Chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

 Chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

1. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

- Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa đoàn kết và thành công. Là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Theo Bác đoàn kết trong Đảng là tiền đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế. Đó là đường lối chiến lược kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

- Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết hối cải trở về với nhân dân. Hình thức tổ chức lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc là Mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận dân tộc thống nhất chỉ có thể bền vững khi được xây dựng trên nền tảng khối liên minh công – nông – trí thức và dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc: Thứ nhất, tin vào dân, dựa vào dân, vì lợi ích của dân. Thứ hai, đoàn kết, lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo. Thứ ba, đoàn kết trên cơ sở hiệp thương, dân chủ, chân thành, thẳng thắn, thân ái; đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình và phê bình. Thứ tư, đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước – nhân nghĩa – đoàn kết của dân tộc.

- Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết cần tuyên truyền, vận động nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cương lĩnh tuyên truyền phải hết sức giản đơn, ai ai cũng hiểu được, nhớ được. Đoàn kết, đánh địch, cứu nước, chỉ sáu chữ ấy thôi là đủ rồi”. Bên cạnh đó, phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

- Đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc và là đức tính cơ bản của người cách mạng. Đối với toàn Đảng chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”. Đối với mỗi đảng viên, Người cho rằng, muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên. Đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, Người kêu gọi “tất cả dân ta đều thi đua: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, phải chống những cái xấu, những căn bệnh gây chia rẽ, mất đoàn kết như bệnh hẹp hòi, chủ nghĩa cá nhân.

- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc thì toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần có phong cách lãnh đạo: “Kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”. Đối với cán bộ lãnh đạo, đảng viên cần chú ý tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, chăm lo đời sống của nhân dân, tin vào dân, tôn trọng dân, chú ý lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, sẵn sàng tiếp thu ý kiến dân phê bình và kịp thời sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót. Đối với toàn thể nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào ta ai cũng cần có phong cách thân ái, khoan hồng, độ lượng, thương yêu lẫn nhau mới đoàn kết được toàn dân tộc. Với đồng bào các tôn giáo, phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Đối với đồng bào các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các dân tộc đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em”.

2. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

- Công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm:

+ Xây dựng Đảng về chính trị và xây dựng Đảng về tư tưởng: Đường lối chính trị, bảo vệ chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị… Trong đó, đường lối chính trị là một vấn đề cốt tử trong sự tồn tại và phát triển của Đảng.

+ Xây dựng Đảng về tổ chức: Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Trong hệ thống đó, chi bộ đóng vai trò là hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng.Về công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài.

+ Xây dựng Đảng về đạo đức: Một là, những chuẩn mực đạo đức cần có của tổ chức Đảng là kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin một cách sáng tạo, chống giáo điều và rời xa nguyên tắc. Trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân, dân tộc Việt Nam và của loài người. Hai là, cán bộm, đảng viên cần trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, yêu thương quý trọng con người, có tinh thần quốc tế trong sáng. Ba là, những nguyên tắc, biện pháp xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng: Nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức, tu dưỡng đạo đức suốt đời.

- Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Xây dựng Mặt trận dân tộc và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh để bảo đảm dân chủ trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm xây dựng Mặt trận với vai trò là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị xã hội vì mục tiêu chung của sự phát triển đất nước; Đoàn thanh niên lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; Công đoàn phải thật sự trở thành trường học quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và văn hoá của giai cấp công nhân nước ta; Hội Liên hiệp Phụ nữ phải là lực lượng mạnh mẽ giúp Đảng động viên, tổ chức và lãnh đạo phụ nữ tiến lên chủ nghĩa xã hội; Hội Nông dân có nhiệm vụ làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình, làm cho nông dân vào Hội nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia cuộc kháng chiến kiến quốc.

- Đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng: Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, quan tâm rèn luyện Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Tấm gương mẫu mực của Người về phẩm chất, tư cách, suốt đời phấn đấu hi sinh co sự nghiệp cách mạng của Đảng được thể hiện nổi bật ở các điểm: Một là, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; hai là, tấm gương luôn tự rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống tác phong của một đảng viên. Chăm lo xây dựng Đảng ta thành một Đảng đạo đức, văn minh với những chuẩn mực được xây dựng từ mỗi tổ chức đảng cho đến từng cán bộ, đảng viên. Người cũng nêu rõ chuẩn mực đạo đức đầu tiên cần có của cán bộ, đảng viên là trung với Đảng, với Nước, hiếu với Dân, yêu thương quý trọng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh định ra 3 nguyên tắc để tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện gồm: Xây đi đôi với chống; nói đi đôi với làm, tu dưỡng đạo đức hàng ngày, suốt đời.

- Đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống chính trị: Kết hợp đạo đức với pháp luật xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính phục vụ Tổ quốc và nhân dân có hiệu quả. Chính phủ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì phải liêm chính, biết làm việc. Nhà nước cần biết cách làm cho người dân thực sự có quyền lực, mở rộng dân chủ, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng. Nông dân thì phải tổ chức nông dân thật chặt chẽ. Đoàn thanh niên cần làm đầu tầu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Hội phụ nữ thực hiện các nhiệm vụ là: (1) Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ; (2) thi đua gia tăng sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu; (3) hăng hái tham gia chính quyền; (4) giúp đỡ bộ đội; (5) bảo vệ nhi đồng.

- Phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng và phong cách lãnh đạo nêu gương cho cán bộ, đảng viên. Về phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng là khiến cho cấp dưới và nhân dân cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Về phong cách lãnh đạo nêu gương cho cán bộ, đảng viên thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng phong cách tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách và phong cách ứng xử chân thành cho cán bộ, đảng viên. Toàn bộ hệ thống chính trị: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm công tác tham mưu, thực hiện dân vận khéo, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguồn: Ban Tuyên giáo TW

Ngụy Thị Tuyến Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,157
Tổng số trong ngày: 2,550
Tổng số trong tuần: 26,042
Tổng số trong tháng: 56,479
Tổng số trong năm: 552,709
Tổng số truy cập: 1,523,781