Thứ ba, 11 Tháng 06 Năm 2024

Nhìn lại 2 năm thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
   Sau hai năm MTTQ các cấp tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW Quy định về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (sau đây gọi tắt là Quy chế, Quy định) của Bộ Chính trị, đã đạt kết quả, thể hiện vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

     Sau hai năm MTTQ các cấp tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW Quy định về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (sau đây gọi tắt là Quy chế, Quy định) của Bộ Chính trị, đã đạt kết quả, thể hiện vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

     Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy chế, Quy định, căn cứ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai thực hiện Quy chế, Quy định tới hơn 500 cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở; hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, triển khai nội dung Quy chế, Quy định và các văn bản hướng dẫn thực hiện  của Trung ương, của tỉnh đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. MTTQ các cấp phối hợp với Ban Tuyên giáo, các đoàn thể và các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân biết và thực hiện.

Quang cảnh hội nghị

     Xác định thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh hướng dẫn MTTQ các cấp chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm, trong đó lựa chọn những nội dung giám sát theo các lĩnh vực mà nhân dân và xã hội đang quan tâm, phù hợp với thực tiễn của địa phương; bên cạnh đó tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động giám sát đang được thực hiện thường xuyên, như giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, giám sát thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư của cộng đồng... Đồng thời gửi văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức thông báo các văn bản cần phản biện, góp ý của năm sau để xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

     Trong 2 năm, MTTQ tỉnh tổ chức trực tiếp giám sát 4 nội dung, đó là giám sát Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; giám sát thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông cấp xã; giám sát thực hiện các quy định về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và giám sát thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011-2015. MTTQ đã đề nghị, kiến nghị cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều nội dung thiết thực.

     Hoạt động giám sát về Tổng rà soát chính sách đối với người có công của MTTQ các cấp góp phần đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội. Sau giám sát, MTTQ các cấp đã đề xuất 3 vấn đề, 6 nội dung cần quan tâm với các cấp, các ngành liên quan, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, triển khai thực hiện những biện pháp  khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có công trong thời gian tới. Qua giám sát thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cấp xã, đã kiến nghị 14 nhóm giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng mức độ hài lòng của người dân. Từ giám sát xây dựng nông thôn mới, Mặt trận đã kiến nghị 08 nhóm giải pháp, cách làm về công khai dân chủ, phát huy giám sát đầu tư của cộng đồng, các hình thức tự quản, mở rộng thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng các công trình trên địa bàn dân cư; chỉ ra 04 nội dung đối với các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. MTTQ các cấp cũng đã kiến nghị 12 nhóm vấn đề với Trung ương, với tỉnh, huyện để thực hiện tốt hơn chính sách giảm nghèo, giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.

     Ngoài ra, MTTQ các cấp tỉnh luôn chủ động thực hiện vai trò giám sát thông qua việc tham gia với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; động viên nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; tổng hợp kiến nghị của nhân dân để phản ánh các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý… Qua đó, đã góp ý, kiến nghị cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục các hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật ở địa phương.

     Hoạt động phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ tỉnh Bắc Giang đã từng bước được triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. MTTQ các cấp đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện, nghị quyết của Đảng, Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh làm cơ sở phát triển kinh tế xã hội địa phương. Khẳng định vai trò của MTTQ trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các cấp uỷ Đảng đều giao cho Ủy ban MTTQ  phản biện dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Việc tổ chức phản biện được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức hội nghị, mở chuyên mục phản biện trên trang thông tin điện tử, tiếp nhận ý kiến trực tiếp của các vị ủy viên Ủy ban, các trí thức, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực, thành viên Hội đồng tư vấn, các chức sắc tôn giáo và nhân dân... MTTQ các cấp đã tổ chức 29 hội nghị phản biện, có 1.315 người dự với 369 ý kiến tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp, cùng với việc tham gia giới thiệu nhân sự cấp uỷ khoá mới theo quy trình, MTTQ các cấp đã có những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn về việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp uỷ khoá mới của các tổ chức đảng.

     Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, nhất là tham gia tích cực vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đã góp ý sửa đổi 36 dự thảo Luật; tham gia các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Tỉnh uỷ như: Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chỉ thị về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và tăng cường trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… Tham gia phản biện đối với các chính sách, chương trình, dự án của Ủy ban nhân dân tỉnh, như: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng đến 2030; Quy hoạch hệ thống đê điều, quy hoạch thuỷ lợi, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động; điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;    Kế hoạch cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015… Các ý kiến phản biện, góp ý của MTTQ được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh, làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

     Để thực hiện tốt công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ tỉnh phối hợp Ban Dân vận Tỉnh uỷ tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy sớm ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với nhân dân; Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh ban hành Quy trình MTTQ lắng nghe ý kiến nhân dân, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền triển khai trong hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên; tổ chức Hội thảo "Nâng cao kỹ năng lắng nghe, phản ánh tình hình nhân dân". Thông  qua Hội nghị tiếp xúc cử tri và nắm tình hình nhân dân; qua tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư của công dân; phân công nhiệm vụ cán bộ Mặt trận theo dõi khu dân cư; phát huy vai trò của từng Uỷ viên Uỷ ban,… để tập hợp; thực hiện thường xuyên, đột xuất, định kỳ hàng quý có báo cáo tình hình nhân dân, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với cấp uỷ, chính quyền các cấp.

