Trả lời ý kiến cử tri về lĩnh vực Nông nghiệp – Nông thôn

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Cử tri huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên, thành phố Bắc Giang đề nghị: UBND tỉnh cứng hoá đoạn đê sông Thương còn lại thuộc địa phận thôn Bùi, xã Song Mai giáp với xã Quế Nham, huyện Tân Yên; sửa chữa, nâng cấp mặt đê đối với tuyến đê từ Cẩm Hoàng đi Cẩm Xuyên, từ Cẩm Hoàng đi xã Hương Lâm, từ Hương Ninh xã Hợp Thịnh đi xã Xuân Cẩm, từ xã Thái Sơn đi xã Hòa Sơn; nâng cấp trục đường đê Sông Thương đoạn từ Xuân Hương đi Dương Đức; từ Liên Chung đi Hợp Đức.

- Đối với nội dung cử tri đề nghị cứng hóa đoạn đê sông Thương còn lại thuộc địa bàn thôn Bùi, xã Song Mai giáp với xã Quế Nham, huyện Tân Yên: Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT ưu tiên, đầu tư gia cố đường hành lang chân đê bằng bê tông với kinh phí gần 1 tỷ đồng bằng nguồn vốn trung ương.  Hiện công trình đang được triển khai thi công.

Đối với nội dung cử tri đề nghị sửa chữa, nâng cấp mặt đê đối với tuyến đê từ Cẩm Hoàng đi Cẩm Xuyên (xã Xuân Cẩm), từ Cẩm Hoàng đi Hương Lâm, từ Hương Ninh (xã Hợp Thịnh) đi Xuân Cẩm, từ xã Thái Sơn đi xã Hòa Sơn: Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT ưu tiên, đầu tư rải cấp phối mặt đê bằng đá dăm kẹp đất, gia cố đường hành lang chân đê bằng bê tông với kinh phí trên 2 tỷ đồng bằng nguồn vốn Trung ương. Hiện, công trình đang được triển khai thi công.

Cử tri đề nghị nâng cấp trục đường đê sông Thương đoạn từ Xuân Hương đi Dương Đức: Đê tả Thương đi qua địa bàn huyện Lạng Giang có chiều dài 5,155km và đã được cứng hóa mặt đê bằng bê tông (thuộc các xã Xuân Hương và Dương Đức). Đoạn đê này đã được gia cố từ lâu, hiện nay ở một vài vị trí cục bộ mặt đê đã xuống cấp, các tấm bê tông bị vỡ nát, lún nên việc giao thông qua khu vực này rất khó khăn. Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh đã đầu tư khoảng 660 triệu đồng (bằng nguồn vốn Trung ương) cho thay thế các tấm bê tông bị hư hỏng nặng. Hiện, công trình đang triển khai thi công.

Cử tri đề nghị nâng cấp trục đường đê sông Thương đoạn từ Liên Chung đi Hợp Đức: Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã đầu tư gần 900 triệu đồng (bằng nguồn vốn Trung ương) gia cố mặt đê bằng bê tông và tu sửa, san lấp ổ gà, rãnh xói mặt đê. Hiện công trình đang triển khai thi công (chỉ còn khoảng 0,9km là chưa được đầu tư).

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch để tu bổ cứng hoá mặt đê các đoạn đê trên trình Bộ Nông nghiệp và PTNT. Song do nguồn kinh phí đầu tư còn rất khó khăn nên đến nay chưa cứng hóa bằng bê tông các đoạn đê còn lại.

Nguồn kinh phí hàng năm cấp qua Bộ Nông nghiệp và PTNT cho hệ thống đê cấp 2 và 3 hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang chủ yếu là kinh phí sự nghiệp để duy tu bảo dưỡng chống xuống cấp công trình như: rải cấp phối, san lấp ổ gà, tu sửa kè, nạo vét tu sửa cống… không có dự án tổng thể nào để đầu tư đồng bộ cho tuyến đê trên. Do vậy rất khó khăn cho việc cứng hóa đổ bê tông mặt đê (kinh phí khoảng 3 tỷ đồng cho cứng hóa 1,0km đê) trong khi trung bình kinh phí hàng năm Trung ương hỗ trợ chỉ được khoảng 7 tỷ đồng cho toàn bộ hệ thống đê, kè, cống trong tỉnh.

Năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị với Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm đầu tư nốt các đoạn đê chưa được cứng hóa bằng bê tông, nâng cấp, sửa chữa các đoạn đê đã xuống cấp còn lại trên địa bàn tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho nhân dân trong khu vực.

