Các nguyên tắc và phương pháp giáo dục con trong gia đình

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Giáo dục con trong gia đình là quá trình tác động của cha mẹ đến nhận thức, tình cảm, ý chí của con để hình thành cho con những hành vi, thói quen phù hợp với mong muốn của cha mẹ và yêu cầu của xã hội. Để giáo dục con tốt cha mẹ cần tuân thủ theo nguyên tắc và phương pháp

CÁC NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CON TRONG GIA ĐÌNH

 

          Giáo dục con trong gia đình là quá trình tác động của cha mẹ đến nhận thức, tình cảm, ý chí của con để hình thành cho con những hành vi, thói quen phù hợp với mong muốn của cha mẹ và yêu cầu của xã hội. Để giáo dục con tốt cha mẹ cần tuân thủ theo nguyên tắc và phương pháp như sau:

          Cha mẹ cần nắm vững đặc điểm tâm lý lứa tuổi và đặc điểm cá nhân từng đứa trẻ: Trẻ em ở mỗi lứa tuổi, mỗi cá nhân có đặc điểm riêng về sinh lý và tâm lý.

Cha mẹ phải nắm vững những đặc điểm đó ở từng lứa tuổi, từng đứa trẻ để giáo dục con, tạo điều kiện cho nhân cách trẻ phát triển triển thuận lợi, hướng tới cái tốt đẹp.

          Cha mẹ và những người lớn trong gia đình phải gương mẫu: Đặc điểm trẻ em, nhất là ở lứa tuổi mẫu giáo và nhi đồng rất hay bắt chước. Mọi cử chỉ, lời nói của cha mẹ đều ảnh hưởng lớn đối với trẻ. Vì vậy, để dạy con, cha mẹ cần phải làm tấm gương sáng, là khuôn mẫu để trẻ noi theo. Cha mẹ cần giữ đúng lời hứa, giải thích rõ khi không thực hiện được lời hứa với trẻ.

          Cha mẹ cần phải Thống nhất phương pháp giáo dục trẻ: Cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần thống nhất ý kiến trong việc giáo dục trẻ. ngoài ra, cũng cần thống nhất về nội dung, phương pháp giáo dục giữa gia đình, nhà trường  và xã hội.

          Cha mẹ cần biết Phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm của con: Về tâm lý, trẻ em muốn bố mẹ, bạn bè, mọi người thừa nhận những hành vi tích cực của mình, vì vậy, cha mẹ cần biểu dương những việc tốt của con trên cơ sở đó khắc phục mặt chưa tốt, nhưng phải chú ý đúng mức, đừng tán dương quá đáng và cũng không nên định kiến với thiêu sót, sai lầm của trẻ.

           Cha mẹ nên kiên trì, thường xuyên và giữ đúng mực thước

          Cha mẹ phải kiên trì và thường xuyên giáo dục con mới giúp con tạo nên những thói quen tốt. Cha mẹ cần yêu thương con hết mực nhưng không nên quá nuông chiều con. Cần phải nghiêm khắc đúng mực; Tôn trọng con nhưng yêu cầu cao với con. Thuyết phục con là chính nhưng khi cần thiết vẫn phải trách phạt.

          Để giáo dục con trở thành những người con hiếu thảo, những công dân có ích cho xã hội, các bậc cha mẹ có nhiều phương pháp giáo dục khác nhau. Sau đây là một số phương pháp giáo dục con theo khoa học.

          Phương pháp thuyết phục: Thuyết phục bằng lý lẽ là hình thức cha mẹ dùng lời nói phân tích, giảng giải cho con điều hơn lẽ thiệt, cái đúng cái sai để con hiểu và làm theo; Thuyết phục bằng nêu gương là hình thức cha mẹ hướng con học, làm theo những tấm gương điển hình, cụ thể. Khi thuyết phục, cha mẹ cần dùng lời lẽ truyền cảm, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng lứa tuổi, nhẹ hàng khuyên bảo, hướng dẫn; không áp đặt, ra mệnh lệnh. Dành thời gian chuyện trò, tâm sự với con, là người bạn lớn của con. Điềm tĩnh, kiên trì, suy nghĩ tìm lời lẽ thích hợp để thuyết phục. Khi nêu gương phải khôn khéo, tế nhị, không làm trẻ tự ái, hoặc xúc phạm trẻ. Cha mẹ phải có niềm tin vững chắc vào điều mình thuyết phục, biết kiên trì chờ đợi những chuyển biến, tiến bộ ở trẻ. tránh lối thuyết phục giáo huấn dài dòng, mệnh lệnh gia trưởng.

