Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri về lĩnh vực giáo dục

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Cử tri đề nghị: Bố trí ngân sách hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non theo lộ trình đã đề ra, nhất là ở địa bàn quanh các khu công nghiệp.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ xây dựng trường mầm non trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở vật chất giáo dục mầm non giai đoạn 2015-2020 để tăng cường các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, nhất là địa bàn quanh khu công nghiệp. Trong 3 năm 2015, 2016, 2017, ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết số 28/2014/NQ-HĐND là 160 phòng, số kinh phí hỗ trợ 40 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ 3 trường mầm non tư thục thuộc các xã khu công nghiệp của huyện Việt Yên xây dựng 23 phòng học mầm non, với số tiền 5 tỷ 750 triệu đồng. Ngoài số phòng học được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, các địa phương đã chủ động lồng ghép kế hoạch xây dựng lớp học mầm non từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, chương trình kiên cố hóa. Về cơ bản, việc quá tải về cơ sở vật chất các trường mầm non, nhất là các khu công nghiệp đã được giải quyết.

2. Cử tri đề nghị: UBND tỉnh sớm khắc phục tình trạng thiếu lớp học, quá tải đối với bậc học mầm non như hiện nay

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, tình trạng quá tải do thiếu lớp học mầm non trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản đã được giải quyết. Cơ sở vật chất cho các trường mầm non tiếp tục được tăng cường. Trước mắt, ở những xã đang thiếu phòng học mầm non, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các xã xây dựng Đề án trình HĐND cùng cấp để huy động sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, phụ huynh học sinh cùng với ngân sách địa phương xây dựng số phòng học còn thiếu (thực hiện từ kỳ họp HĐND giữa năm 2017). Ngoài ra, UBND tỉnh đã bố trí ngân sách thực hiện các chính sách thu hút, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục và mở các nhóm lớp độc lập tư thục theo Nghị quyết số 28/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 870/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 09 trường mầm non tư thục (tăng 01 trường); 06 cơ sở đang đề nghị thẩm định thủ tục thành lập trường mầm non tư thục; số nhóm trẻ tư thục tăng 145 nhóm so với năm học trước, góp phần chia sẻ bớt gánh nặng với nhà nước. Các trường mầm non công lập bố trí đủ phòng học cho lớp mẫu giáo theo quy định và không quá 40 trẻ/1 lớp; số lớp mẫu giáo tăng 388 lớp.

3. Cử tri xã Tân Hưng và một số xã trong huyện Lạng Giang đề nghị: Tăng thêm biên chế giáo viên cho ngành học Mầm non vì hiện nay thiếu quá nhiều giáo viên, thiếu phòng học, sỹ số học sinh/ một lớp quá quy định (từ 50- 60 em/ lớp).

- Về biên chế giáo viên mầm non: Ngày 27/7/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1288/QĐ-UBND về việc giao số lượng và thực hiện hợp đồng lao động giáo viên mầm non trong các trường mầm non công lập là 782 người để đảm bảo số giáo viên/01 lớp mẫu giáo đạt tỷ lệ 1,8. Đến nay, 100% giáo viên ở các huyện, thành phố đã được tuyển hợp đồng và được bố trí về các trường mầm non trong tỉnh theo số lượng giao (trong đó Trường mầm non Tân Hưng có thêm 10 giáo viên hợp đồng).

- Về phòng học: Trong năm 2017, huyện Lạng Giang đã xây xong 48 phòng học kiên cố bằng ngân sách hỗ trợ theo Quyết định 870 của UBND tỉnh (MN Hoa Hồng 08 phòng; MN Mĩ Thái 12 phòng, MN Yên Mĩ 12 phòng; MN Tân Dĩnh 04 phòng; MN Hương Lạc 08 phòng). Có 16 phòng học đang xây, trong đó có 08 phòng của Trường MN Tân Hưng, 08 phòng của MN Thái Đào (kế hoạch xong trong tháng 12/2017). Ở các trường, nhiều phòng học nhóm trẻ được cải tạo, sửa chữa chuyển giao cho lớp mẫu giáo; sử dụng phòng chức năng, phòng mượn của thôn để thực hiện giảm tải.

Nhìn chung, tình trạng quá tải do thiếu lớp học mầm non trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến nay cơ bản đã được giải quyết.

4. Cử tri xã Hương Mai, huyện Việt Yên và cử tri thành phố Bắc Giang phản ánh: Theo Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 25/15/2012 quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tại Điều 6, khoản 2 quy định về thời gian dạy thêm, học thêm đối với các trường THCS, không bố trí giáo viên dạy thêm quá 3 buổi/tuần, không bố trí học sinh học thêm quá 4 môn và không quá 4 buổi/tuần; trong khi đó Điều 8 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm theo hướng mở không quy định bắt buộc cụ thể như vậy. Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp về quy định thời gian dạy thêm đối với giáo viên.

Quy định về thời gian dạy thêm, học thêm đối với trường THCS không bố trí giáo viên dạy thêm quá 03 buổi/tuần, không bố trí học sinh học thêm quá 04 môn và không quá 4 buổi/tuần tại Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND là để đảm bảo sức lao động, tái sản xuất của nhà giáo đảm bảo định mức lao động trong nhà trường theo quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, cùng với việc bảo vệ sức khỏe của giáo viên là việc bảo vệ sức khỏe của học sinh vừa học thêm vừa học chính khóa trong nhà trường có điều kiện thời gian nghỉ ngơi.

Ngoài ra, trước khi ban hành Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình, đồng thời nghiên cứu các quy định của pháp luật để làm căn cứ ban hành quyết định trên (Luật Giáo dục ngày 14/6/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009; Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm; Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 07/12/2012 của HĐND tỉnh).

5. Cử tri xã Hương Mai, huyện Việt Yên và cử tri thành phố Bắc Giang phản ánh: Tình trạng dạy thêm vẫn diễn ra phổ biến, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Trong năm học 2016-2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành giáo dục đối với một số đơn vị trực thuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo, một số trường mầm non, tiểu học, THCS trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo, trong đó có nội dung về dạy thêm, học thêm. Kết quả thanh tra cho thấy việc dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài nhà trường cơ bản đã được Hiệu trưởng các trường thực hiện theo quy định; tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát giáo viên của đơn vị dạy thêm ở ngoài nhà trường chưa được thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh.

Để hoạt động dạy thêm, học thêm đảm bảo theo quy định, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt có hoạt động quản lý về dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường; tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài nhà trường để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm nếu có.

6. Cử tri trong tỉnh đề nghị: Tổ chức đánh giá mô hình VNEN trong giáo dục để có định hướng cho việc thực hiện trong thời gian tới.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị đánh giá quá trình triển khai mô hình trường học mới cấp THCS và mô hình VNEN cấp tiểu học (Hội nghị diễn ra ngày 05/8/2017). Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh về phương án triển khai mô hình tại tỉnh năm học 2017-2018 và có Báo cáo số 218/BC-SGDĐT ngày 29/8/2017 về việc triển khai thực hiện mô hình trường học mới trong năm học 2017-2018 báo cáo HĐND tỉnh.

Trung bình (0 Bình chọn)