Thứ tư, 12 Tháng 06 Năm 2024

Đoàn đại biểu Quốc Hội khu vực tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “Một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em”

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Bắc Giang:Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng Đoàn đại biểu Quốc Hội khu vực tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “Một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em”

        Thực hiện chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, vừa qua, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã đề xuất Đoàn đại biểu Quốc Hội khu vực tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với chuyên đề“một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em”. Sáng 30/9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội khu vực tỉnh Bắc Giang gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hà Thị Lan, Phó Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh đã tiếp xúc với gần 200 cử tri nữ đại diện đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh Bắc Giang.

Bà: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng,Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị        

Tại Hội nghị, đã có 15 cử tri phát biểu ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em mà cán bộ, hội viên phụ nữ đang quan tâm như: tình hình thời tiết diễn biến khắc nghiệt ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của nhân dân và trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, việc xử lý tín dụng đen; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được hưởng chế độ thai sản… Trong đó, các cử tri đặc biệt quan tâm đến nội dung bảo đảm bình đẳng giới trên thực tiễn, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam…

Chị Ngô Thị Hoa – cử tri huyện Tân Yên phản ánh: một số quy định bảo đảm việc bình đẳng giới dưới góc độ của pháp luật nhưng lại chưa đảm bảo bình đẳng giới thực chất trên thực tế. Cụ thể tại khoản 4, Điều 11, Luật Bình đẳng giới quy định "Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức"; tuy nhiên, khi phân tích các điều kiện này trong tương quan giữa cán bộ, công chức, viên chức nam và nữ sẽ xuất hiện sự chênh lệch về số năm cơ hội thực hiện quyền của mỗi người theo hướng bất lợi nghiêng về nữ (thấp hơn 4 - 5 năm so với nam) do chênh lệch độ tuổi nghỉ hưu, thời gian phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tại khoản 4 Điều 14 Luật bình đẳng giới quy định “Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ” – quy định này cũng chưa được thực hiện trện thực tế.

Chị Phùng Thị Ngọc – cử tri huyện Yên Thế đề nghị đại biểu Quốc Hội có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể việc xử lý hai tội danh hiếp dâm người dưới 16 tuổi và dâm ô đối với người dưới 16 tuổi để đảm bảo sự thuận lợi và tính thống nhất trong quá trình áp dụng; đề nghị bổ sung tội danh dâm ô đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên trong Bộ luật Hình sự nhằm tạo căn cứ xử lý hành vi này, bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân đặc biệt là đối với phụ nữ.

Liên quan đến tình trạng xâm hại trẻ em, cử tri Đỗ Thị Thi (huyện Yên Dũng), cử tri Dương Thị Thủy (huyện Lục Ngạn) đề nghị đại biểu Quốc Hội có ý kiến đề xuất cơ quan chức năng xây dựng và ban hành quy trình giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục để đảm bảo tính chất xác định và củng cố chứng cứ vật chất của vụ việc, trong đó, quy định thời hạn cụ thể mà cơ quan điều tra bắt buộc phải ban hành quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục; quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đảm bảo không làm lộ lọt thông tin vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, danh dự, nhân phẩm cho nạn nhân…

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội khu vực tỉnh đã thông tin đến cử tri một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm 2019 đồng thời nhấn mạnh, thời gian qua, Bắc Giang đã có nhiều chính sách, việc làm để thực hiện Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ qua đó đạt một số kết quả quan trọng như: Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang có 5/8 đại biểu là nữ; Ban thường vụ Tỉnh ủy có 3 đồng chí là nữ. Tỷ lệ nữ cán bộ cấp huyện, xã cơ bản đạt chỉ tiêu đại hội.

Cũng tại Hội nghị này, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã giải đáp một số ý kiến của cử tri về việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, việc thực hiện Bộ luật Hình sự năm 2015 như: Hiện còn có một số quy định của Luật Bình đẳng giới chưa được thực hiện trong thực tiễn như bình đẳng giữa nam và nữ trong đào tạo, bổ nhiệm, quy hoạch… Thực tế, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ hiện chênh nhau 5 năm nên tuổi quy hoạch để bổ nhiệm của nữ cũng thấp hơn nam 5 năm. Sắp tới, khi tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh (nam lên 62, nữ là 60), sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ trong bổ nhiệm, quy hoạch. Về ý kiến đề xuất tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản, bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin, hiện Chính phủ đang giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng quyền lợi cho người tham gia. Đối với vấn đề xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đối với các tội liên quan đến xâm hại tình dục với người dưới 16 tuổi nếu bị phát hiện thì không cần yêu cầu của bị hại vẫn bị khởi tố. Do đó, dù gia đình bị hại không tố cáo hoặc tố cáo rồi sau đó rút đơn thì vẫn bị xử lý nếu có hành vi vi phạm… Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Việc ban hành Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về các tội liên quan đến xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, sẽ tập hợp, tiếp thu tất cả các ý kiến kiến nghị khác của cử tri nữ tỉnh Bắc Giang để gửi đến các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật còn hạn chế, bất cập liên quan đến vấn đề này.

Ban LPCS – Hội LHPN tỉnh Bắc Giang (tổng hợp)

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,823
Tổng số trong ngày: 1,749
Tổng số trong tuần: 20,425
Tổng số trong tháng: 70,240
Tổng số trong năm: 491,005
Tổng số truy cập: 1,789,968