     Cùng với các hoạt động trên của MTTQ và các đoàn thể, cấp uỷ, chính quyền các cấp cũng dành thời gian tổ chức đối thoại với các đoàn thể chính trị - xã hội, đối thoại với nhân dân, trực tiếp nghe ý kiến, kiến nghị, đề xuất của nhân dân, kịp thời giải đáp và giải quyết những vấn đề bức xúc mà nhân dân đặt ra. Thông qua đó, cấp ủy, chính quyền, mặt trận có những chủ trương, cơ chế, kế hoạch, phương án và giải pháp sát thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng và mong muốn chính đáng của nhân dânđồng thời thông qua đó, các cấp, các ngành đã thấy rõ hơn các nội dung cần điều chỉnh, các nhiệm vụ phải làm trong thời gian tới.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quy chế, Quy định còn một số hạn chế như: Việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Thực hiện nhiệm vụ giám sát của MTTQ cấp cơ sở còn chưa chủ động, mang tính hình thức. Công tác phản biện chưa thực hiện rõ nét, chủ yếu thực hiện ở việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản của Trung ương, của tỉnh. Việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền. Chưa phát huy vai trò của các chuyên gia, các Hội đồng tư vấn. Việc mở rộng các hình thức tập hợp ý kiến nhân dân trong góp ý xây dựng chính sách, pháp luật còn hạn chế… Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền và cơ quan nhà nước các cấp về vai trò, tác dụng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chưa đầy đủ. Đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể còn thiếu; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Điều kiện và kinh phí hoạt động của MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi, ngân sách xã không cân đối được kinh phí chi cho hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của pháp luật nên hiệu quả hoạt động của các tổ chức này còn chưa cao…

     Qua 2 năm thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu, đó là: MTTQ các cấp cần tích cực tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, đồng thời chủ trì phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp phải tự nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên lắng nghe, tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân. Trong xây dựng kế hoạch hàng năm, cần lựa chọn những nội dung giám sát theo các lĩnh vực mà nhân dân và xã hội đang quan tâm, phù hợp với thực tiễn của địa phương; phản biện tập trung vào những chủ trương, chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tổ chức bộ máy và cán bộ chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị; tham gia góp ý những chính sách cụ thể liên quan trực tiếp đến các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo… Việc giám sát và phản biện cần được tiến hành công khai, tổ chức chu đáo với ý thức trách nhiệm đầy đủ của những tổ chức được giám sát và phản biện. MTTQ các cấp cần tập hợp lực lượng từ các tổ chức, cơ quan hữu quan, các thành viên Hội đồng tư vấn, chuyên gia có kinh nghiệm trên các lĩnh và tập hợp dư luận qua các kênh thông tin đại chúng, dư luận xã hội… một cách rộng rãi nhưng có chọn lọc để nội dung giám sát và phản biện có chất lượng và mang tính xây dựng. Quá trình tổ chức giám sát và phản biện xã hội phải làm đúng quy trình phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Mặt trận, đảm bảo tính đúng, tính nhân dân, tính trung thực, tính khách quan và khoa học.

     Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

     Một là: Tổ chức quán triệt, triển khai và thực hiện tốt Quyết định số 1157-QĐ/TU, Quyết định số 1158-QĐ/TU ngày 09/7/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Xây dựng quy trình lắng nghe ý kiến nhân dân, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền triển khai thực hiện trong hệ thống MTTQ các cấp.

     Hai là: Hằng năm, báo cáo thường trực cấp uỷ, thông báo với chính quyền cùng cấp nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phân công bộ phận thường trực tiếp nhận ý kiến nhân dân, ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện thường xuyên, đột xuất, định kỳ báo cáo tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến góp ý với cấp ủy, chính quyền.

     Ba là: Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức; làm tốt công tác tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, kỹ năng của cán bộ MTTQ chuyên trách và Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư.

     Bốn là: Nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn Uỷ ban MTTQ, ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp, người uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo; các chuyên gia trong các lĩnh vực trong việc tham gia các hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ; tham gia góp ý xây dựng các văn bản, chủ trương chính sách và các đề án, dự án của tỉnh, của địa phương, cơ sở.

     Năm là: Tăng cường công tác phối hợp với HĐND cùng cấp trong công tác giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của MTTQ, cử tri và nhân dân. Qua đó, tập hợp ý kiến trên các lĩnh vực giám sát để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, đồng thời đề xuất biện pháp, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

     Sáu là: Phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì phối hợp tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện các chương trình phối hợp, qua đó thông tin hai chiều về các nội dung liên quan đến tình hình nhân dân, ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp.

     Thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được gắn với quyền và trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Với sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền và các tổ chức thành viên, cùng với sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ phát huy vai trò của mình, triển khai có hiệu quả các Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng mở rộng.

Thảo Linh

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,811
Tổng số trong ngày: 5,469
Tổng số trong tuần: 18,040
Tổng số trong tháng: 67,855
Tổng số trong năm: 488,620
Tổng số truy cập: 1,787,583