Thứ tư, 12 Tháng 06 Năm 2024

Chăm lo cho người nghèo qua những việc làm thiết thực nhất

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Với quan điểm giảm nghèo phải gắn liền với việc động viên, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu một cách chính đáng, các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh Bắc Giang đã cụ thể hóa, xây dựng và thực thi nhiều biện pháp, phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương để hỗ trợ người dân thoát nghèo.

 Giảm nghèo bền vững

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng, mỗi năm toàn tỉnh giảm bình quân 2,09% hộ nghèo. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 3,5%, giảm hơn 10,4% so với năm 2015; tỷ lệ tái nghèo hằng năm không quá 0,6%, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước (1,5%). Những hộ nghèo hiện nay chủ yếu là do thiếu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, sử dụng vốn vay kém hiệu quả, có người do ốm đau, bệnh tật, sức khỏe yếu...

Các Đ/c lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trao Bằng khen cho các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”và chương trinh an sinh xã hội

Một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo huyện Sơn Động chiếm hơn 35% (năm 2018). Với mục tiêu giảm bình quân (giai đoạn 2016 -2020, giảm bình quân 5,4%/năm số hộ nghèo, huyện Sơn Động đang tập trung huy động các nguồn lực để giảm nghèo bền vững. Một trong những thành công trong công tác này là ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo, làm giàu đã hình thành vững chắc trong nhân dân, được cụ thể hóa thông qua các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh.

Trước đây gia đình ông Chu Xuân Tuyên (SN 1958), dân tộc Tày và nhiều hộ dân ở Thôn Đồng Chu, xã Yên Định (Sơn Động) đã biết đến nghề nuôi ong nhưng do kinh tế eo hẹp nên quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện nâng số lượng đàn. Năm 2018, ông Tuyên được hỗ trợ 30 đàn ong giống theo chương trình 30a, cùng với số ong có sẵn, ông mở rộng sản xuất lên hơn 200 đàn. Giờ đây mỗi năm gia đình ông thu được từ 200 - 300 lít mật. Theo ông Tuyên, nuôi ong vốn ít, lãi nhiều, tận dụng thế mạnh của miền núi, vùng cao có diện tích rừng lớn nên nghề này rất phù hợp với những hộ nghèo.

Nghề nuôi ong giúp nhiều hộ gia đình tại Sơn Động thoát nghèo

Từ một gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo của huyện Lục Ngạn, 5 năm trở lại đây gia đình ông Nguyễn Công Tân, dân tộc Hoa, thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải đã dần ổn định kinh tế và có của ăn của để nhờ mô hình chăn nuôi dê.

Ông Nguyễn Công Tân cho biết, diện tích đất vườn của gia đình rất rộng nhưng từ trước đến nay chỉ biết đến chăn nuôi gà và lợn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá cả thị trường bấp bênh nên việc chăn nuôi của gia đình gặp nhiều khó khăn. Đang đau đầu tìm hướng đi mới thì vô tình ông được xem một mô hình chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình qua kênh truyền hình. Nhận thấy sự giống nhau về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, ông Tân cùng gia đình đã mạnh dạn chuyển hướng chăn nuôi. Bước đầu, gia đình ông bỏ ra 10 triệu đồng để mua chục con dê giống. Qua quá trình vừa nuôi vừa học hỏi kiến thức một cách tỉ mỉ, lứa đầu tiên đàn dê nhanh lớn và khỏe mạnh.Thời điểm nhiều nhất đàn dê nhà ông Tân lên đến 60 con. Vừa rồi gia đình ông đã xuẩt bán 30 con dê thương phẩm với giá 120,000 đồng/kg, thu về 78 triệu đồng. Nhờ đó gia đình ông Tân đã thoát nghèo và dần trở thành hộ khá giả tại địa phương.

Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Tính từ Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm trước đến nay, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên đã vận động Quỹ “Vì người nghèo”, chương trình an sinh xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 được tổng số tiền hơn 118 tỷ đồng. Đó là con số rất ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ sản xuất; khám chữa bệnh; hỗ trợ học sinh đến trường… Cùng với hỗ trợ bằng tiền, ngày công, hiện vật, nhiều nơi có cách làm sáng tạo hỗ trợ hộ nghèo vật tư, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, phân công cán bộ đảng viên, hộ kinh tế khá giúp hộ nghèo.

Ông Trần Công Thắng, Trưởng Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo”, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Giang cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, công tác vận động ủng hộ năm nay cũng có những khó khăn nhất định. Để triển khai hiệu quả chương trình, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc; chủ động phối hợp với MTTQ và tổ chức thành viên huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo cho người nghèo. 

Cùng đó, phối hợp tuyên truyền các điển hình hay, cách làm tốt trong tham gia xây dựng quỹ, chăm lo cho người nghèo; quản lý, sử dụng quỹ bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng; thực hiện có hiệu quả phong trào do Thủ tướng phát động “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Trưởng Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đề nghị, các thành viên Ban vận động, các tổ chức thành viên của Mặt trận đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm để vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; các tổ chức, cá nhân, công đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ vận động được, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” sẽ tổ chức hỗ trợ hiệu quả người nghèo, hộ nghèo, địa phương nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, vì mục tiêu “Bắc Giang chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phí sau”.

Nguyễn Chức, MTTQ tỉnh

 

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,634
Tổng số trong ngày: 201
Tổng số trong tuần: 18,877
Tổng số trong tháng: 68,692
Tổng số trong năm: 489,457
Tổng số truy cập: 1,788,420