Thứ ba, 11 Tháng 06 Năm 2024

HĐND tỉnh khóa XIX: Các đại biểu tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Chiều ngày 08/12, Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX tiến hành phiên thảo luận tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh thẳng thẳn đưa ra những vấn đề cử tri và dư luận xã hội quan tâm nhằm tìm ra những giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả tại kỳ họp.

 

 
Giám đốc Sở Xây dựng Vương Tuấn Nghĩa trao đổi về chất lượng công tác quy hoạch. Ảnh: BGP/Thu Hằng

Quan tâm công tác quy hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Trao đổi về chất lượng công tác quy hoạch, ông Vương Tuấn Nghĩa - Giám đốc Sở Xây dựng phân tích: Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch bao gồm các quy hoạch tổng thể, vùng, phân khu, chi tiết. Hiện nay, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành chuyên môn, tỷ lệ phủ kín theo quy hoạch chi tiết của tỉnh đã đạt 25%, của TP Bắc Giang đạt 60%.

Tuy nhiên, công tác này đang còn nhiều hạn chế. Các quy hoạch chung, phân khu, nhất là trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập, chủ yếu mới chỉ đáp ứng việc đạt điểm của bộ tiêu chí, kinh phí đầu tư không nhiều, dẫn đến chất lượng chưa tốt. Với quy hoạch chung, phân khu của đô thị thì hầu hết đều được lập vào những năm trước, không còn phù hợp với thực tế và tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh. Điều này dẫn tới hệ quả là nhiều huyện, thành phố đề xuất điều chỉnh, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, việc quy hoạch không hợp lý, nhất là trong xây dựng đô thị sẽ dẫn tới việc bố trí quỹ đất thiếu bền vững, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong các khu dân cư, hạn chế việc phát triển dư địa của các khu vực lân cận.

Theo ông Nghĩa, Luật Quy hoạch quy định rõ, quy hoạch được điều chỉnh theo chu kỳ và trong trường hợp quy hoạch mâu thuẫn với chiến lược phát triển của địa phương. Vì vậy, sau khi quy hoạch tổng thể của tỉnh được Chính phủ phê duyệt, các huyện, thành phố cần quan tâm nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch địa phương cho phù hợp. Để nâng cao chất lượng quy hoạch, ông Nghĩa cho rằng các cấp, ngành, địa phương quan tâm dành nguồn lực, bố trí kinh phí phù hợp, nhất là phân công cán bộ có chuyên môn, trình độ tham mưu, thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời tìm hiểu và lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín hỗ trợ trong khâu lập quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, tính bền vững, tạo động lực cho phát triển KT-XH.

Trao đổi về sản xuất nông nghiệp, ông Dương Thanh Tùng - đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năm nay, sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện, nhất là cây ăn quả, chăn nuôi kiểm soát được dịch. Sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản vượt xa so với kế hoạch. Các sản phẩm nông sản tiêu thụ thuận lợi, giá cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp vượt 8%, do đó tăng trưởng nông nghiệp đạt 4,2%, cao hơn gấp đôi so với kế hoạch đặt ra. Qua đó, người dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Theo ông Dương Thanh Tùng, thời gian tới, sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá phân bón, vật tư đầu vào tăng cao, do đó các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản phát triển nông nghiệp. Trong đó, cần tập trung vào nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi; có cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Quan tâm phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, kênh mương, đường nội đồng, tranh thủ các nguồn vốn để cứng hóa mặt đê, bảo vệ đê điều phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Ngụy Thị Tuyến đề nghị cần đưa ra các giải pháp giảm thời gian học trực tuyến. Ảnh: BGP/ Diệu Hoa

“Nóng” lĩnh vực y tế, giáo dục cần giải quyết

Bà Ngụy Thị Tuyến - đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng nêu: Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2022 khá đầy đủ, tuy nhiên một số giải pháp cần đưa ra cụ thể hơn nữa như tình trạng dạy học thêm. Đại biểu cho biết đồng tình với học trực tuyến buổi sáng (ca chính), còn không đồng tình với học buổi chiều (ca phụ) vì ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ. Vì vậy, đại biểu kiến nghị ngành giáo dục có giải pháp tham mưu chỉ đạo cho phù hợp, giảm thời gian học trực tuyến để đảm bảo sức khỏe con trẻ. Một vấn đề nữa đại biểu nêu, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao. Sở Y tế cần có giải pháp nâng cao tuyên tuyền nhận thức cho người dân; tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp hạn chế tình trạng này.

