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đảng viên có sai phạm.

- Xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan Thanh tra với các cơ quan: Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tỉnh trong việc đôn đốc thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

Đối với việc tăng cường quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

- Các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung theo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Quyết định số 419/2015/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND tỉnh và Công văn số 1127/UBND-ĐT ngày 29/4/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện một số nội dung để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Qua đó nhằm hạn chế các cuộc kiểm tra đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa các cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với cùng một doanh nghiệp.

- Thực hiện rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp; đăng tải trên trang thông tin điện tử các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... về các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin.

- Tích cực áp dụng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như: Đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, thuế... Tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc của nhà đầu tư; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp.

- Định kỳ tổ chức gặp gỡ đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp nhằm lắng nghe, hỗ trợ, tháp gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác tiếp nhận thông tin, xử lý nhanh chóng các phản ánh của doanh nghiệp./.

Trung bình (0 Bình chọn)