          Phương pháp tổ chức hoạt động rèn luyện thói quen: Trong sự hình thành và phát triển nhân cách, hoạt động giữ vai trò chủ đạo, mang tính quyết định. Để rèn luyện cho con những thói quen tốt, cha mẹ cần tổ chức các hoạt động khác nhau như hoạt động học tập, hoạt động lao động, hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động thể dục thể thao... để con tham gia. Tùy theo điều kiện cụ thể của gia đình, đặc điểm thể chất và năng lực của con mà tổ chức hoạt động học tập phù hợp. Tạo điều kiện về sách vở, đồ dùng, góc học tập, thời gian cho con học ở nhà. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện thời gian biểu, kiểm tra kết quả học tập của con, Hướng dẫn con học toàn diện.

           Cha mẹ nên tổ chức hoạt động lao động: Có kế hoạch cho con làm các công việc nhà hoặc lao động xã hội. Khi giao việc, giao trách nhiệm, yêu cầu của cha mẹ phải cụ thể, rõ ràng. Trong khi con thực hiện các công việc, cha mẹ phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tùy theo lứa tuổi và đặc điểm sức khỏe, năng lực của con mà giao việc. Cần xây dựng định mức  lao động để trẻ phấn đấu; rèn luyện tinh thần khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần đoàn kết trong lao động cho trẻ.

          Cha mẹ nên khen thưởng con khi con làm được việc tốt: Khen thưởng là hình thức cha mẹ biểu thị sự đồng tình, sự tán dương những thành tích đạt được của con nhằm động viên, khuyến khích con tiếp tục thực hiện những hành vi, cử chỉ đẹp của mình. Trẻ em nào cũng muốn được bố mẹ biểu dương, khen thưởng khi làm được việc tốt hoặc khi con tiến bộ. Hình thức khen thưởng có tác dụng khuyến khích, giáo dục là một cử chỉ  âu yếm, một lời khen hoặc một loại đồ dùng học tập, một quyển sách truyện, vé xem phim... tuyệt đối không thưởng tiền cho con nhỏ, khi khen thưởng cần chú ý: hình thức khen thưởng phải xứng đáng với thành tích của con. Khen thưởng phải công khai và dược mọi người công nhận, không phân biệt con trai với con gái.

          Cha mẹ cần thực hiện Phương pháp trách phạt: Trách phạt nhằm giúp trẻ em thấy thiếu sót của mình để quyết tâm sửa chữa, ngăn ngừa sai phạm. Vì vậy cần trách phạt một cách tự nhiên để trẻ tự rút ra bài học,  tự thấy sai lầm của mình. Các hình thức trách phạt nên ở mức độ: nhận xét nghiêm khắc về điều sai trái, phê bình, khiển trách hoặc yêu cầu con làm lại, dù đó là con trai hay con gái. Bình tĩnh, chủ động khi thực hiện biện pháp trách phạt. tuyệt đối không đánh đập, quát mắng, thóa mạ con, nhất là trước mặt bạn bè của con và ngững người lạ. Không trách phạt trẻ một cách vội vàng mà phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân, phải có sự đồng tình giữa cha mẹ và con cái trong việc thực hiện hình thức trách phạt. Phải chỉ ra cách tránh khỏi sai lầm để trẻ sửa chữa. 

          Giáo dục trong gia đình là bước đầu tiên và quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Để giáo dục trong gia đình đạt hiệu quả, đòi hỏi các bậc làm cha mẹ một sự hy sinh lớn lao, không vụ lợi, không cần được con cái đáp đền. Khi áp dụng các nguyên tắc và phương pháp cần sử dụng đan xen nhau. Nó là chiếc chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc của con cái, gia đình, nền tảng hạnh phúc của xã  hội.

                                                                                                                                                                                                                                                                       Ban GĐXH

Ngụy Thị Tuyến Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,834
Tổng số trong ngày: 1,279
Tổng số trong tuần: 24,771
Tổng số trong tháng: 55,208
Tổng số trong năm: 551,438
Tổng số truy cập: 1,522,510