Thứ tư, 12 Tháng 06 Năm 2024

Một số giải pháp trong thực hiện công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn hiện nay

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Qua 08 năm triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn khu dân cư.

Thông qua CVĐ, từ năm 2016 đến nay, các cấp Mặt trận đã vận động xây dựng Quỹ "Vì người nghèo" và chương trình an sinh xã hội được trên 640 tỷ đồng. Qua nguồn quỹ đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 5.600 nhà "Đại đoàn kết" tặng hộ nghèo trị giá gần 230 tỷ đồng; tổ chức thăm và tặng trên 320.000 suất quà Tết, trị giá trên 160 tỷ đồng,… MTTQ tỉnh tổ chức tọa đàm “Thắp sáng ngọn lửa khát vọng thoát nghèo”, gặp mặt biểu dương những gương sáng thoát nghèo; vận động 757 hộ đăng ký thoát nghèo; đề xuất nhiều giải pháp vận động, hỗ trợ về giống, vốn, cây, con, tạo sinh kế phát triển sản xuất, khuyến khích làm giàu từ đồng đất quê hương,... Các nội dung của CVĐ được lông ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” qua đó đã được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân. Các danh hiệu văn hóa được được nâng lên; năm 2016 tỷ lệ khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa toàn tỉnh đạt 69,7%, hộ gia đình văn hóa đạt 87,1%; thì năm 2022, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 91,9%; khu dân cư được công nhận văn hóa đạt 86,5%; 145/182 xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 25/27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.v.v…

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Việt Yên trao tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai CVĐ trên địa bàn huyện

Triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2023 các cấp Mặt trận đã vận động người dân và cộng đồng được trên 39 tỷ đồng, gần 36,4 ha đất các loại và trên 35 nghìn ngày công lao động để thực hiện các công trình công cộng. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, đặc biệt là các xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo 73 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 giảm bình quân 2,35% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1%. Chương trình giảm nghèo bền vững có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo từ 11,93% năm 2016 xuống còn 3,81% năm 2022; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48,9 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, việc triển khai CVĐ còn một số hạn chế như: Việc phối hợp tổ chức thực hiện các CVĐ, các phong trào thi đua giữa Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở các cấp chưa cụ thể, thường xuyên; chưa đánh giá rõ được đóng góp của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác thi đua khen thưởng chưa được quan tâm đúng mức; việc bình bầu các danh hiệu thi đua ở cơ sở và khu dân cư nhiều nơi còn hình thức, chưa chú trọng nâng cao chất lượng “Gia đình văn hóa”, khu dân cư văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Việc tuyên truyền, vận động Quỹ “Vì người nghèo” tuy đã có những kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn nhiều khó khăn; vận động ủng hộ Quỹ ở những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có ít doanh nghiệp nên nguồn lực chăm lo giúp đỡ người nghèo còn hạn chế. Hỗ trợ của Quỹ chưa tạo động lực, điều kiện để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.vv...

 

Hình ảnh nông thôn mới thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang

Trong giai đoạn hiện nay, nội dung và phương thức tổ chức triển khai CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”  của  MTTQ phải bảo đảm thiết thực, sát với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương, sức mạnh tổng hợp của nhân dân. Để đạt các mục tiêu đó, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện CVĐ trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào các vấn đề sau:

Một là, Phải phân loại nội dung, công việc, đối tượng tuyên truyền, vận động một cách chi tiết, cụ thể. Trong các tầng lớp nhân dân sẽ có những người là cán bộ, công chức làm trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ làm công tác đoàn thể, người có uy tín, đảng viên, nông dân, đối tượng cá biệt… nên mặt bằng về nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật cũng không đồng đều. Vì vậy, cần phân loại rõ đối tượng để lên kế hoạch, phương pháp tuyên truyền, vận động sao cho hiệu quả nhất, thuyết phục được người nghe nhất.

Hai là, Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác vận động, tuyên truyền giữa các chủ thể khi tiến hành (Cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền, người uy tín, Trưởng các dòng tộc...) nhằm đảm bảo sự thống nhất về mặt nội dung. Để làm được điều này, biện pháp cần thiết là phải tổ chức lớp tập huấn riêng với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó thống nhất nội dung như: Mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết công ăn việc làm; xử lý môi trường… Có nắm vững và thống nhất những nội dung như vậy thì công tác vận động, tuyên truyền mới đảm bảo hiệu quả và sức thuyết phục đối với người dân.

Ba là, Nội dung tuyên truyền, vận động cần tập trung các vấn đề nhân dân quan tâm như: Quyền và nghĩa vụ xã hội của người dân; ý nghĩa và lợi ích của các dự án đem lại, nhất là việc đem lại lợi ích chung cho địa phương, cho người dân; những biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường được áp dụng… Những nội dung tuyên truyền này phải được chuẩn hoá, đảm bảo sự thống nhất trong quá trình truyền tải đến người dân. Việc lựa chọn nội dung tuyên truyền, vận động phải phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Trước khi tiến hành vận động phải phân loại được đối tượng để từ đó tìm ra nội dung tuyên truyền phù hợp nhất.

Bốn là, Về hình thức tuyên truyền cần áp dụng đa dạng nhiều hình thức như: Tổ chức triển lãm giới thiệu; đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức họp thôn, tổ dân phố...; niêm yết công khai tại trụ sở thôn, UBND xã, phường, thị trấn; có nội dung, công việc phải thông báo bằng văn bản đến từng hộ dân; tổ chức đối thoại với những trường hợp cá biệt...; giải đáp bằng văn bản các kiến nghị, thắc mắc của những sự việc cụ thể; phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các ngành, các cơ quan thông tin, báo chí…

Năm là, Thực hiện phương châm của công tác tuyên truyền, vận động là phải đi sâu, đi sát, nắm bắt rõ địa bàn. Thực hiện “Dân vận khéo”, làm sớm, làm sâu, làm chắc đến từng đối tượng cụ thể, tránh để xẩy ra “điểm nóng” mới huy động lực lượng tập trung giải quyết.

Sáu là, Lựa chọn cán bộ tuyên truyền, vận động là khâu hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành bại của công tác vận động, tuyên truyền; nếu đội ngũ cán bộ tốt, đủ trình độ, năng lực thì việc triển khai diễn ra đẩm bảo được yêu cầu, kế hoạch. Người cán bộ Mặt trận cần phải: Nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, vận động trong nhân dân; lắng nghe ý kiến của nhân dân và nguyện vọng tâm tư của họ để phản ánh với cấp ủy đảng, chính quyền; đôn đốc người có trách nhiệm giải đáp và giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo, đề xuất của người dân.

                                                                                     Nguyễn Chức, MTTQ tỉnh

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 13,084
Tổng số trong ngày: 491
Tổng số trong tuần: 19,167
Tổng số trong tháng: 68,982
Tổng số trong năm: 489,747
Tổng số truy cập: 1,788,710