Trả lời kiến nghị cử tri Lĩnh vực Kinh tế và Ngân sách (Phần 2)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

* Cử tri thành phố Bắc Giang: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát tổng thể các công trình, trụ sở làm việc của các cơ quan, công sở, các công ty, xí nghiệp đã chuyển ra nơi làm việc mới, nay không còn sử dụng, để có hướng giải quyết, tránh tình trạng bỏ hoang gây lãng phí và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong khu dân cư.

UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính rà soát, báo cáo hiện trạng cơ sở nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng đang bỏ trống trên cơ sở số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1956/STNMT-QLĐĐ ngày 04/7/2022. Trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính tại Tờ trình số 96/TTr-STC ngày 14/9/2022, ngày 23/9/2022 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 2694/UBND-KTTH về việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có nội dung:

1. Đối với cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn:

- Đề nghị các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện rà soát cơ sở nhà, đất được giao quản lý; báo cáo cơ quan cấp trên ở Trung ương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

- Đối với cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc (cũ) của Ban Chỉ huy Quân sự huyện tại thị trấn An Châu, huyện Sơn động: Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Quốc phòng thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất này theo hình thức “điều chuyển hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định”.

2. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường: Đôn đốc UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của địa phương theo quy định tại Nghị định 67/2021/NĐ-CP và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trong việc xử lý đất, tài sản gắn liền với đất được “thu hồi”, “chuyển mục đích sử dụng đất”, “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” theo quy định pháp luật về đất đai.

3. Đối với Sở Tài chính:

- Đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố có cơ sở nhà, đất đẩy nhanh tiến độ lập phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng các cơ sở nhà, đất theo đề nghị phương án sắp xếp lại, xử lý của UBND các huyện, thành phố. Sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Sở Tài chính có trách nhiệm đôn đốc UBND các huyện, thành phố thực hiện xử lý nhà, đất theo đúng phương án được duyệt và quy định của pháp luật về tài sản công.

4. Đối với UBND các huyện, thành phố:

- Khẩn trương rà soát, cập nhật điều chỉnh quy hoạch đất cấp huyện đến năm 2030 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương lập phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc địa phương quản lý nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án hoặc đề nghị điều chỉnh phương án được duyệt đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định (Danh sách cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo Phụ lục đính kèm).

- Đối với các cơ sở nhà, đất đã có quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý, UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện theo phương án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cần phải điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thì báo cáo về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

5. Trong thời gian chờ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất:

- Đối với những thửa đất, công trình trên đất đang giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó tiếp tục có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, không được để lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.

- Đối với những thửa đất, công trình trên đất hiện không có cơ quan, đơn vị nào quản lý thì UBND cấp huyện có trách nhiệm giao UBND cấp xã quản lý, giữ nguyên hiện trạng, không được để lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.

* Trên địa bàn thành phố Bắc Giang có 21 công trình, trụ sở làm việc của các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp đã chuyển ra nơi làm việc mới, nay không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn thành phố với tổng diện tích là 42.544,6m2 , cụ thể:

- 20 cơ sở nhà, đất do địa phương quản lý đã có phương án xử lý và đang được UBND thành phố Bắc Giang triển khai thực hiện trong đó:

+ 05 cơ sở nhà, đất đang trình Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030.

+ 15 cơ sở nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến 2030 hiện đang triển khai các bước tiếp theo như: thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- 01 cơ sở nhà, đất của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn (trụ sở Tòa án Nhân dân thành phố Bắc Giang, diện tích 1.085 m2, địa chỉ: số 60, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Lê Lợi, TP Bắc Giang): Ngày 22/9/2022, Toà án Nhân dân tối cao đã có Công văn số 275/TANDTC-KHTC đề nghị Bộ Tài chính thay đổi phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc (cũ) của Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang từ phương án “Giữ lại tiếp tục sử dụng” sang phương án “chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý”. Sau khi được Bộ Tài chính bàn giao về địa phương, UBND tỉnh sẽ giao cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện quản lý theo quy định.

BGP (Tổng hợp).

Trung bình (0 Bình chọn)