Trả lời kiến nghị cử tri: Lĩnh vực Pháp chế, Văn hóa xã hội

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I. Trả lời kiến nghị cử tri: Lĩnh vực Pháp chế

* Cử tri xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo định kỳ cắt tỉa cây trên dải phân cách QL17 - QL37 (đoạn qua xã Tiền Phong, Nội Hoàng), hiện nay cây mọc cao và dầy, che khuất tầm nhìn, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (sau kỳ họp thứ 9).

Kết quả giải quyết:

UBND tỉnh đã giao UBND huyện Yên Dũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án ĐTXD huyện thực hiện bạt lề đường, dọn cây cỏ trên dải phân cách giữa tuyến đường nối QL.17 - QL.17 đoạn qua xã Tiền Phong và xã Nội Hoàng hoàn thành trước tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Đến nay, đã đảm bảo tầm nhìn tốt cho các phương tiện tham gia giao thông. Trong năm 2023, UBND huyện Yên Dũng tiếp tục bố trí kinh phí duy tu thường xuyên tuyến đường nêu trên, trong đó có hạng mục cắt cỏ, phát quang cây cối; như vậy sẽ luôn đảm bảo tầm nhìn được thông thoáng đối với các phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.

II. Trả lời kiến nghị cử tri: Lĩnh vực Văn hóa - xã hội

1. Cử tri xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn: Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp Nhà sàn văn hóa dân tộc Cao Lan, xã Đèo Gia, hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng, không khai thác sử dụng được (sau kỳ họp thứ 9).

Kết quả giải quyết:

Theo Kế hoạch số 379/KH-UBND ngày 21/6/2022 của UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (trong đó có Dự án 6): Phân kỳ năm 2023, huyện Lục Ngạn được nhận nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là: 896.000.000 đồng) hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao (số lượng 15 nhà, bình quân mỗi nhà văn hóa được hỗ trợ 60 triệu đồng).

Trong năm 2022, UBND huyện Lục Ngạn đã bố trí 704 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG NTM để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Nhà sàn văn hóa dân tộc Cao Lan (ngân sách xã cũng bố trí kinh phí). Tuy nhiên do UBND xã Đèo Gia chưa triển khai thực hiện dự án trong năm 2022 nên UBND huyện Lục Ngạn chuyển nguồn kinh phí thực hiện sang năm 2023. Hiện nay chủ đầu tư (UBND xã Đèo Gia) đã thực hiện xong việc khảo sát thiết kế để trình phê duyệt dự án.

2. Cử tri xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn về công tác quản lý di tích; có cơ chế quản lý linh hoạt để nhân dân chủ động, sửa chữa kịp thời các di tích ngay từ khi có biểu hiện xuống cấp.

Kết quả giải quyết:

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả: UBND tỉnh đã ban hành Quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; công trình tín ngưỡng, tôn giáo có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tại Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các các cấp, các ngành trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; giúp các địa phương tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều đợt tập huấn về công tác quản lý di sản văn hóa, trong đó có công tác tu bổ, tôn tạo di tích: Trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức tập huấn cho 4 huyện (Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng), 2 xã Tân Sơn, Sơn Hải (huyện Lục Ngạn) với trên 500 đại biểu tham dự. Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức lớp tập huấn trên địa bàn một số huyện, thành phố còn lại (theo Kế hoạch số 29/KH-SVHTTDL ngày 17/02/2023 về việc tập huấn công tác quản lý di sản văn hóa năm 2023, trong đó có nội dung tổ chức lớp tập huấn tại huyện Hiệp Hòa)./.

BGP

Trung bình (0 Bình chọn)