Ông Bùi Đình Nhiên - đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Nam nhấn mạnh: Trải qua 4 đợt dịch bùng phát và hiện tại đợt dịch thứ 5 vẫn đang diễn biến phức tạp. Để khống chế dịch bệnh, toàn bộ hệ thống chính trị đều phải vào cuộc… trong đó lực lượng cán bộ y tế trong cả nước nói chung là lực lượng xương sống trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, phải nói đến trạm y tế dù lực lượng mỏng nhưng kiêm nhiệm nhiều công việc và trực 24/24h với 100% quân số. Song song với khám, chữa bệnh, y tế xã tăng cường lực lượng cho các khu cách ly, điều trị, tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong các Khu, cụm công nghiệp… Công việc vất vả, chịu nhiều áp lực nên một số đã xin lên tuyến trên. Từ thực tiễn trên, đại biểu đề xuất: Xác định dịch còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp cần tăng biên chế cho trạm y tế; cấp có thẩm quyền quan tâm đề xuất hỗ trợ chế độ phụ cấp cho lực lượng y tế xã, y tế thôn, bản để họ an tâm công tác phòng, chống dịch; điều chỉnh tăng kinh phí chi thường xuyên cho trạm y tế xã và nên chi theo nhân khẩu.

Đồng tình với ý kiến đại biểu Nhiên, bà Phạm Thị Nhung - đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng cho rằng, tỉnh cần có giải pháp đầu tư hơn cho y tế tuyến cơ sở từ con người, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất. Về vấn đề việc làm cho công nhân, tỉnh cần có giải pháp phối hợp để công nhân vẫn đi làm được mà an toàn cho bản thân. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến về vấn đề tuyên truyền pháp luật; đại biểu đề xuất ngành Công an và chính quyền các địa phương xây dựng quy chế phối hợp giữa công an với các nhà trường các nội dung: An toàn giao thông, Bạo lực gia đình, học đường… để tuyên truyền hiệu quả hơn đến học sinh.

Đại biểu Đặng Hồng Chiến đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng xử lý, giải quyết đơn KNTC. Ảnh:BGP/Nguyễn Miền

Nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo, quan tâm giám sát những người đang thi hành án

Ông Đặng Hồng Chiến - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa cho biết, trong năm 2021 công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC)  đã được UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh, thường xuyên tổ chức giao ban với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; chỉ đạo lấy ngày 15 hằng tháng là ngày tiếp công dân toàn tỉnh. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tiếp công dân cùng Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, tập trung vào các địa phương có vụ việc phức tạp, bức xúc để nắm chắc tình hình và kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc.

Nhờ đó, năm 2021 kết quả  tiếp công dân giải quyết KNTC đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ việc giải quyết khiếu nại phản ánh của tỉnh và các Sở, ngành, địa phương đều giảm so với năm 2020; những vụ việc mới phát sinh được xem xét, xử lý, giải quyết cơ bản kịp thời; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được chỉ đạo rà soát và giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hồng Chiến, hiện nay tình hình khiếu kiện trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp; vẫn còn tình trạng công dân tụ tập đông người lên tỉnh và ra Trung ương khiếu kiện. Thủ trưởng một số sở, ngành và Chủ tịch UBND một số huyện, thành phố chưa thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân. Tình trạng tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn KNTC thiếu chính xác, vi phạm trình tự thủ tục, thời hạn giải quyết... ở một số địa phương chậm được khắc phục.

