Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Một số ý kiến tham gia vào dự thảo luật quản lý, sử dụng tài sản công

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Dự thảo luật quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ Ba ( thàng 5/2017). Dưới đây là một số ý kiến đóng góp vào Dự thảo luật.

     Về sự cần thiết sửa đổi và ban hành Luật. Sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành và đổi tên thành Luật quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật trong thời gian vừa qua. Đồng thời, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về tài sản công (Điều 53), tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

     Cần bảo đảm tính thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Luật quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng liên quan đến quản lý tài sản nhà nước. Phạm vi điều chỉnh của luật như dự thảo là khá rộng và liên quan đến nhiều luật khác như Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật khoáng sản, Luật biển, Luật đường sắt, Luật đấu giá, Luật tổ chức chính quyền địa phương... Do vậy, các điều khoản của Luật phải phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, đồng thời cần phải được đảm bảo thống nhất với các luật liên quan. Đề nghị cần rà soát nội dung Dự thảo luật này với các luật hiện hành và các luật Quốc hội đang cho ý kiến hoặc chuẩn bị được thông qua.

     Về một số nội dung cụ thể trong Dự thảo.

     Về giải thích từ ngữ. Khoản 1 điều 3 nêu khái niệm tài sản công với cách diễn đạt quá dài. Cả đoạn 1 gồm 6 dòng chỉ có 1 câu. Như vậy làm cho khái niệm trở nên rườm rà, phức tạp, không đúng như quy định của Hiến pháp. Đề nghị sửa lại theo đúng tinh thần của nội dung điều 53 Hiến pháp 2013. Cụ thể như sau: “Tài sản công là tài sản thuốc sở hữu toàn dân do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

     Tài sản công bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý.”

     Về phân loại tài sản công.  Khoản 5 điều 4 đề nghị bổ sung “kho số biển đăng ký cho các loại xe cơ giới” vào sau cụm từ “kho số viễn thông”. Đây là nguồn thu đáng kể vào ngân sách nhà nước khi cấp biển số, đặc biệt là những biển số “đẹp”, nếu đưa ra đấu giá thì sẽ thu về cho NSNN khoản thu lớn. Thực tế hiện nay, khi muốn có biển số “đẹp”, chủ xe vẫn phải chi một khoản tiền nhưng nguồn này không vào NSNN.

    Về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Quản lý và sử dụng là 2 công việc khác nhau cho nên có những nguyên tắc khác nhau cho người quản lý, người sử dụng. Để bảo đảm tính hợp lý, nên thiết kế lại điều 6 Dự thảo theo hướng, quy định tách bạch những nguyên tắc cho quản lý, cho sử dụng và nguyên tắc cho cả quản lý và sử dụng, cách diễn đạt nên ngắn gọn, hàm súc hơn. Ví dụ: Tài sản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước phải sử dụng, khai thác đúng mục đích, tiêu chuẩn và tiết kiệm; Tài sản cung cấp dịch vụ công thực hiện nguyên tắc của pháp luật về phí và lệ phí; Tài sản để kinh doanh phải thực hiện theo cơ chế thị trường, bù đắp được chi phí và đảm bảo được lợi ích của Nhà nước...

     Về công khai tài sản công.  Nội dung điều 8 Dự thảo nên chỉnh lý lại để thể hiện rõ tính công khai, minh bạch. Cụ thể là: điểm a khoản 2 tách thành 2 điểm, trong đó điểm a là văn bản QPPL, thủ tục hành chính về tài sản công; điểm b quy định riêng về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công cho một số chức danh. Quy định này nếu được cụ thể trong luật là tốt nhất. Điểm a khoản 3 cần bổ sung các trang web khác như website của QH, website của MTTQ, các tổ chức khác mà ở đó có các chức danh được hưởng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Khoản 5 chỉ giao Chính phủ hướng dẫn những nội dung cụ thể của điều này, vì có những nội dung không thuộc thẩm quyền của CP như công khai tại các kỳ họp của QH…

     Về vai trò của MTTQ trong việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công. Quy định nội dung này trong luật là cần thiết, vì tài sản công là loại tài sản được mua sắm bằng tiền thuế của người dân. Tuy nhiên quy định như điều 9 dự thảo có nhiều nội dung trùng lắp với quy định tại điều 6 về nguyên tắc, chưa làm nổi bật vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc giám sát cộng đồng này; lại có những quy định quá chi tiết nhưng không thật sự cần thiết như khoản 3 quy định về nội dung giám sát, khoản 4 quy định về hình thức giám sát. một số cụm từ sử dụng trong điều luật chưa thật chính xác như “giám sát tài sản công” (đúng ra là phải giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công). Theo tinh thần của điều 9 Dự thảo, đầu mối tổ chức giám sát cộng đồng là MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Vì vậy, đề nghị thiết kế lại điều này như sau: bỏ khoản 3 và 4 vì đã có quy định trong các văn bản về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ; đổi tên điều là Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đồng thời chỉnh sửa lại cho rõ nghĩa, cụ thể hơn. Như vậy vừa làm rõ vai trò, vừa đề cao trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc giám sát cộng đồng đối với quản lý, sử dụng tài sản công.

