Thứ tư, 12 Tháng 06 Năm 2024

Chương trình hành động của người ứng cử là lời hứa trước cử tri

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.Theo lịch trình bầu cử, hiện nay đang là thời điểm các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện vận động bầu cử trước các cử tri tại địa phương mình ứng cử.

     Trong nhiều nội dung của các cuộc vận động tranh cử, vấn đề được cử tri thực sự rất quan tâm ở mỗi ứng cử viên, đó là chương trình hành động của họ. Mỗi chương trình hành động của ứng cử viên chính là lời hứa, sự cam kết trước cử tri nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Khi nghe những người ứng cử trình bày chương trình hành động, cử tri sẽ xem xét, đánh giá một ứng cử viên có đủ phẩm chất trở thành một đại biểu đại diện cho tiếng nói của mình hay không. Cùng với quá trình nghiên cứu hồ sơ lý lịch, xem xét quá trình công tác, những việc đã làm được của ứng cử viên đó, cử tri sẽ quyết định chọn những người xứng đáng, tiêu biểu đại diện cho mình.

Cử tri huyện Tân Yên đóng góp ý kiến với các ứng cử viên

     Thực tế qua các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trước đây cho thấy, để có những chương trình hành động có thể thuyết phục được cử tri thì mỗi ứng cử viên cần phải xây dựng chương trình hành động làm sao bảo đảm được các yêu cầu: Thứ nhất, theo đúng yêu cầu theo các quy định của pháp luật; Thứ hai, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn mà cử tri nói chung, đặc biệt cử tri nơi người đó ứng cử, mong đợi, nhất là những vấn đề mà dư luận xã hội đang bức xúc, hoặc cử tri ở địa phương đó đang hết sức quan tâm mà cần phải có những tháo gỡ, giải quyết; Thứ ba, khi đã hứa gì với dân thì phải bảo đảm thực hiện được lời hứa đó. Trong điều kiện hiện nay, khi mà dân trí ngày càng cao, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển ngày càng nhanh và mạnh thì quyền giám sát của nhân dân càng được thể hiện rõ nét, chắc chắn cử tri sẽ không chấp nhận một bản chương trình hành động chung chung hay nặng về lý thuyết suông mà thiếu tính thực tiễn. Một chương trình hành động xa vời, không sát với địa phương, không có giải pháp giải quyết thấu đáo những vấn đề nổi cộm ở địa phương nơi ứng cử viên đó ứng cử thì chắc chắn cử tri sẽ không bao giờ chấp nhận. Một chương trình hành động “sao lại”, hoặc “na ná” như nhau sẽ không thuyết phục được và không có chỗ đứng trong lòng cử tri. Cử tri bây giờ am hiểu và tinh tường lắm, nếu chỉ nói và hứa những điều cử tri muốn nghe nhưng là nói cho vui, là hứa suông thì  khó mà “đỗ” trong cuộc bầu cử này!

      Thực tế cũng đã chứng minh, đã có những ứng cử viên đưa ra chương trình hành động rất hay, rất hấp dẫn, tuy nhiên khi trở thành đại biểu thì họ lại chẳng thực hiện được bao nhiêu trong chương trình hành động đó. Cử tri rất cần một đại biểu thực sự cầu thị, nói và làm luôn song hành với nhau. Và cử tri cũng cần luôn dõi theo chương trình hành động của ứng cử viên khi đã trở thành đại biểu để xem họ đã hứa gì khi vận động bầu cử. Có như vậy mới có thể giám sát được quá trình hoạt động của người mà mình đã tín nhiệm và gửi gắm. Cử tri luôn mong đợi ở các ứng cử viên không phải những lời hứa to tát, hùng hồn nhưng trống rỗng, mà là một chương trình hành động thể hiện được khả năng thực tế của ứng cử viên, đáp ứng được mong đợi của cử tri. Những điều đó chỉ có được khi các ứng cử viên hiểu rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; nắm rõ tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu dân cử mà mình được giới thiệu ứng cử để từ đó có được lời hứa trong phạm vi thẩm quyền của mình.

     Trên thực tế, có bao nhiêu vấn đề xã hội đặt ra thì thường có bấy nhiêu cam kết và lời hứa. Để lời hứa thành hiện thực, không phải là “lời nói gió bay”, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan, nhưng trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về người đưa ra lời hứa. Tôn trọng lời hứa của chính mình, thấu hiểu cử tri và thực hiện với cái tâm trong sáng vì dân, vì nước thì mới có được sự tín nhiệm của cử tri.

     Ghi nhận và sau đó là theo dõi, giám sát việc thực hiện lời của đại biểu là quyền và trách nhiệm của cử tri. Mặt trận Tổ quốc các cấp với tư cách là người đại diện cho dân có vai trò rất quan  trọng. Vì vậy, hệ thống Mặt trận từ trung ương đến cơ sở nên có trong tay những bản lưu Chương trình hành động tranh cử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp mình, nhất là những người ứng cử được dân tín nhiệm bầu làm đại biểu. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, là cơ sở để Mặt trận thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc thực hiện nhiệm vụ của từng đại biểu dân cử, đồng thời có thể cung cấp cho người dân khi họ có yêu cầu.

     Để xây dựng Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì việc bầu cử thành công có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bản chất của Nhà nước pháp quyền là thượng tôn pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện đúng công tác bầu cử chính là thượng tôn pháp luật. Trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là một vinh dự rất lớn nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với mỗi ứng cử viên. Họ chính là những đại biểu vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc và là những người nói tiếng nói của người dân.

Hoàng Nguyên

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 15,399
Tổng số trong ngày: 1,411
Tổng số trong tuần: 20,087
Tổng số trong tháng: 69,902
Tổng số trong năm: 490,667
Tổng số truy cập: 1,789,630