Thứ ba, 11 Tháng 06 Năm 2024

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Bắc Giang điện tử về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, là một sự kiện chính trị trọng đại. Nhân dịp này, đồng chí Ngô Sách Thực, ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh, trả lời phỏng vấn Báo Bắc Giang điện tử. Ban Biên tập Website Ủy ban MTTQ tỉnh xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn sáng ngày 02/3/2016, giữa đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ngô Sách Thực và phóng viên Báo Bắc Giang điện tử Nguyễn Thành Nam.

Đ/c Ngô Sách Thực (bên trái) trả lời phỏng vấn Báo Bắc Giang điện tử

     Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm mới về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021?

     Đồng chí Ngô Sách Thực:

     Điểm mới nổi bật trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là:

     Sau Đại hội Đảng bộ các cấp là kiện toàn chính quyền 04 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã trong cùng một thời gian, thực hiện theo Hiến pháp mới năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, gắn liền với việc đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND các cấp, gắn với triển khai các nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2021. Khối lượng công việc chuẩn bị cho bầu cử lớn nhưng việc triển khai, hướng dẫn, tập huấn khá kịp thời. Bắc Giang cũng đã lập Ban Chỉ đạo về công tác bầu cử của Tỉnh ủy, thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh, tổ chức hội nghị triển khai kịp thời các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

     Trong các văn bản Luật về bầu cử lần này có một số điểm mới: Thẩm quyền ấn định ngày bầu cử do Quốc hội quyết định, trước đây do Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ấn định tỷ lệ đại biểu quốc hội là người dân tộc thiểu số ít nhất 18%; tỷ lệ đại biểu nữ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ít nhất 35%; mở rộng người đang bị tạm giam, đang chấp hành biện pháp giáo dục tại cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được quyền bầu cử (đưa vào danh sách cử tri); tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội do Luật Tổ chức Quốc hội qui định, tiêu chuẩn đại biểu HĐND do Luật Tổ chức chính quyền địa phương qui định.

     Phóng viên: Nhân đây, xin ông cho biết những hạn chế, tồn tại cần rút kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử trước để tạo thành công cho lần này?

     Đồng chí Ngô Sách Thực:

     Các kỳ bầu cử trước Bắc Giang tổ chức thực hiện tốt, tỷ lệ cử tri đi bầu cao. Điểm quan trọng là phải lựa chọn được những người ra ứng cử đại biểu bảo đảm tiêu chuẩn, có phẩm chất và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại diện của nhân dân; đồng thời bảo đảm được cơ cấu, thành phần, tính đại diện cho các giới, lĩnh vực. Muốn vậy phải dân chủ hiệp thương, thực hiện đúng quy trình, các quy định của pháp luật về ứng cử, bầu cử. Đồng thời phải chú trọng công tác hướng dẫn, trao đổi, kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Cán bộ làm công tác bầu cử nắm chắc về làm đúng các quy định của pháp luật. Hoàn thành các bước công việc bầu cử theo đúng Kế hoạch, đúng thời gian theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ công dân của mình, tích cực, trực tiếp tham gia bầu cử.

     Phóng viên:  Xin ông cho biết, số lượng, cơ cấu, thành phần tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tỉnh Bắc Giang?

     Đồng chí Ngô Sách Thực:

     Số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu được xác định rõ ở mỗi cấp; kỳ này giảm đại biểu ở các cơ quan nhà nước, tăng đại biểu chuyên trách và đại biểu khối Mặt trận, đoàn thể. Tổng số đại biểu Quốc hội là 500, trong đó Bắc Giang được phân bổ 8 đại biểu, Trung ương giới thiệu về 3 đại biểu; công tác, làm việc tại địa phương 5 đại biểu. Toàn tỉnh được Hội đồng bầu cử quốc gia lập 3 đơn vị bầu cử. HĐND tỉnh Bắc Giang được bầu tối đa 85 đại biểu tại 21 đơn vị bầu cử, như vậy phải hiệp thương để đưa vào danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội ít nhất là 14 người, để bầu đại biểu HĐND tỉnh ít nhất là 144 người, số dư của mỗi đơn vị bầu cử ít nhất phải có 2 người.

     Tiêu chuẩn, hồ sơ, quy trình lựa chọn hiệp thương của đại biểu ứng cử quy định rõ ràng dân chủ và chặt chẽ. Hiệp thương 3 vòng, vòng 1 trước ngày 17/02/2016 để thống nhất số lượng, thành phần, cơ cấu đại biểu được giới thiệu ra ứng cử đại biểu. Vòng 2 xong trước ngày 18/3 để thống nhất danh sách sơ bộ những người ra ứng cử. Danh sách sơ bộ vòng 2 của Đại biểu quốc hội khu vực tỉnh Bắc Giang dự kiến là 19 đại biểu trên các ngành lĩnh vực theo cơ cấu phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; danh sách sơ bộ vòng 2 của đại biểu HĐND tỉnh dư kiến là 175 người. Hiệp thương vòng 3 xong trước ngày 17/4 để thống nhất danh sách bầu cử.

     Phóng viên: Được biết, hiện nay đã xong Hiệp thương lần một. Vậy ông có thể đánh giá bước đầu về những ưu điểm, hạn chế, cần khắc phục trong hoạt động này?

