Thứ ba, 11 Tháng 06 Năm 2024

Giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam là tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được ghi nhận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và tiếp tục khẳng định tại Đại hội XI của Đảng: "MTTQ và các đoàn thể nhân dân phát huy vai trò nòng cốt tập hợp nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh…"

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217/QĐ-TW, Quyết định 218/QĐ-TW về "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội" và "Quy định về việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền". Đây là bước thể chế quan trọng cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", là sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để mở rộng dân chủ, phát huy trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

Thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ trương hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện có hiệu quả nhiều nội dung tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. MTTQ tỉnh đã lựa chọn chủ đề công tác năm, xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng MTTQ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền giai đoạn 2013 - 2016”, đề ra 8 chỉ tiêu, 2 nhóm giải pháp, 10 nội dung cụ thể, 17 chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, qua đó, giúp cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân nắm vững chủ trương của cấp ủy, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân.

Bằng nhiều hình thức, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh; góp phần làm cho các chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Năm 2015, tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, có 369 ý kiến đóng góp; tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, có 36 ý kiến tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc.

     Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, phản ánh, nắm tình hình nhân dân từ khu dân cư; cùng cấp uỷ, chính quyền quan tâm giải quyết kịp thời các vụ việc nổi cộm, kéo dài, phức tạp (Trực tiếp tham gia vận động các hộ dân khu vực Trường bắn TB1 huyện Lục Ngạn, tuyến đường 293 huyện Lục Nam, thôn Đông Trước, huyện Hiệp Hoà...) tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng quý, tổng hợp tình hình nhân dân và ý kiến, kiến nghị của nhân dân báo cáo cấp ủy Đảng, chính quyền những vấn đề liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời; đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa, giải quyết một số vấn đề xã hội ngoài khu công nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức…

MTTQ và các tổ chức thành viên tích cực tham gia và góp phần vào thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Phối hợp tổ chức 17.935 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 18.602 ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Hiệp thương, giới thiệu người tham gia ứng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, trong 5 năm qua, đã phối hợp bầu 2.091 Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 790 người có chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã, qua đó, phát huy quyền dân chủ đại diện và chức năng giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên ở cơ sở.

Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 và 36 dự thảo Luật. Tham gia tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư của công dân chuyển các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, đồng thời tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu, chấp hành quy định của pháp luật. Phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật cho nhân dân tại cộng đồng dân cư, gắn thực hiện hương ước, quy ước, thực hiện công tác hoà giải cơ sở, phát huy tình làng, nghĩa xóm, góp phần quan trọng giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo. (Hiện toàn tỉnh có 2.520 tổ hoà giải với 15.545 hoà giải viên, tỷ lệ hoà giải thành khoảng 80% các vụ việc). Động viên nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát, góp ý xây dựng tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên; kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục các hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật ở địa phương.

Thực hiện Quyết định 217/QĐ-TW của Bộ Chính trị, hoạt động giám sát đã được MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện khá hiệu quả. Năm 2014, MTTQ tỉnh tổ chức 2 cuộc giám sát (giám sát Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 và giám sát thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang). Năm 2015, tổ chức 2 cuộc giám sát (Giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước về hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới đối với 40 xã giai đoạn 2011-2015 và giám sát thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh). Qua giám sát đã chỉ ra các nội dung còn hạn chế, tồn tại trong việc triển khai thực hiện, phân tích nguyên nhân tồn tại; đồng thời đề xuất Tỉnh uỷ 03 vấn đề và 6 nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới; kiến nghị UBND các cấp, các sở ngành liên quan 22 nhóm giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.

Ngoài ra, MTTQ các cấp thường xuyên phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh giám sát 47 cuộc về việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an tỉnh giám sát, kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù. Phối hợp với Sở tư pháp, Sở văn hóa, thể thao và du lịch kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố…

Tích cực phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát thường xuyên, như giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát nhân dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống biểu hiện tham nhũng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội còn một số hạn chế. Việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Hoạt động giám sát ở cấp huyện và cơ sở còn thụ động. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, động viên nhân dân tham gia xây dựng chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Chưa tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc lãnh đạo giải quyết một số việc phức tạp phát sinh. Chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa chủ động, tích cực ở một số nội dung; trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ còn nhiều mặt bất cập. Mặt khác, đây là nhiệm vụ lớn, lâu dài, nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải được thể chế hóa để MTTQ phát huy tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền.

Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần Kết luận số 62-KL/BCT của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 59-NQ/TU của Tỉnh uỷ,... Chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua, hướng vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.

Hai là, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, MTTQ các cấp bổ sung vào 5 chương trình hành động; hàng năm cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng Đảng vào chương trình phối hợp, thống nhất hành động để có sự phối hợp đồng bộ giữa MTTQ, các tổ chức thành viên. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân theo các chương trình, đề án đã được phê duyệt, ban hành. Hướng hoạt động về cơ sở, khu dân cư, qua đó xây dựng mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức mình; lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện thường xuyên, đột xuất, định kỳ phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ba là, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 1157-QĐ/TU, Quyết định số 1158-QĐ/TU ngày 09/7/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quy định trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Ban hành Quy trình MTTQ lắng nghe ý kiến nhân dân, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để việc góp ý được nề nếp, chất lượng.

Bốn là, hàng năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bám sát nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND làm tốt công tác giám sát. Phát huy các hình thức giám sát nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Động viên nhân dân giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là liên quan đến cơ chế, chính sách, chế độ hỗ trợ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, xây dựng danh hiệu khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, sự tham gia của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo sự đồng bộ nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ.

Năm là, tham mưu với cấp ủy chuẩn hóa cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Hằng năm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, chú trọng nâng cao kỹ năng lắng nghe, tuyên truyền, vận động quần chúng theo phương châm “lắng nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân hiểu, làm cho nhân dân tin”. Phát huy vai trò của các vị ủy viên Ủy ban Mặt trận, thành viên Hội đồng tư vấn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, người ở Bắc Giang ngoài tỉnh, nước ngoài hướng về xây dựng quê hương.

Sáu là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” giai đoạn 2013-2016; Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; các chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được gắn với quyền và trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự phối hợp, tạo điều kiện của HĐND, UBND tỉnh và các tổ chức thành viên, cùng với sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ phát huy vai trò của mình, triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, xây dựng quê hương Bắc Giang giàu mạnh, văn minh.

Thảo Linh

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,241
Tổng số trong ngày: 3,379
Tổng số trong tuần: 15,950
Tổng số trong tháng: 65,765
Tổng số trong năm: 486,530
Tổng số truy cập: 1,785,493