2. Cử tri các xã Việt Tiến, Hương Mai, Trung Sơn huyện Việt Yên và cử tri xã Ngọc Vân huyện Tân Yên đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thuỷ nông Sông Cầu sớm triển khai, nâng cấp cứng hoá và nạo vét tuyến Kênh 3; Kênh 2 phụ 3 thuộc xã Ngọc Vân vì đã xuống cấp và nhiều năm nay chưa được nạo vét ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

Hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Sông Cầu dành một khoản kinh phí để đầu tư tu bổ, nạo vét tuyến 02 tuyến kênh trên (với nguồn kinh phí từ năm 2014 đến năm 2017 là 1.669 triệu đồng) đảm bảo thông kênh và phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, không có diện tích bị thiếu nước ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Theo kế hoạch tuyến kênh 2 phụ 3 (tên đúng là tuyến kênh 3/2) đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục đầu tư cải tạo, nâng cấp kiên cố hóa 1,7 km vào Quý IV/2017 bằng nguồn vốn hỗ trợ đất lúa để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của nhân dân.

3. Cử tri xã Nội Hoàng huyện Yên Dũng phản ánh: Kênh T5 đoạn chảy từ xã Tiền Phong qua xã Song Khê dọc theo Quốc lộ 17 đi Bắc Giang nhiều năm không được nạo vét, gây tắc một số đường cống, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nạo vét kênh, khơi thông dòng chảy để tiêu úng kịp thời trong mùa mưa bão.

Ngay sau khi nhận được ý kiến cử tri phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Yên Dũng và UBND thành phố Bắc Giang tiến hành kiểm tra thực tế Kênh T5; kết quả kiểm tra cho thấy, đoạn kênh T5 bị tắc, nghẽn mà cử tri phản ánh thuộc địa bàn xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, đã được phân cấp cho UBND thành phố Bắc Giang quản lý.

Để giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Bắc Giang, UBND xã Song Khê xem xét tổ chức nạo vét kênh, khơi thông dòng chảy để kịp tiêu úng, không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhân dân. Hiện, UBND xã Song Khê đang xây dựng kinh phí báo cáo UBND thành phố Bắc Giang phê duyệt để tổ chức nạo vét tuyến kênh T5. 

4. Cử tri huyện Hiệp Hòa phản ánh: Trạm bơm Châu Lỗ, xã Mai Đình tưới cho trên 50 ha đất lúa đã bị hư hỏng, không sử dụng được nhiều năm nay. Đề nghị UBND tỉnh cho đầu tư cải tạo, sửa chữa tạo điều kiện cho nông dân sản xuất nông nghiệp.

Ngày 17/8/2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 1424/QĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa năm 2017, trong đó, huyện Hiệp Hòa được phân bổ kinh phí 400 triệu đồng để đầu tư cải tạo, sửa chữa máy móc, thiết bị. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào tháng 9/2017 và hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong quý IV năm 2017 để đảm bảo kịp thời tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

5. Cử tri xã Mai Đình huyện Hiệp Hòa đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, đôn đốc nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thành nhà máy nước thôn Mai Trung, xã Mai Đình vì công trình đã khởi công từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Ngày 15/4/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 140/QĐ-UBND về việc giao công trình cấp nước sinh hoạt xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa cho Công ty cổ phần DHC Hà Nội đầu tư, quản lý, khai thác. Tuy nhiên, Công ty DHC triển khai đầu tư, quản lý, khai thác công trình chậm so với kế hoạch. UBND tỉnh đã quyết định thu hồi và giao công trình cho Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn quản lý. Sau khi nhận công trình, Công ty đang xây dựng kế hoạch tiếp tục đầu tư để cấp nước cho nhân dân trong xã.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Giang đang triển khai Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn. Công trình cấp nước xã Mai Đình đã được đưa vào danh mục công trình triển khai thực hiện nâng cấp, mở rộng để cấp nước cho xã Mai Đình. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; tiến hành kiểm tra hiện trạng công trình, nguồn nước khu xử lý đã xây dựng, thống nhất giải pháp đầu tư mở rộng công trình; dự kiến đầu năm 2018, dự án sẽ được khởi công thực hiện.

Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Công trình cấp nước xã Mai Đình; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình và cấp nước cho nhân dân.

6. Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị: UBND tỉnh bố trí kinh phí cho xã Đức Giang về đích nông thôn mới theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ xây dựng các công trình xây dựng.

Để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh thực hiện việc phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh (gọi chung là ngân sách tỉnh quản lý) theo hướng phân bổ tổng mức vốn cho các xã; giao cho các xã chủ động xác định chi tiết danh mục công trình căn cứ theo nội dung, mức vốn và nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 03/2014/NQ-HĐND ngày 11/4/2014 của HĐND tỉnh (các công trình được hỗ trợ đầu tư phải nằm trong kế hoạch giao vốn hàng năm) tổng hợp trình UBND huyện, thành phố phê duyệt làm căn cứ thực hiện.

Theo kế hoạch vốn trung hạn 2017-2020, xã Đức Giang tiếp tục được hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương theo hệ số 1,0, trên cơ sở nguồn vốn giao hàng năm và khả năng ngân sách. Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh sẽ xem xét phân bổ nguồn vốn để nâng cao tiêu chí và xử lý nợ xây dựng cơ bản đối với các công trình theo quy định.

