Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri về lĩnh vực pháp chế

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
1. Cử tri các huyện Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế và thành phố Bắc Giang đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo việc thi tuyển, điều động, luân chuyển công chức, viên chức ngành giáo dục sớm hơn để đảm bảo cho các nhà trường chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch cho năm học; bố trí cân đối tỷ lệ giáo viên phù hợp cho các trường.

Tiếp thu ý kiến cử tri, việc tuyển dụng và điều động giáo viên, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tuyển dụng được 648 giáo viên năm học (2017 - 2018) trong tháng 8/2017 trên cơ sở biên chế được giao và thực trạng đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có.

 2. Cử tri trong tỉnh đề nghị:  Có giải pháp quản lý, sử dụng và không để lãng phí nguồn nhân lực là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm cơ sở.

Để quản lý và sử dụng không để lãng phí nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ khuyến nông, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý; thường xuyên kiểm tra, phối hợp với cơ sở trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm; tiến hành rà soát đánh giá thực trạng của đội ngũ cán bộ khuyến nông, nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý đảm bảo có hiệu quả. Đến nay, UBND các huyện đang tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng của đội ngũ này để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.

3. Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị: UBND tỉnh xem xét, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh với số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng nâng cao, cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao; không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

- Đã hoàn thiện đề án vị trí việc làm để xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí, chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước; chuẩn hóa về tiêu chuẩn,  trình độ, chuyên ngành đào tạo (như trình độ chuyên môn, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ), kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, độ tuổi... phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị làm căn cứ để tuyển chọn, bố trí, quy hoạch, đào tạo, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức khoa học, hợp lý.

- Thực hiện tuyển dụng công khai, minh bạch cán bộ, công chức, viên chức theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt và chính sách thu hút, ưu tiên trong tuyển dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở từng cơ quan, đơn vị cũng như ở các ngành và địa phương.

- Hướng dẫn xây dựng tiêu chí chi tiết đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, nội dung đánh giá tập trung vào tỷ lệ khối lượng công việc đã hoàn thành so với khối lượng công việc chung của cơ quan; mỗi cơ quan, đơn vị không quá 30% tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử; trong đó đã tiến hành kiểm tra 30% các Sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố...

4. Cử tri các xã Phúc Hòa, Việt Ngọc, An Dương, huyện Tân Yên phản ánh: Hiện nay, cán bộ làm công tác kiêm nhiệm ở thôn, xóm không được hưởng hoặc chỉ được hưởng 50% phụ cấp như hiện nay là chưa phù hợp. Đề nghị xem xét cho hưởng 100% phụ cấp đối với các chức danh kiêm nhiệm ở thôn, xóm.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xin ý kiến sửa đổi một số Nghị định liên quan đến chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố. UBND tỉnh đã tiếp thu ý kiến của cử tri để tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.

 5. Cử tri đề nghị:  UBND tỉnh chỉ đạo sát sao việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chính xác, thực chất hơn đi đôi với việc tinh giản biên chế.

Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ban hành quy định tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu Sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố trong thi hành công vụ. Đây là một trong các căn cứ quan trọng để đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị hàng năm gắn với việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm của các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố giai đoạn 2016-2021; chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án vị trí việc làm của các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố giai đoạn 2016-2021.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đã phê duyệt danh sách đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế cho 236 trường hợp có thời điểm nghỉ từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2017, trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản do được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp chiếm trên 80%. Việc tinh giản biên chế gắn với kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức là một trong những biện pháp chủ yếu để thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức của tỉnh.

6. Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị: Thành lập tổ dân phố số 7 phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang.

HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 18/7/3017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1257/QĐ-UBND ngày 21/7/2017 về việc thành lập Tổ dân phố số 7, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang.

