Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri về lĩnh vực Nông nghiệp – Nông thôn

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Cử tri đề nghị: UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ các Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được tiếp cận với các Công ty, doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được tiếp cận với các Công ty, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện một số giải pháp, cụ thể:

- Tích cực thông tin tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

- Đã ban hành Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút một số doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình như: Công ty chăn nuôi Hoà Phát, RTD tại huyện Sơn Động, Công ty CP tập đoàn T&T đang tiến hành khảo sát, lập dự án nông trường mẫu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tân Yên với quy mô khoảng 100-150 ha và lập dự án Trung tâm chế biến nông sản ứng dụng công nghệ tại huyện Lục Nam với quy mô 6 ha… Các dự án được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, hộ gia đình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Có các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, ưu tiên cho các HTX hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu như: xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế, ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ 2, lễ hội mỗi làng một sản phẩm được tổ chức ở huyện Tân Yên và Lục Nam để các HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được giao thương, quảng cáo các sản phẩm, ký kết các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tiếp cận với các Công ty, doanh nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

2. Cử tri đề nghị: UBND tỉnh tăng cường các công trình, dự án, biện pháp hỗ trợ người dân sinh sống ở khu vực xung quanh khu bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ về phát triển sản xuất, giải quyết việc làm để hạn chế người dân vào phá rừng vì đời sống khó khăn

Những năm gần đây, thông qua các chương trình, dự án nguồn vốn ngân sách Trung ương và của tỉnh đã quan tâm, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp người dân tại các xã xung quanh các khu bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để giảm bớt khó khăn ở khu vực này. Mặc dù nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên còn chưa đáp ứng nhu cầu, song các xã xung quanh khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được các cấp hỗ trợ nguồn vốn khá lớn, cao hơn nhiều so với các xã còn lại của tỉnh. 

Thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân các xã xung quanh các khu bảo tồn, rừng phòng hộ dần được cải thiện: 100% các xã đã có đường giao thông đến trung tâm xã, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt khá; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 90% (cao hơn bình quân chung của tỉnh); hầu hết các trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đều có bác sĩ phục vụ; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo năm 2016 là 38,2%, năm 2017 là 34,1%.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tích cực các biện pháp hỗ trợ cải thiện đời sống, kinh tế - xã hội của các hộ nghèo, cận nghèo của các xã xung quanh các khu bảo tồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để bớt khó khăn; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vì lợi ích kinh tế vi phạm phát, phá rừng tự nhiên nghèo kiệt, đất trống có cây gỗ tái sinh để chuyển sang trồng rừng kinh tế. Cụ thể các giải pháp chủ yếu sau:

- Tiếp tục huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án cho các xã xung quanh khu bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xã hội.

- Bố trí kinh phí sự nghiệp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng đủ ngay từ đầu năm 2018 để hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, trồng rừng cho các chủ rừng, nhất là người dân sinh sống ven rừng, gần rừng xung quanh các khu bảo tồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

- Tạo điều kiện để các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo của các xã quanh khu vực rừng tiếp cận nguồn vốn vay trồng rừng, phát triển chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ.

- Nghiên cứu, ban hành quyết định về phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện, xã, kiểm lâm, chủ rừng và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng; triển khai thực hiện Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng.

- Yêu cầu lực lượng Kiểm lâm, các ban quản lý rừng cùng các ngành chức năng và chính quyền cơ sở tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên bám rừng, tuần tra, kiểm tra rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng; kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để rừng trên địa bàn quản lý bị cháy, phá nhưng không phát hiện, ngăn chặn, báo cáo kịp thời.

- Kiên quyết thu hồi rừng khi chủ rừng vi phạm nghiêm trọng như: Sử dụng rừng không đúng mục đích, không tiến hành các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng.

Trung bình (0 Bình chọn)