Trả lời ý kiến cử tri về lĩnh vực giao thông, thủy lợi, xây dựng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Công ty Viễn thông phản ánh: Các đường dây viễn thông thuộc quản lý của Viễn thông Bắc Giang đã được xây dựng từ lâu, chủ yếu dọc theo các tuyến Quốc lộ. Vừa qua, các địa phương quy hoạch, cấp đất cho người dân xây dựng chồng lên tuyến đường dây viễn thông nhưng không có thông báo di dời, không hỗ trợ kinh phí di dời, doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để xử lý. Đề nghị khi mở rộng đường giao thông và khi giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất vào đường dây thì các cơ quan chức năng của Nhà nước phải phối hợp với Công ty để giải quyết và bồi thường chi phí di chuyển.

Theo quy định của pháp luật thì những công trình viễn thông nằm trong hành lang đường bộ được xây dựng sau thời điểm hành lang đường được công bố, cắm mốc thì sẽ không được bồi thường khi di dời, dịch chuyển; kinh phí di dời, khắc phục công trình do chủ đầu tư công trình hoặc đơn vị quản lý công trình thông tin bưu điện chịu trách nhiệm.

Đối với các trường hợp khác được xem xét bồi thường (hoặc hỗ trợ), đề nghị Viễn thông Bắc Giang cần chỉ đạo Chi nhánh viễn thông các huyện, thành phố tổ chức thu thập, thiết lập hồ sơ gửi các cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xem xét bồi thường.

2. Cử tri huyện Việt Yên phản ánh: Tuyến Kênh T3 chảy từ xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa qua địa bàn 03 xã (Việt Tiến, Hương Mai và Trung Sơn, huyện Việt Yên) được xây dựng từ nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân. Đề nghị tỉnh quan tâm, đầu tư kinh phí nâng cấp tuyến Kênh trên để phục vụ sản xuất của nhân dân địa phương.  

Cử tri các xã đề nghị tu bổ nạo vét và kiên cố hoá tuyến kênh trên là cần thiết. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc kiên cố hóa các tuyến kênh còn lại chưa thể thực hiện được. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Sông Cầu dành một khoản kinh phí để đầu tư tu bổ, nạo vét tuyến tuyến kênh trên đảm bảo thông kênh và phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, qua kiểm tra những năm gần đây không có diện tích bị thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất.

3. Cử tri huyện Việt Yên tiếp tục phản ánh: Tuyến đê Đại Hà hiện nay mới được bê tông hóa 04 km, còn 05 km chưa được bê tông hóa gây khó khăn cho nhân dân khi tham gia giao thông. Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí nâng cấp tuyến đê trên.

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch tu bổ, cứng hoá mặt đê. Song do nguồn kinh phí đầu tư còn rất khó khăn nên đến nay chưa cứng hóa bằng bê tông các đoạn đê còn lại được. Trong khi nguồn kinh phí sự nghiệp để duy tu bảo dưỡng chống xuống cấp công trình hàng năm do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý hỗ trợ cho hệ thống đê cấp 2 và 3 tỉnh Bắc Giang chủ yếu để rải cấp phối, san lấp ổ gà, tu sửa kè, nạo vét tu sửa cống… không có dự án tổng thể nào để đầu tư đồng bộ cho tuyến đê trên.

Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị với Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm đầu tư nốt các đoạn đê chưa được cứng hóa bằng bê tông còn lại.

4. Cử tri huyện Việt Yên đề nghị: Tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí làm đường vành đai đến xã Vân Hà, giúp việc lưu thông phát triển kinh tế làng nghề được thuận lợi. Vì hiện nay, Vân Hà là một xã có địa hình phức tạp, ba mặt giáp sông, một mặt giáp núi chỉ có con đường độc đạo Nếnh - Bổ Đà - Vân Hà rất chật hẹp, thường xuyên bị ùn tắc, rất khó khăn trong việc lưu thông, phát triển kinh tế.

Dự án xây dựng đường vành đai IV địa phận tỉnh Bắc Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt không có tuyến nhánh kết nối với đường xã Vân Hà (chỉ có nhánh kết nối với chùa Bổ Đà). Để đáp ứng nguyện vọng của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Việt Yên nâng cấp hoặc mở mới tuyến đường kết nối từ Vân Hà tới đường vành đai IV tạo điều kiện lưu thông thuận lợi phát triển kinh tế làng nghề của huyện Việt Yên.

