Trả lời ý kiến cử tri về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Cử tri đề nghị: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm và tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã kiện toàn, duy trì hoạt động BCĐ liên ngành về ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016, trong đó, Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong BCĐ; UBND cấp tỉnh, huyện tổ chức hội nghị kiểm điểm hằng quí đối với công tác quản lý nhà nước về ATTP.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm việc “Khoán trách nhiệm quản lý ATTP đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị”; ngành y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành đăng ký nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của người đứng đầu phải có ít nhất một nhiệm vụ về công tác đảm bảo ATTP; tổ chức tập huấn kiến thức, pháp luật về quản lý, kiểm tra ATTP cho 3.453 cán bộ là thành viên BCĐ huyện, xã và cán bộ làm công tác ATTP tại các cấp.

UBND cấp huyện, xã; các đơn vị chức năng đã nghiêm túc thực hiện việc quản lý cơ sở thực phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm theo quy định phân cấp, hướng dẫn quản lý như: Lĩnh vực ngành NN&PTNT thực hiện quản lý theo Quyết định số 85/2016/QĐ-UBND ngày 29/01/2016 của UBND tỉnh; lĩnh vực thuộc ngành y tế thực hiện quản lý theo Hướng dẫn số 49/SYT-ATTP ngày 14/01/2015 của Sở Y tế; lĩnh vực thuộc ngành công thương thực hiện quản lý theo Hướng dẫn số 869/SCT-KT ngày 03/11/2015 của Sở Công Thương. Các đơn vị chức năng tuyến huyện, xã đã bố trí, phân công cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của 3 ngành: Y tế, NN&PTNT, Công Thương. Đồng thời, đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn.

2. Cử tri huyện Lục Nam đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới để vấn đề an toàn thực phẩm thực sự có chuyển biến, đặc biệt giảm thiểu số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh và các ngành, các cấp đã tích cực chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP. Cả 10 huyện, thành phố đã xây dựng, triển khai đề án, kế hoạch quản lý thức ăn đường phố; quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; phối hợp với MTTQ và các đơn vị thành viên triển khai tuyên truyền, giám sát về ATTP; tổ chức 83 hội nghị phát động Tháng hành động vì ATTP; nói chuyện, hội thảo, tập huấn 1.539 buổi với 60.768 lượt người tham gia; tuyên truyền trên Đài phát thanh, truyền hình 11.380 lượt; trên loa, đài thôn, khu phố được 24.468 lượt sử dụng 6.196 sản phẩm tuyên truyền các loại... UBND tỉnh đã chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra 7.251 cơ sở thực phẩm, tỷ lệ cơ sở đạt vệ sinh chiếm 79%; qua kiểm tra, phát hiện 1.525 cơ sở có vi phạm về ATTP, tiến hành xử phạt 382 cơ sở, với số tiền 1,459 tỷ đồng.

Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh ở người, trên đàn vật nuôi được tăng cường triển khai như tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; lấy mẫu giám sát bệnh dịch, mối nguy ô nhiễm thực phẩm…

Với sự chỉ đạo, điều hành, hành động quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác quản lý nhà nước về ATTP đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hành đúng; trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không có dịch, bệnh nguy hiểm xảy ra, không có vụ ngộ độc thực phẩm (so với cùng kỳ năm 2016, giảm 05 vụ ngộ độc thực phẩm và giảm 232 người mắc).

Trung bình (0 Bình chọn)