Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri về lĩnh vực Kinh tế và Ngân sách

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Cử tri xã Lan Giới và một số xã huyện Tân Yên phản ánh: Đầu năm 2017, UBND các xã đã bố trí được kinh phí và có văn bản đề nghị cho mua sắm máy vi tính và các thiết bị văn phòng vì trang thiết bị phục vụ cho hoạt động điều hành của chính quyền các xã đã xuống cấp nhưng đến nay thủ tục đấu thầu mua sắm vẫn chưa được thực hiện, ảnh hưởng đến công việc ở cơ sở. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính sớm xem xét giải quyết.

UBND tỉnh đã triển khai hai đợt mua sắm tập trung hàng hóa, trong đó có các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Tân Yên thực hiện xong trong tháng 6/2017.

Năm 2018, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo việc đăng ký, tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung hàng hóa phục vụ hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị ngay từ đầu năm (khi xây dựng và giao dự toán); đồng thời giao Sở Tài chính chủ động tổ chức đấu thầu tập trung trên cơ sở dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu mua sắm do các cơ quan, đơn vị (không cần đăng ký nhu cầu mua sắm theo từng đợt như trước đây) đảm bảo nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị và tuân thủ các quy định hiện hành.

 2. Cử tri huyện Việt Yên, Tân Yên đề nghị:  Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng Chính sách xã hội, quan tâm giảm lãi suất, cho vay đáo hạn tạo điều kiện giúp người dân thanh toán công nợ do thua lỗ nặng trong chăn nuôi vừa qua.

Để tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp nhằm ổn định phát triển chăn nuôi như cơ cấu thời hạn trả nợ, cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, giãn nợ, giảm lãi vay, lãi quá hạn. Cụ thể:

- Các ngân hàng đã thông báo tới khách hàng chủ trương, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chăn nuôi.

- Đối với các khách hàng có sử dụng vốn để đầu tư chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y gặp khó khăn chưa trả được nợ khi đến hạn và có nhu cầu gia hạn nợ thì ngân hàng nơi cho vay xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ).

- Căn cứ nguồn vốn, điều kiện của từng địa phương và cơ chế cho vay hiện hành, ngân hàng nơi cho vay phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục xem xét cho vay đối với các hộ có nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

- Thực hiện miễn giảm lãi vay, giảm lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước, lãi sau nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

3. Cử tri huyện Lục Ngạn đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét, kiểm tra một số thôn, hộ gia đình ở phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang sản xuất mỳ gạo lấy thương hiệu mỳ Chũ (nhái nhãn mác mỳ Chũ - Lục Ngạn) làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm mỳ Chũ.

Ý kiến phản ánh của cử tri là đúng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra Hợp tác xã sản xuất kinh doanh mỳ gạo Dĩnh Kế (13 hộ) và 02 lượt hộ sản xuất kinh doanh mỳ gạo trên địa bàn phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang để xem xét, xử lý theo quy định đối với các sai phạm.

Trong thời gian tới, để từng bước đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

- Triển khai tem truy xuất nguồn gốc, thống nhất mẫu mã, logo thương hiệu mỳ Chũ; rà soát lại quy trình sản xuất, kiểm định chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp, hộ sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn đã cam kết mới cấp chứng nhận và cho dán tem.

- Tuyên truyền trên báo đài, phương tiện thông tin đại chúng về nhận diện mỳ Chũ Lục Ngạn để người tiêu dùng nhận biết về sản phẩm. Hội sản xuất và kinh doanh mỳ Chũ, các HTX thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hợp tác xã và sử dụng nhãn hiệu tập thể sản phẩm mỳ Chũ đã được cấp.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, thu giữ và xử phạt những vi phạm về nhãn mác sản phẩm mỳ Chũ (không có tem do huyện cấp); đồng thời thông báo tên các doanh nghiệp, hộ sản xuất vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; giúp cho người tiêu dùng nhận biết góp phần tẩy chay hàng nhái, kém chất lượng; hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

4. Cử tri các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, thành phố Bắc Giang đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xem xét và xử lý việc xả khói bụi, tiếng ồn và xả nước thải tiếp tục tái diễn gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp: Công ty xi măng Hương Sơn (xã Hương Sơn, Lạng Giang), Công ty Khải Thừa (xã Tiên Hưng, Lục Nam), Công ty TNHH khoáng sản Bắc Giang - Việt Trung (xã Hộ Đáp, Lục Ngạn), Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang.

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, doanh nghiệp có tên trên. Kết quả như sau:

- Đối với Công ty cổ phần xi măng Bắc Giang: Kết quả kiểm tra tại đây cho thấy, ngày 01/7/2017, Công ty có sự cố về điện dẫn đến bụi, khí thải không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường đúng như ý kiến phản ánh của cử tri. UBND tỉnh đã chỉ đạo công ty tiến hành khắc phục ngay sự cố và vận hành trở lại thiết bị xử lý bụi, khí thải. Hiện nay, Công ty đang duy trì vận hành hệ thống thu gom, xử lý bụi, khí thải từ lò nung và khu vực nghiền nguyên liệu trước khi thải ra ngoài môi trường; đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường xanh Gia Phong thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục. Công ty cam kết tiếp tục duy trì vận hành thường xuyên các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần xi măng Bắc Giang và yêu cầu Công ty thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục và đấu nối, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