5. Cử tri huyện Việt Yên đề nghị: Tỉnh quan tâm, có phương án khắc phục việc làm đường Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã chia cắt cánh đồng của xã Hoàng Ninh, người dân phải bỏ ruộng vì giao thông đi lại gặp nhiều trở ngại (phải đi 3, 4 Km mới sang được khu ruộng bên kia đường để canh tác) gây khó khăn cho sản xuất.

Dự án cải tạo nâng cấp QL1A đoạn Hà Nội – Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 113/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2014; dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, đến nay đã hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu đi lại của các phương tiện và nhân dân. Vì vậy đề nghị của nhân dân không thực hiện được.

6. Cử tri huyện Việt Yên phản ánh: Hệ thống cầu chui dân sinh của đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang trên địa bàn huyện Việt Yên thường xuyên ngập nước vào những ngày mưa, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và công nhân đi làm qua tuyến đường này. Cử tri đã đề nghị, nhưng đến nay việc xử lý vẫn chưa triệt để.

Ý kiến cử tri phản ánh là đúng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Việt Yên và nhà đầu tư tiến hành kiểm tra, rà soát tình trạng sử dụng các cống chui dân sinh và đường gom đường Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang trên địa bàn huyện Việt Yên. Nhà đầu tư đã thống nhất biện pháp khắc phục và hoàn thành sửa chữa trước 15/10/2017 để nhân dân đi lại thuận lợi.

7. Cử tri huyện Việt Yên đề nghị: Tỉnh mở rộng Quốc lộ 37, đồng thời có hệ thống tiêu thoát nước ở hai bên đường để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại vì lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến đường này rất đông.

Việc mở rộng QL.37 trên địa bàn huyện Việt Yên từ Đình Trám đến hết xã Việt Tiến đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận phương án mở rộng, trong đó có việc xây rãnh tại khu vực đông dân cư. Hiện tại, UBND tỉnh đang phối hợp với Tổng Cục đường bộ làm thủ tục mở rộng và xây rãnh thoát nước 2 bên đường QL.37.

8. Công ty Cầu Sơn phản ánh: Hiện nay, trạm bơm của Công ty đã xuống cấp, hiệu suất đã giảm, nhiều nội dung phục vụ cho công trình đã xuống cấp. Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình để phục vụ được tốt hơn. Đề nghị tỉnh quan tâm, cấp bù kinh phí tiêu nước đối với diện tích phi canh tác mà hàng năm công ty vẫn phải thực hiện nằm ngoài nhiệm vụ chính của công ty. 

- Đối với hệ thống các trạm bơm: Bằng nguồn vốn ADB, năm 2001, trạm bơm tưới Bảo Sơn đã được cải tạo, nâng cấp với nguồn kinh phí 12 tỷ đồng và năm 2016, trạm bơm tiêu Xuân Hương đã được cải tạo, nâng cấp với nguồn kinh phí 60 tỷ đồng. Hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Cầu Sơn chủ động dành một phần kinh phí từ nguồn miễn thu thủy lợi phí cho duy tu sửa chữa hệ thống thiết bị, máy bơm đảm bảo 100% số máy bơm vận hành bơm tưới, tiêu phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.

- Đối với kinh phí tiêu nước cho diện tích phi canh tác: Công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ công ích được Nhà nước giao cho các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh thực hiện và được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí cấp bù miễn thu thủy lợi phí từ ngân sách Nhà nước theo quy định. Theo đó, kinh phí hỗ trợ tiêu nước cho phần diện tích phi canh tác chưa được các Bộ, Ngành trung ương quy định, hướng dẫn cụ thể về chính sách, hình thức và mức hỗ trợ, do đó việc cấp bù kinh phí tiêu nước đối với diện tích phi canh tác chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.

 9. Cử tri ở Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Bắc Giang phản ánh: Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, tỉnh đã có chỉ đạo nhưng khắc phục không được nhiều, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này. Hiện nay, một số xã không có khả năng trả nợ, cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, cấp xã đối với tình trạng trên.