     Đồng chí Ngô Sách Thực:

     Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất cao về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội của tỉnh khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, thống nhất cơ cấu, thành phần và số lượng người được phân bổ giới thiệu ứng cử theo đúng các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh, đồng thời có một số kiến nghị. Sau hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo bổ sung cơ cấu kết hợp là người công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước. Thường trực HĐND tỉnh đã có thông báo điều chỉnh một số cơ cấu, thành phần đã phân bổ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phù hợp. Như vậy, hiệp thương vòng 1 đã được chuẩn bị tích cực, thực hiện đúng quy định và tạo sự đồng thuận cao. Cơ cấu, thành phần, số lượng người  được giới thiệu ứng cử ở vòng 1 của Bắc Giang thực hiện rộng theo đúng hướng dẫn để có thể lựa chọn ở vòng tiếp theo. Đại biểu nữ là 38,2%. Dân tộc 17,6%, tuổi trẻ 17,6%, ngoài đảng 11,8%.

     Tuy nhiên, một số tổ chức, cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong việc tổ chức hội nghị cử tri giới thiệu người ra ứng cử. Phải nắm chắc nguyên tắc và quy trình đảng viên ra ứng cử phải có giới thiệu của tổ chức đảng đang quản lý đảng viên; hội nghị cử tri nơi công tác và làm việc chính thực hiện theo 03 bước. Một số nơi chuẩn bị số dư vòng 1 thấp hẹp, không mở rộng thì ít có sự lựa chọn ở vòng 2 và vòng 3 hiệp thương.

     Phóng viên: Ông có thể cho biết tiêu chuẩn của một đại biểu Quốc hội, HĐND lần này? So với trước đây, có sự khác biệt gì?

     Đồng chí Ngô Sách Thực:

     * Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định rõ tại Điều 22, Chương II, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 như sau:

     Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

     So với trước đây, quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội tại Điều 3, Chương I, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X (năm 2001) và kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII (năm 2010) thì vẫn gồm 05 tiêu chuẩn, có bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn 1,2,3, còn tiêu chuẩn 4 và 5 vẫn giữ nguyên.

     * Về tiêu chuẩn của đại biểu HĐND được quy định rõ tại Điều 7, Chương I, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 như sau:

     Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

     Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây). Như vậy, so với trước đây yêu cầu về năng lực, trình độ đại biểu đòi hỏi cao hơn.

     Phóng viên: Có thế nói những năm gần đây, cử tri rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội và HĐND. Trong đó, có kỳ vọng vào các đại biểu Quốc hội và HĐND. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

     Đồng chí Ngô Sách Thực:

     Hoạt động của Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ qua có nhiều đổi mới, tác dụng thiết thực, nhất là nhiệm vụ xây dựng pháp luật, thực hiện giám sát. Nhân dân tin tưởng, đặt kỳ vọng vào đại biểu Quốc hội và HĐND là niềm vui lớn nhưng cũng đặt ra trách nhiệm của Quốc hội, HĐND khóa mới, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân khóa mới cũng rất lớn. Các hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, lấy tín nhiệm vừa được nhân dân, xã hội rất quan tâm. Có thành viên Chính phủ bị chất vấn nhiều, tín nhiệm thấp nhưng qua chất vấn, lấy tín nhiệm đã biết sửa sai, khắc phục các điểm yếu của ngành, lĩnh vực có kết quả tốt lên được nhân dân thừa nhận, lấy lại được tín nhiệm cao. Như vậy Quốc hội, HĐND khóa mới phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, tiếp tục khắc phục những mặt còn hình thức; đại biểu phải mạnh dạn, tích cực hoạt động, lắng nghe và phản ánh kịp thời ý kiến của nhân dân đến Quốc hội, HĐND.

     Phóng viên: Có ý kiến đề xuất nên đưa nhiều ứng cử viên ngoài Đảng mà tiêu biểu vào danh sách bầu cử, ông nhận thấy đề xuất này có phù hợp?

     Đồng chí Ngô Sách Thực:

     Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đã là đại biểu phải bảo đảm tiêu chuẩn, thực sự tiêu biểu. Vì thế không nên nghĩ phải là đảng viên mới là đại biểu hoặc phải đưa nhiều ứng viên ngoài đảng làm đại biểu. Vấn đề là người đó phải thực sự tiêu biểu, trước hết phải có tín nhiệm ở nơi công tác và nơi cư trú; đảng viên hoặc không phải là đảng viên nếu không có tín nhiệm thì cũng không được giới thiệu. Do vậy, tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc chính và hội nghị cử tri nơi cư trú rất quan trọng để những người được lựa chọn vào danh sách bầu thực sự là những người tiêu biểu, để cử tri lựa chọn những người tiêu biểu nhất trong những người tiêu biểu.

     Phóng viên: Về phía cử tri, ông có những lưu ý gì để chọn ra những đại biểu đủ đức, đủ tài, xứng đáng là đại diện cho nhân dân?

     Đồng chí Ngô Sách Thực:

     Nhân dân, cử tri là người sáng suốt. Tuy nhiên để nhân dân sáng suốt phải có nhiều thông tin đến với người dân. Ứng viên đại biểu phải tích cực tiếp xúc nhân dân, thực hiện các quy định của pháp luật về vận động tranh cử. Ủy ban bầu cử các cấp phải kịp thời thông tin, giải đáp những thắc mắc trong nhân dân về các ứng cử viên. Bầu cử là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân, xây dựng chính quyền vững mạnh là nhiệm vụ của mỗi người dân, lúc này mỗi người thể hiện lòng yêu nước của mình bằng việc làm cụ thể là tích cực, trực tiếp tham gia bầu cử.

     Phóng viên:  Xin trân trọng cám ơn ông!

Ban Biên tập

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 14,057
Tổng số trong ngày: 3,974
Tổng số trong tuần: 16,545
Tổng số trong tháng: 66,360
Tổng số trong năm: 487,125
Tổng số truy cập: 1,786,088