Trả lời kiến nghị cử tri huyện Hiệp Hòa

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Ý kiến cử tri: Mức áp giá bồi thường một số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi so với diện tích đất nông nghiệp liền kề thuộc 2 địa phương khác nhau có sự chênh lệch (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội và huyện Hiệp Hòa) làm nảy sinh tư tưởng so sánh, không đồng thuận. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, có chính sách phù hợp nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tránh phát sinh khiếu kiện.

Kết quả giải quyết:

Hiện nay, các Quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được thực hiện theo Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 21/5/2019, (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 02/7/2020 và Quyết định số 70/2021/QĐ-UBND ngày 14/12/2021) trong đó đã tính toán đến quyền lợi của người có đất thu hồi như: Giá đất bồi thường, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm, tái định cư, bồi thường bằng đất ở, và các khoản hỗ trợ khác … để người có đất thu hồi có thể ổn định đời sống. Các chính sách về bồi thường, hỗ trợ là phù hợp với tình hình hiện tại và được đa số người dân đồng thuận, ủng hộ.

Giá đất để tính bồi thường GPMB là giá đất cụ thể tại thời điểm thu hồi đất. UBND tỉnh đã uỷ quyền cho UBND cấp huyện xây dựng và phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo giá bồi thường sát với giá thị trường và phù hợp với giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, tại những khu vực nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đời sống người dân đã có sự cải thiện rõ rệt. Người dân ngoài việc được hưởng các tiện ích của các dự án về hạ tầng giao thông, chiếu sáng, môi trường... còn có thêm rất nhiều cơ hội việc làm, điều kiện kinh doanh dịch vụ để tăng thu nhập.

Do thành phố Hà Nội có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội nhanh và mạnh hơn so với tỉnh Bắc Giang nên giá đất cũng như chính sách hỗ trợ có phần cao hơn so với tỉnh Bắc Giang. Trong thời gian tới, trên cơ sở Luật Đất đai sửa đổi đang được Chính phủ hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua, UBND tỉnh sẽ giao cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung các chính sách đối với người dân có đất nhà nước thu hồi, vấn đề trọng tâm là đưa ra các giải pháp hỗ trợ có tính bền vững, giải quyết sinh kế lâu dài cho người dân; hỗ trợ các đối tượng chính sách, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

2. Ý kiến cử tri: Hiện nay mặt đê Sông Cầu đoạn qua các thôn: Đa Hội (xã Hợp Thịnh), Phú Cốc (xã Quang Minh) và xã Hoà Sơn đã xuống cấp. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, tu bổ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông.

Kết quả giải quyết:

- Đoạn qua xã Hòa Sơn tương ứng từ K2+180-K4+500 đê tả Cầu được đầu tư năm 2005, qua nhiều năm sử dụng đến nay mặt đê bê tông đã xuống cấp, nứt vỡ gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Đoạn đê trên đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào triển khai theo Dự án ADB10 do Bộ Nông Nghiệp và PTNT thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

- Đoạn qua thôn Phú Cốc, xã Quang Minh tương ứng từ K7+300- K10+000 và đoạn qua thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh tương ứng từ K10+000- K11+500 đê tả Cầu. Đoạn đê trên được Ban quản lý Dự án ĐTXD các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang xây dựng năm 2019, với giải pháp gia cố mặt đê bằng bê tông mác M250#, dày 20cm, chiều rộng mặt đê Bmặt=5,0m; đắp lề 2 bên mỗi bên rộng 0,5m; bàn giao đưa vào sử dụng tháng từ tháng 7/2020, hiện mặt đê bê tông tốt, đi lại thuận tiện.

BGP.

Trung bình (0 Bình chọn)