Xử lý nợ đọng XDCB là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các huyện, thành phố cần tập trung thực hiện. Ngay trong quá trình hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công hàng năm. UBND tỉnh đã ban hành khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch, trong đó hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng phương án và lộ trình thanh toán nợ đọng XDCB theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, cũng như Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 30/10/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc bố trí vốn: Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng XDCB, bố trí cho các công trình chuyển tiếp và hạn chế khởi công mới các dự án; thời gian bố trí vốn theo tiến độ thực hiện dự án và đảm bảo để hoàn thành dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng XDCB của các địa phương cũng thường xuyên được Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt và chỉ đạo thực hiện tại các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác đầu tư và xây dựng, cũng như yêu cầu được nêu trong các kết luận ban hành sau các hội nghị này.

Đến thời điểm ngày 31/5/2017, tổng số nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh là 565 tỷ đồng, giảm 187 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016. UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp huyện, cấp xã cần phải bố trí vốn để thanh toán xong nợ đọng XDCB theo nguyên tắc nợ đọng XDCB ở cấp nào thì ngân sách cấp đấy phải có trách nhiệm tự cân đối vốn để thanh toán. Cụ thể:

- Đối với cấp tỉnh: Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã dự kiến bố trí 162 tỷ đồng để trả nợ các dự án hoàn thành quyết toán. Bên cạnh đó, trong quá trình điều hành ngân sách hàng năm, UBND tỉnh đã chủ động cân đối các nguồn lực, bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương cho một số dự án quan trọng, cần thiết của tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao đưa vào sử dụng để giải quyết các như cầu cấp bách, quan tâm bố trí nguồn vốn hợp lý để thanh toán nợ đọng XDCB.

- Đối với cấp huyện, xã: Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp huyện, xã đã dự kiến bố trí 352 tỷ đồng để thanh toán nợ XDCB.

Trong thời gian tới, để tăng cường công tác xử lý nợ đọng XDCB,  UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan của tỉnh, các huyện, thành phố và các chủ đầu tư thực hiện một số giải pháp cụ thể như:

- Giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho người đứng đầu, các cá nhân trong việc quản lý, theo dõi, thống kê đầy đủ, chính xác số liệu về nợ đọng XDCB theo định kỳ.

- Căn cứ kết quả xử lý nợ đọng XDCB của các huyện, thành phố, các chủ đầu tư tại Hội nghị tổng kết công tác XDCB năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ kiểm điểm người đứng đầu đối với các địa phương có nợ đọng XDCB lớn nhưng chậm xử lý hoặc phát sinh tăng nợ cao hơn.

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra một số địa phương có nợ đọng lớn; đôn đốc xử lý nợ đọng XDCB; thanh toán, quyết toán các công trình dự án hoàn thành cấp huyện, cấp xã.

10. Cử tri huyện Lục Nam phản ánh: Dự án đường lâm nghiệp do Chi cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết kế thi công chưa phù hợp, hiệu quả thấp, vừa mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Đề nghị khắc phục và làm rõ trách nhiệm.

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường các tuyến đường lâm nghiệp và làm việc với Ban quản lý thôn Cai Vàng, UBND xã Đông Hưng, huyện Lục Nam (nơi cử tri có ý kiến). Kết quả làm việc cho thấy, chính quyền xã và đa số nhân dân đều đánh giá tích cực đối với các tuyến đường lâm nghiệp được triển khai trên địa bàn xã, thôn, mang lại hiệu quả cao về kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tại một số vị trí trên các tuyến đường có hiện tượng bị xói mòn hoặc ổ gà cục bộ do ảnh hưởng của mưa lũ và phương tiện giao thông, đúng như ý kiến cử tri phản ánh.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhà thầu thi công sửa chữa các vị trí mặt đường bị hư hỏng (ổ gà, rãnh xói) và bổ sung cống thoát nước (cống tròn D750) tại vị trí tràn rọ đá Km0+500 tuyến Ba Khe, thi công hoàn thiện trong trong tháng 9/2017. Đồng thời, chỉ đạo địa phương quan tâm công tác bảo trì công trình, thường xuyên khơi thông các rãnh thoát nước và sửa chữa kịp thời các hư hỏng công trình do tác động của thiên nhiên, phương tiện lưu thông gây ra.

Trung bình (0 Bình chọn)