Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Những điều thấy được tại một số xã qua giám sát của MTTQ về thi hành án hình sự

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Vừa qua, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức cuộc giám sát tình hình thực thi pháp luật về quản lý, giáo dục đối tượng chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ và cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi trên địa bàn cấp xã của huyện Việt Yên.

     Là thành viên tham gia giám sát, điều tôi ghi nhận được qua 2 đơn vị được giám sát là thị trấn Nếnh và xã Tiên Sơn, đó là sự nỗ lực cố gắng của những người được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc giám sát, giáo dục các đối tượng bị án treo, cải tạo không giam giữ, quản lý những người đã chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Việc tiếp nhận tài liệu, hồ sơ về người chấp hành án từ các cơ quan chức năng được thực hiện cơ bản đúng quy định của pháp luật thi hành án hình sự. Các công việc tiếp theo như lập hồ sơ, vào sổ theo dõi, phân công người trực tiếp quản lý, theo dõi, giáo dục đối tượng,… bước đầu thực hiện có kết quả. Việc theo dõi, quản lý, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được thực hiện đúng quy định, việc giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng được thực hiện bằng các hình thức như thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện cho họ trong sản xuất đời sống như tư vấn về pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân, cư trú, các chính sách về tín dụng, vay vốn… Đã có một số vượt qua định kiến, mặc cảm vươn lên trong sản xuất, kinh doanh như Đỗ Văn Thiệu ở xã Tiên Sơn, Lê văn An ở Thị trấn Nếnh.

     Cùng với những kết quả có được, những hạn chế, tồn tại trong công tác này ở 2 đơn vị đã giám sát cũng được đoàn giám sát nêu ra và phân tích khá sâu sắc tại các buổi làm việc. Án treo và cải tạo không giam giữ là những chế tài hình sự được áp dụng đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng bị xử phạt tù không quá 3 năm, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Đây là quy định thể hiện sự khoan dung, nhân đạo trong chính sách hình sự của nước ta. Tuy nhiên, do nhận thức chưa thấu đáo nên công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự nói chung, trong đó có những nội dung thuộc phạm vi giám sát của đoàn, chưa được quan tâm thường xuyên. Điều này thể hiện ở chỗ, nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng nhưng lãnh đạo không nắm được, khi đoàn giám sát chỉ ra thì mới biết. Còn tình trạng giao phó cho bộ phận chuyên môn nên thiếu kiểm tra, đôn đốc, vì vậy nội dung báo cáo còn chưa sâu, thiếu số liệu, chưa đánh giá sát thực trạng của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự chưa được chú trọng, nội dung tuyên truyền chưa đa dạng và phù hợp; chưa cụ thể đến các đối tượng. Vì vậy, dẫn đến tình trạng là, nhiều đối tượng bị án treo hay cải tạo không giam giữ không biết được rõ về quyền và nghĩa vụ của mình, không chú ý cải tạo tốt để được xét giảm thời hạn thử thách hay đề nghị xóa án tích cho bản thân khi có nhu cầu; người chấp hành xong án phạt tù về địa phương không hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, chưa tự mình vượt qua mặc cảm để vươn lên trong sản xuất và đời sống; còn tồn tại tình trạng phân biệt, kỳ thị, xa lánh trong một bộ phận xã hội. Việc xét giảm rút ngắn thời hạn thử thách đối với người bị phạt án treo theo quy định của điều 66 Luật thi hành án hình sự chưa làm được trường hợp nào, mặc dù các bản nhận xét định kỳ của các đối tượng đều thể hiện là tốt. Tài liệu quan trọng và mang tính quyết định trong hồ sơ xét giảm là văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, nhưng rất tiếc là công việc này chưa được quan tâm. Hiện trạng này không chỉ có ở 2 đơn vị được giám sát mà ở tất cả các đơn vị cấp xã của Việt Yên ( trong thời điểm giám sát, trong số 107 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong thời hạn thử thách, không có trường hợp nào được xét giảm). Một số hồ sơ án treo còn có sai sót như Quyết định phân công người giám sát, giáo dục ban hành trước khi có văn bản tiếp nhận đối tượng về địa phương, hồ sơ chưa đủ tài liệu theo quy định đã bàn giao cho cấp xã vẫn được tiếp nhận mà không có sự kiểm tra, nhiều bản nhận xét đối tượng trong hồ sơ mang tính hình thức…

     Đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Vì vậy, một số người sau khi về địa phương không thực hiện việc trình diện, hoặc từ địa phương đi nơi khác hay làm gì, ở đâu cũng không nắm được; chính quyền, đoàn thể ở xã, ở thôn chưa kịp thời động viên, thăm hỏi, còn ít những trường hợp tiêu biểu, những mô hình vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, đời sống…

     Những vấn đề trên được nêu ra sau mỗi buổi làm việc tại các địa phương, được đại diện cấp ủy, chính quyền tiếp thu, ghi nhận và có phương hướng, biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Những nội dung tổng hợp được khái quát nêu ra trong buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Việt Yên và các ngành hữu quan của huyện. Thực trạng của 2 đơn vị được giám sát cùng với báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện đã tạo nên bức tranh chung đánh giá đúng thực trạng tình hình thực thi pháp luật về quản lý, giáo dục đối với những người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ; sự tái hòa nhập cộng đồng của những người đã chấp hành xong án phạt tù trở về đại phương. Mong muốn của Đoàn giám sát là, sự tiếp thu, ghi nhận của xã, thị trấn và của huyện sẽ trở thành những chuyển biến cụ thể trong thời gian tới, góp phần tạo nên kết quả tốt hơn trong một công việc đầy khó khăn nhưng cũng mang nặng tính nhân văn này.

Hoàng Lợi, HĐTV Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 23,438
Tổng số trong ngày: 1,322
Tổng số trong tuần: 3,183
Tổng số trong tháng: 65,676
Tổng số trong năm: 384,883
Tổng số truy cập: 1,683,846