- Đối với Công ty TNHH khoáng sản Bắc Giang - Việt Trung: Kết quả kiểm tra thực tế tại Công ty cho thấy Công ty đã đầu tư, bố trí 04 hồ lắng chứa nước thải, trên mặt bờ hồ lắng dùng bạt nhựa chống thấm; không có hoạt động xả nước thải, nước mưa ra ngoài môi trường; đã thực hiện bố trí mương thoát nước mưa tại khu vực phía Bắc cạnh hồ lắng nước thải; Công ty có thực hiện việc lót đáy chống thấm hồ lắng số 3, 4 và sử dụng tuần hoàn nước thải sản xuất, nước mưa. Công ty được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tại khu vực bãi chứa quặng đuôi đang có hoạt động đổ thải chất thải của Công ty, bờ đập chắn có hiện tượng rạn nứt một số vị trí. Trong thời gian tới, Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất mới sẽ tái sử dụng lại chất thải này nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

UBND tỉnh đã chỉ đạo công ty TNHH khoáng sản Bắc Giang - Việt Trung tiếp tục duy trì vận hành thường xuyên các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; thực hiện việc gia cố những vị trí bị rạn nứt của bờ đập bãi chứa, không để sự cố xảy ra; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, thực hiện khơi thông, nạo vét cống, rãnh thu gom nước mưa, nước thải; vệ sinh đất đá, bùn rơi vãi tại khu vực đường giao thông phía trước cổng Nhà máy; tích cực phối hợp, thông tin với chính quyền địa phương về công tác bảo vệ môi trường để theo dõi, giám sát. Đồng thời, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

- Đối với Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam: Kết quả kiểm tra tại Công ty cho thấy tại khu vực xưởng sản xuất của Công ty phát sinh mùi khó chịu, khí thải phát sinh từ các máy gia nhiệt hạt nhựa phân xưởng kéo sợi chưa được thu gom, xử lý triệt để. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty với số tiền 80 triệu đồng và yêu cầu Công ty thực hiện khắc phục ngay; có biện pháp thu gom, xử lý triệt để mùi, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động, không để ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

Ngày 17/8/2017, UBND tỉnh tiếp tục thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện khắc phục các tồn tại về bảo vệ môi trường của Công ty; tại buổi làm việc cho thấy Công ty đã dừng hoạt động đốt sàng nhựa có phát sinh khí thải không đúng quy định; Công ty đã tiến hành lắp đặt hệ thống thiết bị đốt sàng nhựa cùng hệ thống xử lý khí thải và hoạt động từ 10/10/2017; ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường và liên hệ với đơn vị tư vấn tiếp tục lắp đặt, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải phát sinh.

UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lắp đặt, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý khí thải phát sinh từ các công đoạn gia nhiệt, đảm bảo mùi, khí thải phát sinh được thu gom, xử lý triệt để, không gây ảnh đến môi trường xung quanh; đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

-  Đối với Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra thực tế tại Công ty. Kết quả cho thấy, từ ngày 16/4/2017 đến ngày 23/6/2017, trong quá trình sản xuất của công ty có tình trạng xả khí thải có hàm lượng bụi tổng vượt quy chuẩn cho phép, đúng như phản ánh của cử tri.

UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty tiếp tục đầu tư công nghệ, giải pháp tiên tiến hơn trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu đến mức thấp nhất các yếu tố gây ô nhiễm ra môi trường; công khai thông tin, tăng cường tuyên truyền đến người dân để nắm rõ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Công ty. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý theo quy định.

- Đối với Bệnh viện Ung bướu tỉnh: UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức làm việc với Bệnh viện Ung Bướu tỉnh; Bệnh viện đã xây dựng và đang vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 150 m3/ngày đêm. Hiện nước thải phát sinh được thu gom, xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung sau đó thải ra cống thoát nước chung của khu vực và thải trực tiếp vào khu ruộng canh tác của nhân dân (cống thoát chung nước thải và nước mưa).

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Bệnh viện bố trí tách riêng đường thoát nước thải và nước mưa, không xả thải trực tiếp vào khu ruộng canh tác của nhân dân.Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định về bảo vệ môi trường.

5. Cử tri xã Nội Hoàng huyện Yên Dũng phản ánh: Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong Khu Công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng thường xuyên xả nước thải trực tiếp gây ô nhiễm đồng ruộng làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích ruộng của nhân dân thôn Nội, thôn Trung không được thu hoạch do ảnh hưởng từ nguồn nước xả thải của các doanh nghiệp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh khảo sát, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và xây dựng kênh tiêu thoát nước thải riêng cho các khu công nghiệp. Đồng thời chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra thực tế, kết quả như sau:

Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (cả khu phía Bắc và khu phía Nam) đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung (khu phía Bắc dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành tháng 01/2018; khu phía Nam đã xây dựng xong, đang chạy thử); thời gian qua, các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN phải tự xử lý nước thải đạt yêu cầu theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Lượng nước thải của các doanh nghiệp được thải vào Ngòi Bún chảy ra sông Thương, không ảnh hưởng tới diện tích ruộng lúa của thôn Nội, thôn Trung xã Nội Hoàng.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, một số diện tích lúa của thôn Nội và thôn Trung, xã Nội Hoàng bị ảnh hưởng là do nước thải của một số doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Nội Hoàng. Hiện nay, Cụm công nghiệp này chưa có hệ thống thu gom nước mưa, nước thải riêng và hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp, đảm bảo nước thải đạt yêu cầu theo quy định. Hiện, các doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động trong tháng 10/2017.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Nội Hoàng; đảm bảo xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải riêng biệt, hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoàn thành trong năm 2019; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trung bình (0 Bình chọn)