Trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Kiến nghị cử tri: Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, quy định đối tượng là cán bộ hưu trí được hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), người cao tuổi trên 80 tuổi được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Như vậy, đối tượng là cán bộ hưu trí trên 80 tuổi được hưởng chi phí khám bệnh BHYT thấp hơn đối tượng người cao tuổi trên 80 tuổi. Đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định trên theo hướng bổ sung đối tượng là cán bộ hưu trí từ 80 tuổi trở lên được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT bằng với đối tượng người cao tuổi trên 80 tuổi.

Bộ Y tế trả lời

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 75/2023/NĐ-CP: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”, như vậy, cán bộ hưu trí từ 80 tuổi trở lên, nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc người cao tuổi thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như người dân biết và thực hiện đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

2. Kiến nghị cử tri: Hiện nay người dân mua BHYT tại địa phương sinh sống, nhưng khi đi công tác hoặc làm ăn tại tỉnh khác bị ốm đau phải đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh thì không được thanh toán đầy đủ chi phí BHYT theo quy định do trái tuyến. Đề nghị xem xét, điều chỉnh cho thông tuyến BHYT trong phạm vi cả nước, để tránh thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm.

Bộ Y tế trả lời:

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu. Đối với trường hợp này được xác định là đúng tuyến bảo hiểm y tế và được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế theo mức hưởng quy định.

Hiện tại, người tham gia bảo hiểm y tế đã được thông tuyến huyện và tuyến tỉnh trên toàn quốc, việc mở rộng thông tuyến bảo hiểm y tế đối với tuyến trung ương cần được nghiên cứu, xem xét để tránh quá tải cho tuyến trung ương, tăng cường khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến cơ sở và bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.

3. Kiến nghị cử tri: Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch theo hướng tăng chế độ phụ cấp tiền trực đối với nhân viên y tế cơ sở để đảm bảo phù hợp với mức lương cơ sở hiện nay;

Hiện nay, chế độ cho viên chức y tế cơ sở đang thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, ngày 15/2/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, thời gian hưởng từ ngày 01/01/2022 - 31/12/2023. Từ ngày 01/01/2024 nếu không có văn bản thay đổi thì sẽ thực hiện theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề là 40%. Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tiếp tục cho hưởng các chế độ như Nghị định số 05/2023/NĐ-CP.

Bộ Y tế trả lời:

Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của Quốc hội; trong đó có nhiệm vụ, giải pháp: “Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng”. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết nêu trên. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét các chế độ tiền lương, phụ cấp đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 99/2023/QH15.

Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đã đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế (30% tổng quỹ lương) theo Nghị quyết số 27-NQ/TW để bảo đảm quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động ngành y tế phù hợp với các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng./.

BGP.

Trung bình (0 Bình chọn)