     Về trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Tôi cho rằng, việc ban hành tiêu chuẩn, định mức cụ thể, phù hợp cho mỗi đối tượng là quan trọng, nhưng việc thực hiện nghiêm quy định đó còn quan trọng hơn nhiều, nhất là trong việc đề cao và ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu, vì nhiều tiêu chuẩn, định mức là dành cho họ. Nếu điều 27 dự thảo chỉ quy định trách nhiệm kiểm tra là chưa thỏa đáng, cần quy định rõ trách nhiệm tuân thủ của những người được hưởng các định mức, tiêu chuần này, nhất là người đứng đầu. Bản thân họ phải là người tự giác và gương mẫu chấp hành, không sử dụng quá định mức, tiêu chuẩn quy định cho mình, cho đơn vị mình, sau đó mới đến việc kiểm tra. Cũng nên quy định rõ chế tài đối với những người không chấp hành, chấp hành không nghiêm quy định về sử dụng tiêu chuẩn, định mức. Đề nghị sửa lại điều 27 thao hướng đổi tên điều này thành Trách nhiệm tuân thủ thay cho Trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ; trong đó trước tiên là quy định về trách nhiệm tuân thủ của người có tiêu chuẩn, định mức sau đó mới đến các quy định về kiểm tra việc tuân thủ như dự thảo.

     Việc bán và thanh lý tài sản công. Điểm c khoản 3 điều 43 quy định rất chung chung về tài sản có giá trị nhỏ, nặng về định tính, dễ tạo khe hở để trục lợi. Đề nghị bỏ có quy định này. Đề nghị bổ sung vào điều 43 quy định vê xác định giá khởi điểm của tài sản bán theo giá thị trường để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định. Đề nghị bổ sung vào điều 44 dự thảo quy định đối với tài sản công thanh lý bằng hình thức bán thì phải xác định giá khởi điểm của tài sản đó theo giá thị trường. Như vậy vừa bảo đảm chặt chẽ, vừa tránh được lãng phí, thất thoát khi bán.

     Đối với quy định về việc khai thác, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.  Nội dung khoản 2 điều 53 quy định về các điều kiện còn chung chung, chưa rõ ràng cụ thể, dễ làm phát sinh tiêu cực như lợi dụng kẽ hở để trục lợi từ việc dùng tài sản công vào mục đích kinh doanh. Toàn bộ nội dung các điểm từ điểm b đến điểm h khoản 2 đều nặng về định tính. Vì vậy, đề nghị nên sửa lại quy định theo hướng thật cụ thể để có thể thực hiện được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn. Ví dụ tại điểm “e” cần quy định cụ thể những nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; tại điểm “g” cần quy định cụ thể việc sử dụng nguồn vốn thu được từ kinh doanh để bảo dưỡng, sửa chữa theo tỉ lệ nào, chế độ báo cáo thực hiện ra sao, có cần xin phép trước khi sửa chữa hay không…Chỉ có như vậy mới góp phần vào việc quản lý tốt tài sản công, làm cho việc sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tránh tình trạng sử dụng lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước như hiện nay.

     Việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê nên được quy định cụ thể hơn. Khoản 3 điều 55 quy định về thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, điểm a khoản 3 quy định thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản tại các đơn vị sự nghiệp công lập cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đề án có giá trị còn lại lớn hơn 10% tổng giá trị còn lại. Quy định tỉ lệ % trong trường hợp này là không phù hợp vì nếu giá trị tuyệt đối của tài sản nhỏ tỉ lệ cũng sẽ rất nhỏ. Vì vậy đề nghị cân nhắc quy định này cho phù hợp hơn. Mặt khác, nếu chỉ quy định thẩm quyền cho cấp tỉnh sẽ tạo gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh và kém linh hoạt trong thực tiễn, ở cấp huyện cũng có không ít các đơn vị sự nghiệp  công lập do cấp mình quản lý. Vì vậy, dự thảo cần quy định thẩm quyền cho cấp huyện quyết định phương án cho thuê tài sản đối với những đơn vị do huyện quản lý trên cơ sở tuân thủ đúng nguyên tắc được quy định trong Luật này; các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cho thuê của các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện. Như vậy sẽ phù hợp và khả thi hơn.

     Trong thời gian lấy ý kiến vào dự thảo Luật này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31 ngày 2/11/2016 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Chỉ thị có nhiều nội dung mới quan trọng, nhất là 10 giải pháp, trong đó có những giải pháp đang chú ý như: hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị: quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập: tăng cường quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; quản lý mua sắm, sử dụng xe ô tô công; mua sắm tập trung tài sản công; khai thác nguồn lực từ tài sản công; Về giao đất, cho thuê đất và quản lý khai thác tài nguyên; Về hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công... Đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp vơi cơ quan thẩm tra nghiên cứu, bổ sung kịp thời những quy định nêu trong Chỉ thị 31 có thể luật hóa thành những quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Hoàng Lợi, HĐTV DC-PL

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 21,662
Tổng số trong ngày: 143
Tổng số trong tuần: 2,004
Tổng số trong tháng: 64,497
Tổng số trong năm: 383,704
Tổng số truy cập: 1,682,667