Do đó, đại biểu đề nghị trong thời gian tới các địa phương cần phải tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đảm bảo khách quan, trung thực. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp tiếp dân theo định kỳ để giải quyết các kiến nghị của công dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng phân loại, xử lý, giải quyết đơn KNTC và đơn kiến nghị, phản ánh, hạn chế thấp nhất tình trạng phân loại, xử lý lý đơn thư.

Đại biểu Phạm Thu Hà đề nghị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, giám sát của HĐND đối với công tác quản lý,
giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ. Ảnh: BGP/Dương Thủy

Về vấn đề giám sát, giáo dục các đối tượng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, bà Phạm Thu Hà - Đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Việt Yên cho biết: Thời gian qua, UBND cấp xã chưa thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ trong việc tổ chức giám sát, giáo dục người chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Công tác phối hợp giữa UBND cấp xã với gia đình người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ trong việc giám sát, giáo dục chưa thường xuyên nên trong thời gian chấp hành án, vẫn còn trường hợp bị án đã phạm tội mới.

Đại biểu cho biết thêm, do cán bộ được giao công tác này còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác; các cán bộ công an cấp xã làm công tác Thi hành án hình sự chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, chưa được tập huấn nghiệp vụ thi hành án. Công tác kiểm tra, chỉ đạo của lãnh đạo UBND xã và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Thi hành án hình sự cấp trên chưa được thường xuyên, kịp thời. Trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân còn thấp... Chế độ cho những người được phân công theo dõi, giám sát, giáo dục không có nên việc tiếp cận, giáo dục chưa thực sự có hiệu quả cao; cán bộ không nhiệt tình để đối tượng tái phạm thì cũng chưa có chế tài xử lý.

Đại biểu kiến nghị, cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với những người được phân công quản lý, giám sát, giáo dục các đối tượng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Vì hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về việc hỗ trợ kinh phí, chế độ cho cán bộ được phân công quản lý, giám sát, giáo dục những đối tượng này. Đồng thời, cần xác định mục đích của việc giám sát, theo dõi, giáo dục là để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thái độ chấp hành án của người chấp hành án, từ đó có biện pháp động viên, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, giám sát của HĐND đối với công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ… của UBND cấp xã.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hình sự cần nghiên cứu, hướng dẫn, tăng cường tập huấn và kiểm tra đối với lãnh đạo UBND cấp xã và những người được giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát, giáo dục người phải thi hành án. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, Tòa án nhân dân huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện với UBND cấp xã...

Đại biểu Diêm Hồng Linh phản ánh sau sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp xã nhiều cán bộ dôi dư chưa được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp. Ảnh:BGP/Dương Thủy

Nhiều vấn đề xã hội được đặt ra

Bà Diêm Hồng Linh - Đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Việt Yên cho biết, thời gian qua, có thời điểm tỉnh Bắc Giang là tâm dịch của cả nước nhưng trong khó khăn đã thấy được tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện mục tiêu kép. Qua đó, thấy được khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới… tại địa phương, cơ sở cần sự đồng thuận của người dân. Để tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân ngay từ khi triển khai các dự án, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cần được cung cấp kịp thời các thông tin liên quan để có đầy đủ thông tin tuyên truyền.

Đại biểu Diêm Hồng Linh phản ánh thêm về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã đạt kết quả tích cực, giảm 21 đơn vị hành chính cấp xã, 362 thôn, tổ dân phố… Qua việc sắp xếp cho thấy nhiều tác động tích cực như: Mở rộng không gian, tạo nguồn lực về đất đai, dân số, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… Tuy nhiên, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng theo đặc thù đơn vị hành chính cấp xã từ trước nay không phù hợp với quy mô đơn vị hành chính mới, không được sử dụng hiệu quả dẫn đến lãng phí. Điển hình như việc thừa nhà văn hóa nhưng thiếu chỗ ngồi hay nhiều trụ sở UBND xã không được sử dụng… Do đó, cần có phương án cụ thể về quản lý và sử dụng các công trình hiện không còn phù hợp với mục đích xây dựng ở một số địa phương đã sáp nhập. Cùng đó, sau sáp nhập nhiều cán bộ dôi dư chưa được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp.

