Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Bắc Giang: Một số kinh nghiệm bước đầu trong tổ chức đại hội điểm MTTQ cấp xã nhiệm kỳ 2024-2029

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 Ban Chấp hành Trung ương về lãnh đạo đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029; Hướng dẫn số 104/HD-MTTW-BTT ngày 29/6/2023 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về  hướng dẫn Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X; Đảng đoàn Ủy ban MTTQ tỉnh đã sớm tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành văn bản số 2211-CV/TU ngày 21/6/2023 về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; ban hành Hướng dẫn số 73/HD-MTTQ-BTT ngày 28/8/2023 về tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2024-2029.

Đồng chí Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ một số kinh nghiệm bước đầu trong tổ chức đại hội điểm MTTQ cấp xã

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội MTTQ các cấp; chỉ đạo 10 huyện,TP mỗi đơn vị chọn 01 xã/phường/thị trấn tổ chức Đại hội điểm cấp xã. Đến nay 10/10 đơn vị đã tổ chức thành công Đại hội điểm MTTQ cấp xã. Qua việc tổ chức thành công Đại hội điểm MTTQ cấp xã cho thấy: Đại hội diễn ra phù hợp về mặt nội dung, đảm bảo đúng điều lệ, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

 

Một số kinh nghiệm bước đầu trong tổ chức đại hội điểm MTTQ cấp xã

Thứ nhất: Ủy ban MTTQ các cấp phải xác định công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ các cấp, nhiệm kỳ 2024 -2029 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong hệ thống Mặt trận và các tầng lớp nhân dân. Do đó, chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy sớm ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp đề nghị chính quyền đảm bảo kinh phí tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Thứ hai, Ủy ban MTTQ các cấp tập trung chuẩn bị thật tốt nội dung dự thảo Báo cáo chính trị và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ 2024 -2029. Theo đó, báo cáo chính trị phải đánh giá đúng mức kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đồng thời bám sát nghị quyết đại hội Đảng bộ cùng cấp, thực tiễn kinh tế - xã hội, tình hình các tầng lớp nhân dân để xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thứ ba, Chú trọng xây dựng Đề án nhân sự Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã nhiệm kỳ 2024 -2029 với số lượng hợp lý, đảm bảo tỷ lệ, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, quan tâm đảm bảo nhân sự chủ chốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã theo Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029; Công văn số 2211-CV/TU ngày 21/6/2023 của Tỉnh uỷ. Hướng dẫn số 73/HD-MTTQ-BTT ngày 28/8/2023 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh về tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp  tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang lần thứ XV nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện vai trò, trách nhiệm các thành viên là cá nhân của nhiệm kỳ trước, để thay đổi hoặc tiếp tục mời tham gia ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới. Đồng thời, khi xây dựng đề án nhân sự cần tính toán đến việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, đầu tư xây dựng chương trình và kịch bản điều hành Đại hội thật cụ thể, hợp lý; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Đoàn Chủ tịch đảm bảo sự nhịp nhàng, chặt chẽ. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phải xác định và gợi ý nội dung các báo cáo tham luận tại Đại hội theo từng chủ đề riêng biệt.

Thứ năm, trước khi tổ chức Đại hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên tổ chức làm việc trực tiếp với Ban Thường trực Ủy MTTQ Việt Nam cấp dưới để góp ý vào dự thảo văn kiện, đề án nhân sự, chương trình và kịch bản điều hành Đại hội.

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tích cực của chính quyền và sự vào cuộc một cách chủ động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, nên việc tổ chức điểm Đại hội điểm MTTQ Việt Nam cấp xã, nhiệm kỳ 2024-2029 tỉnh Bắc Giang thành công tốt đẹp. Đại hội đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát huy dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Công tác tổ chức Đại hội MTTQ các cấp sẽ được tiến hành tổ chức và hoàn thành theo đúng lộ trình

Theo Kế hoạch thì Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029 sẽ diễn ra theo đúng thời gian quy định. Cấp xã hoàn thành trong tháng 4/2024; cấp huyện hoàn thành trong tháng 6/2024; cấp tỉnh hoàn thành trong tháng 8/2024.

Đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về công tác nhân sự

 Xác định công tác nhân sự là nội dung quan trọng của Đại hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành hướng dẫn về công tác nhân sự cho MTTQ các cấp. Yêu cầu quan trọng là cơ cấu, thành phần, số lượng đảm bảo đúng quy định; góp phần nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong giai đoạn mới. Đề án nhân sự nhiệm kỳ 2024-2029 đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, Quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Công văn số 2211-CV/TU ngày 21/6/2023 của Tỉnh ủy Bắc Giang về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029 trên địa bàn tỉnh; Nhân sự giới thiệu tham gia ủy ban MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029 phải là người tiêu biểu, đại diện cho một giai cấp, tầng lớp trong xã hội; có năng lực, uy tín, trách nhiệm cao, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỷ lệ người tái cử không quá 60% so với đầu nhiệm kỳ 2019-2024.

Thứ nhất: Tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ chuyên trách tham gia Ủy ban, Ban Thường trực nhiệm kỳ 2024 – 2029.

- Cán bộ chuyên trách tham gia Ủy ban, Ban Thường trực nhiệm kỳ mới đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ theo quy định của Đảng và các quy định của Nhà nước về công tác cán bộ, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới.

- Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ban Thường trực nhiệm kỳ 2024-2029 phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng theo phân cấp quản lý cán bộ, có số lượng, cơ cấu hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

- Đối với nhân sự Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029 thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22 -CT/TW của Ban Bí thư:

+ Đối với cấp huyện: Đối với các huyện ủy, thành ủy được bố trí có 13 Ủy viên Ban Thường vụ phân công và giới thiệu đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy có năng lực, uy tín để hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện. Các huyện ủy được bố trí 11 Ủy viên Ban Thường vụ do Ban Thường vụ huyện ủy quyết định phù hợp với tình hình thực tế (Nếu không bố trí được Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy thì phân công và giới thiệu đồng chí đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có năng lực, uy tín để hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện).

+ Đối với cấp xã: Phân công giới thiệu đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy để hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã. Nếu không bố trí được Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy thì giới thiệu đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ có năng lực, uy tín để hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã.

Thứ hai, Số lượng, cơ cấu Ủy viên Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp

- Đối với Ủy ban MTTQ cấp huyện:  Số lượng Ủy viên Ủy ban không quá 50 người (riêng 03 huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa tối đa không quá 55 người).  Số lượng Ban Thường trực từ 03 đến 05 người gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực (là cán bộ chuyên trách của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện).

- Đối với Ủy ban MTTQ cấp xã:  Số lượng Ủy viên Ủy ban: Từ 30 đến 35 người. Số lượng Ban Thường trực là 03 người gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực (là người hoạt động không chuyên trách thuộc các tổ chức chính trị - xã hội).(Đối với chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã thực hiện theo Kết luận 226-KL/TU ngày 09/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Quan tâm, ưu tiên bố trí người hoạt động không chuyên trách có năng lực, tuổi còn trẻ).

Bảo Trung, MTTQ tỉnh

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,611
Tổng số trong ngày: 3,889
Tổng số trong tuần: 5,750
Tổng số trong tháng: 68,243
Tổng số trong năm: 387,450
Tổng số truy cập: 1,686,413