 7. Cử tri đề nghị:  Nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư KNTC; tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định, kết luận sau thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC luôn được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ giao ban hằng tháng với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc một số Sở, ngành, qua đó đề ra biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với các vụ việc khiếu kiện phức tạp, vụ việc có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp để nghe báo cáo tình hình, kiểm tra thực tế tại địa phương và có ý kiến chỉ đạo giải quyết, xử lý dứt điểm vụ việc.

UBND các cấp đã chủ động tích cực phối hợp tốt với Uỷ ban MTTQ và Hội Nông dân cùng cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phối hợp tổ chức công khai tại nơi cư trú đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đã có thông báo chấm dứt, thụ lý giải quyết; vận động, thuyết phục các thành viên, hội viên chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật...

Để nâng cao công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện các nội dung:

- Tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp đối với công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC và tổ chức thực hiện các kết luận, quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật.

- Tích cực hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC.

- Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, mà trực tiếp là cán bộ, công chức, người được giao xem xét, xác minh, đề xuất biện pháp giải quyết KNTC; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện giải quyết KNTC; có hình thức xử lý đối với các trường hợp giải quyết, tham mưu giải quyết các vụ việc bị cấp trên cải sửa, hủy bỏ hoặc yêu cầu giải quyết lại.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật KNTC; trong đó, quan tâm đến việc tổ chức thực hiện các kết luận, quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật.

- Giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quan tâm kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra; các quyết định, kết luận giải quyết KNTC, xem xét, làm rõ nguyên nhân đối với các quyết định, kết luận còn tồn đọng, kéo dài, chưa thực hiện dứt điểm để có biện pháp xử lý kịp thời; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong việc tổ chức thực hiện, đặc biệt coi trọng sự phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể nhân dân tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện...

8. Cử tri đề nghị: Tiếp tục chấn chỉnh nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh; thường xuyên chỉ đạo Thanh tra tỉnh theo dõi, bám sát các nội dung, chương trình kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt trong toàn ngành; đồng thời chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi thấy có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm trong công tác quản lý đối với các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra; Chánh Thanh tra tỉnh đã chủ trì Hội nghị sơ kết, kiểm điểm đánh giá công tác thanh tra 06 tháng đầu năm, qua đó đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị khắc phục trong thời gian tới; đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý về thanh tra. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, rà soát chất lượng các cuộc thanh tra tại một số sở, ngành, huyện và thành phố để kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạoThanh tra tỉnh và các cơ quan, đơn vị tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác thanh tra, kiểm tra. Quan tâm lãnh đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra với mục đích không chỉ là phát hiện, xử lý khuyết điểm, vi phạm mà quan trọng hơn là ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm, phát hiện những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Gắn công tác thanh tra với việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng theo tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 19/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác thanh tra.

- Việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra hằng năm phải có trọng tâm, trọng điểm. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra; nhất là công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, không tiến hành thanh tra, kiểm tra khi không có chương trình, kế hoạch hoặc không có căn cứ để tiến hành thanh tra.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức đối với công chức thanh tra; đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra. Quá trình thanh tra phải tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Kết luận thanh tra phải đảm bảo khách quan, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có sai phạm và phải được công khai theo quy định. Việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra phải đảm bảo toàn diện, cả thu hồi về kinh tế, xử lý hành chính và xử lý khác. Phối hợp với cơ quan tổ chức cán bộ, với Ủy ban kiểm tra cùng cấp để xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đảng viên có sai phạm.

Đối với việc tăng cường quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện một số giải pháp cụ thể:

- Các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung theo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Quyết định số 419/2015/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của UBND tỉnh và Công văn số 1127/UBND-ĐT ngày 29/4/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện một số nội dung để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Qua đó nhằm hạn chế các cuộc kiểm tra đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa các cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với cùng một doanh nghiệp.

- Thực hiện rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp; đăng tải trên trang thông tin điện tử các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... về các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin.

- Tích cực áp dụng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt, các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như: Đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, thuế... Tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc của nhà đầu tư; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp.

- Thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2005/UBND-NC ngày 20/6/2017 chỉ đạo các Sở, ngành và các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi các cuộc thanh tra, kiểm tra đã có kế hoạch và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

- Định kỳ tổ chức gặp gỡ đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp nhằm lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác tiếp nhận thông tin, xử lý nhanh chóng các phản ánh của doanh nghiệp.

 9. Cử tri phản ánh:  Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa được các cấp, các ngành thực hiện kiên quyết; chưa phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm nhiều trường hợp, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đề nghị các cơ quan Nhà nước có giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhất là trong đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính ngân sách và chạy việc làm ở cơ quan nhà nước.

Trong thời gian qua, công tác PCTN, lãng phí luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ; UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện với nhiều nội dung, biện pháp cụ thể về công tác PCTN, lãng phí, trong đó trọng tâm là việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng kết hợp với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ cao về xảy ra tham nhũng; tập trung cao công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng đã phát hiện.

Tuy nhiên, công tác PCTN, lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu (chủ yếu là cấp xã) về công tác PCTN còn hạn chế; chưa tập trung cao việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí. Chương trình, kế hoạch PCTN còn chung chung, không sát với thực tế hoạt động hoặc chưa đề ra được các biện pháp cụ thể, hữu hiệu, phù hợp với đơn vị mình để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí;

- Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức, chưa đem lại hiệu quả như việc kê khai, minh bạch TSTN của CBCC; việc trả lương qua tài khoản; việc thực hiện quy định về nhận quà và nộp lại quà tặng,... Việc thực hiện các quy định về chuyển đổi vị trí công tác tại một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa nghiêm; sắp xếp, bố trí CBCC, viên chức tại một số địa phương, đơn vị không hợp lý.

- Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, như:

Để thực hiện tốt công tác PCTN, lãng phí trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, lãng phí; phải tiến hành đồng bộ, bằng nhiều biện pháp từ công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên đến tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị về công tác PCTN, lãng phí; phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới, chịu trách nhiệm và chịu hình thức kỷ luật trước cấp trên khi để xảy ra vi phạm, tham nhũng, lãng phí tại đơn vị, địa phương mình quản lý.

- Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh công tác QLNN trên các lĩnh vực, nhất là trong đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính ngân sách; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng công khai, minh bạch. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, hạn chế kẽ hở trong quản lý.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó tập trung thực hiện tốt việc công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực.

- Các cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác phối hợp với Ủy ban Kiểm tra cùng cấp trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm bị phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc tham nhũng.

- Đề nghị HĐND các cấp tăng cường công tác giám sát đối với công tác PCTN, lãng phí; Mặt trận Tổ quốc phát huy vai trò phản biện xã hội; chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục động viên hội viên tích cực tham gia vào công tác PCTN, lãng phí.

 10. Cử tri các huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Lạng Giang, thành phố Bắc Giang phản ánh:  Một số vụ việc khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp.

Qua theo dõi tình hình khiếu kiện trên địa bàn trong thời gian qua có nổi lên một số vụ việc khiếu kiện phức tạp của công dân làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Sau khi phát sinh các vụ việc và trên cơ sở tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của công dân, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành có chức năng nắm bắt thông tin, tình hình và xem xét, giải quyết các vụ việc theo quy định; đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trực tiếp vào cuộc, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tiếp xúc, đối thoại, tuyên truyền vận động, nắm rõ nguyên nhân khiếu kiện và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đến nay đã cơ bản ổn định tình hình trật tự tại địa phương, các vụ việc thuộc thẩm quyền đang được Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Chủ tịch các huyện, thành phố tập trung kiểm tra, xem xét giải quyết:

Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc để xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh, các sở, ngành thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố thường xuyên nắm bắt, rà soát các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ hình thành “điểm nóng”; đồng thời tổ chức tổng kết đánh giá 04 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, qua đó để sơ kết, kiểm điểm đánh giá công tác thanh tra, giải quyết KNTC và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Trung bình (0 Bình chọn)