7. Cử tri xã Cao Thượng huyện Tân Yên đề nghị: UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ các xã đã về đích nông thôn mới để duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới.

Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2017-2020 đã được phê duyệt, không bổ sung thêm nguồn vốn Trung ương hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 về quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017-2021 hỗ trợ các xã xi măng làm đường trục thôn, liên thôn và đường nội đồng để nâng cao tiêu chí giao thông.

8. Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND huyện Lục Nam xây dựng mô hình vườn cây ăn quả theo tiêu chuẩn Viet Gap gắn với du lịch sinh thái dọc tuyến đường Tây Yên Tử.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với huyện Lục Nam mở rộng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, triển khai thực hiện xây dựng vùng sản xuất một số loại cây ăn quả có thế mạnh của huyện Lục Nam như Na, Dứa,... theo tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt là dọc tuyến đường Tây Yên tử gắn liền với du lịch sinh thái nhằm nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả.

9. Cử tri huyện Việt Yên, Tân Yên đề nghị: UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn, đồng thời có các giải pháp lâu dài đối với vấn đề này, tránh tình trạng người dân chăn nuôi thua lỗ, bỏ chuồng trại, ao, hồ... do “khủng hoảng thừa”.

Hiện tại, chính sách của Nhà nước không có mục hỗ trợ cho các hộ gia đình chăn nuôi bị thua lỗ do ”khủng hoảng thừa” và trong điều kiện ngân sách địa phương có hạn nên không thể trực tiếp hỗ trợ người dân bị thua lỗ.

Để hỗ trợ người dân tiêu thụ hết sản phẩm chăn nuôi lợn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thu mua, tạm trữ thịt, xuất khẩu lợn sữa đông lạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi được giết mổ, bán sản phẩm, hạn chế tư thương ép giá; đề nghị các nhà máy thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giảm giá bán sản phẩm, chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng người chăn nuôi; đề nghị Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất vay đối với người chăn nuôi.

Về các giải pháp lâu dài, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức lại chăn nuôi của tỉnh, tăng cường xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ chăn nuôi đến tiêu thụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hài hòa lợi ích các bên tham gia; phát triển chăn nuôi theo định hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới, tiêu chuẩn khu vực hướng tới xuất khẩu chính ngạch vừa đảm bảo hạn chế gây ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.

10. Cử tri huyện Việt Yên, Tân Yên đề nghị: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng Chính sách xã hội, quan tâm giảm lãi suất, cho vay đáo hạn tạo điều kiện giúp người dân thanh toán công nợ do thua lỗ nặng trong chăn nuôi vừa qua.

Để tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp nhằm ổn định phát triển chăn nuôi như cơ cấu thời hạn trả nợ, cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, giãn nợ, giảm lãi vay, lãi quá hạn. Cụ thể:

- Các ngân hàng đã thông báo tới khách hàng chủ trương, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chăn nuôi.

- Đối với các khách hàng có sử dụng vốn để đầu tư chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y gặp khó khăn chưa trả được nợ khi đến hạn và có nhu cầu gia hạn nợ thì ngân hàng nơi cho vay xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ).

- Căn cứ nguồn vốn, điều kiện của từng địa phương và cơ chế cho vay hiện hành, ngân hàng nơi cho vay phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục xem xét cho vay đối với các hộ có nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

- Thực hiện miễn giảm lãi vay, giảm lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước, lãi sau nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

11. Cử tri huyện Yên Dũng, Lục Ngạn, Lục Nam đề nghị: UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ giống, vốn, phân bón, khoa học kỹ thuật cho những mô hình cánh đồng mẫu, hợp tác xã, tổ hợp tác xã liên kết sản xuất nông nghiệp.

Để khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu hình thành những cánh đồng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 11/7/2013 quy định mức hỗ trợ: 600.000.000 đồng cho cánh đồng mẫu có quy mô từ 50 ha trở lên; 500.000.000 đồng cho cánh đồng mẫu có quy mô từ 30 ha đến dưới 50 ha; 400.000.000 đồng cho cánh đồng có quy mô từ 20 ha đến dưới 30 ha; 300.000.000 đồng cho cánh đồng mẫu có quy mô từ 10 ha đến dưới 20 ha, kinh phí này hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa và đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực sản xuất (hệ thống đường giao thông và kênh mương nội đồng, đường điện phục vụ sản xuất).

Đối với nội dung cử tri đề nghị có cơ chế hỗ trợ thêm giống, vốn, phân bón, khoa học kỹ thuật cho những mô hình cánh đồng mẫu, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố xem xét bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ thêm cho phù hợp và hiệu quả.

12. Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh liên kết 4 nhà và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, Đề án cụ thể để tổ chức triển khai, thực hiện nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình diển hình về liên kết sản xuất. Các mô hình này có nhiều đổi mới về phương thức tổ chức sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm .

Để tăng cường công tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh,UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất như Hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết sản xuất; chỉ đạo mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; quan tâm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho các nông sản chủ lực.

Trung bình (0 Bình chọn)