Vì vậy, cần nghiên cứu có cơ chế đặc thù, nhất là ở 2 địa phương sáp nhập nhiều đơn vị như huyện Sơn Động và Yên Dũng để sắp xếp cán bộ dôi dư. Ngoài cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 46 của HĐND tỉnh cần có cơ chế cụ thể đối với đối tượng cụ thể, khuyến khích cán bộ, công chức thuộc đối tượng phải sắp xếp, chuyển đổi công việc sang các lĩnh vực hoạt động khác hoặc luân chuyển sang các huyện, xã khác.

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh - Đại biểu HĐND khu vực huyện Hiệp Hòa phản ánh, văn hóa giao thông, ý thức người tham gia giao thông của người dân còn nhiều điều phải bàn; tình trạng lấn chiếm vỉa hè lề đường để buôn bán, trông giữ xe trên vỉa hè vẫn tồn tại ở nhiều khu phố, tuyến phố; hàng năm tỷ lệ người chết do tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn còn lớn, gây nhiều hệ lụy cho xã hội…. Do đó, đại biểu đề nghị các ngành chức năng tỉnh cần tiếp tục có giải pháp triệt để, mạnh mẽ hơn để xây dựng văn hóa giao thông theo hướng an toàn, văn minh, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành phố, ngành Giao thông vận tải tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu xem xét cho phép hoạt động một số tuyến xe khách liên tỉnh trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cuối năm.

Đại biểu Trần Thị Vượng đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm đầu tư thực hiện dự án xây dựng công trình
Trạm Y tế xã Đồng Lạc (huyện Yên Thế) . Ảnh: BGP/Thu Hằng

Bà Trần Thị Vượng - Đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Thế đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm đầu tư thực hiện dự án xây dựng công trình Trạm Y tế xã Đồng Lạc (huyện Yên Thế) vào năm 2022 nhằm đảm bảo điều kiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân trong xã, đặc biệt công tác phòng, chống dịch Covid-19 của UBND xã trong tình hình hiện nay.

Đại biểu Trần Thị Vượng cho biết, dự án này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang  phê duyệt theo Quyết định số 2564/QĐ-UBND ngày 25/12/2020 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trạm Y tế xã Đồng Lạc theo Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025 và được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được khởi công, Trạm y tế xã đang phải làm việc nhờ dãy nhà, chung khuôn viên nhỏ của UBND xã Đồng Lạc.

Ông Vũ Tấn Cường - Đại biểu HĐND khu vực huyện Hiệp Hòa cũng đề nghị UBND tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt quản lý chặt chẽ tình hình bất động sản để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo giúp người dân thực sự có nhu cầu được mua đất ở với giá thành hợp lý.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục xem xét đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực cho công tác thu gom xử lý rác thải tại các địa bàn dân cư, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn - đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn phát biểu làm rõ thêm
các ý kiến của các đại biểu. Ảnh: BGP/Thu Hằng

Phát biểu làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn - đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn đề nghị các đại biểu quan tâm nắm bắt ý kiến kiến nghị của cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri ở cơ sở để trao đổi, giải đáp kịp thời không để kiến nghị kéo dài.

Về vấn đề dạy học trực tuyến, theo đồng chí hiện nay thực hiện đồng loạt là rất khó vì thiết bị máy móc không đủ, đường truyền chưa đáp ứng yêu cầu… tuy nhiên chúng ta cần nghiên cứu đến nhiều yếu tố, phải đổi mới để thích ứng, trước hết là tập huấn cho giáo viên để phục vụ việc dạy học.

Về phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần chủ động các biện pháp để ứng phó với các tình huống dịch có thể xảy ra. Chuẩn bị các thiết bị, con người, thuốc men đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch./.

Bảo Trung (theo Cổng TTĐT tỉnh)

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 13,697
Tổng số trong ngày: 2,057
Tổng số trong tuần: 14,628
Tổng số trong tháng: 64,443
Tổng số trong năm: 485,208
Tổng số truy cập: 1,784,171