Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng để thực thi dân chủ ở cơ sở như: Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC); Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 29/NĐ-CP, ngày 11/5/1998, Nghị định số 79/2003/NĐ-CP và nay là Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20/4/2007 có hiệu lực từ ngày 01/7/2007.

Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) ngày nay có nhiệm vụ quan trọng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội... Trải qua từng giai đoạn lịch sử, quan điểm của Đảng về vai trò của MTTQ trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng được nâng lên và được thể chế hóa thành pháp luật, tạo nên cơ chế để MTTQ đại diện cho Nhân dân tham gia bảo vệ những công việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, giám sát, đảm bảo những quyền và lợi ích của Nhân dân không bị xâm phạm. Điều 9 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, được Quốc hội thông qua năm 2013 quy định: “…MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) là một trong những phương thức giám sát của MTTQ Việt Nam ở cơ sở hiện nay được thực hiện theo Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ và Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Điều 24, Pháp lệnh số 34 quy định: “Hình thức để thực hiện việc giám sát của Nhân dân:1. Nhân dân thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.” Điều 12, Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo hoạt động”. Đồng thời, Luật cũng quy định “Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước”. Từ những quy định trên, cho thấy: Đặc trưng cơ bản của hoạt động giám sát của Ban TTND giống như giám sát của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội là không mang tính quyền lực Nhà nước; không trực tiếp xử lý đối với các cơ quan nhà nước khác hay các tổ chức, cá nhân vi phạm mà chỉ dừng lại ở việc phát hiện và kiến nghị xử lý. Do vậy hoạt động giám sát của Ban TTND là giám sát xã hội, mang tính Nhân dân. Thông qua hoạt động của mình, các Ban TTND thực hiện quyền lực của Nhân dân để giám sát mọi hoạt động của cơ quan nhà nước và mọi cá nhân ở địa phương trong việc thi hành chính sách pháp luật và những quy định của địa phương. Ban TTND không chỉ là chủ thể để tiến hành giám sát phát hiện mà còn là phương tiện để Nhân dân tham gia giám sát. Nhiệm vụ hàng đầu của TTND là giám sát thường xuyên, tại chỗ việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Nhân dân; đồng thời động viên Nhân dân tham gia giám sát phát hiện nhằm xây dựng chính quyền thực sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân; tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của Nhân dân, góp phần vào việc xây dựng chính quyền nhà nước và bảo vệ pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 209 Ban TTND với 1.956 thành viên, các thành viên đều là những người có uy tín, hiểu biết về chính sách, pháp luật, đáp ứng đủ các điều kiện tham gia. Các Ban thường xuyên được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng giám sát và đã xây dựng được Quy chế hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Trưởng Ban TTND đều được lựa chọn là những người trung thực, công tâm, có uy tín, am hiểu về chính sách, pháp luật có kinh nghiệm công tác, nhiệt tình trách nhiệm tham gia và được các Hội nghị cử tri ở thôn, xóm, tổ phố bầu ra. Hằng năm, MTTQ Việt Nam các cấp đã hướng dẫn hoạt động của Ban TTND; đồngthời tổ chức tập huấn, củng cố kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác cho đội ngũ thành viên; tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động TTND, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND.

Năm 2021, Ban Thanh tra nhân dân chủ trì giám sát  1.045 cuộc, đã phát hiện 18 vụ việc sai phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý  vụ việc, đã xử lý 18 vụ việc. Trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở cơ sở liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Để đảm bảo kinh phí cho Ban TTND hoạt động, MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp đảm bảo mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban TTND trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, 100% Ban TTND đều đã được tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động 5 triệu đồng/năm/Ban, được cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện, được MTTQ xã, phường, thị trấn hướng dẫn về tổ chức và hoạt động.

Tuy nhiên, hoạt động của Ban TTND hiện nay còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đó là: Sự phối hợp giữa MTTQ và UBND trong thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết thi đua, khen thưởng về công tác TTND ở một số địa phương trong tỉnh còn chưa thường xuyên. Một số Ban TTND chưa bám sát Nghị quyết của HĐND, chương trình kinh tế - xã hội của UBND và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên để  xây dựng được chương trình, kế hoạch công tác giám sát hàng năm. Việc huy động Nhân dân cùng tham gia giám sát chưa thường xuyên,...

Để phát huy hơn nữa vai trò hoạt động của Ban TTND trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Tiếp tục hướng dẫn, triển khai các văn bản về TTND. Hằng năm, xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện công tác TTND; hướng dẫn cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế, củng cố những nơi hoạt động còn yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tiếp theo. Quan tâm rà soát kiện toàn về tổ chức, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ của Ban TTND, nhất là quan tâm đến đảm bảo tiêu chuẩn về am hiểu các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, về kỹ thuật xây dựng, tài chính, có kiến thức, có lập trường quan điểm vững vàng, thẳng thắn, dám đấu tranh với những sai trái, bảo vệ cái đúng, hoạt động công tác thanh tra, giám sát phải đảm bảo tính khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời. Hàng năm, Ban TTND phải biết chọn nội dung giám sát cho phù hợp tình hình thực tế ở địa phương, đảm bảo sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để lợi dụng hoạt động giám sát làm cản trở và nảy sinh khiếu kiện gây mất ổn định. Duy trì công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại sơ, tổng kết đối với hoạt động của Ban TTND và tổ chức rút ra những kinh nghiệm, nhân rộng cách làm trong từng hoạt động giám sát, từng cuộc giám sát. Quan tâm, bảo đảm điều kiện về kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban TTND.

Có thể thấy rằng, vai trò, trách nhiệm của Ban TTND trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là hết sức quan trọng, giúp chính quyền địa phương khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành, chấn chỉnh những vấn đề tiêu cực của đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm phát luật góp phần xây dựng chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và tạo nên sự đồng thuận trong Nhân dân. Hoạt động của Ban TTND ngày càng  được Nhân dân ủng hộ và các cấp uỷ đảng, chính quyền đánh giá cao; đồng thời khẳng định được vị trí, vai trò là công cụ của Nhân dân ở xã, phường, thị trấn để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Việc quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên đối với các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, góp phần nâng cao chất lượng và mở rộng dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Ngọc Long - MTTQ tỉnh

 

 

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 16,170
Tổng số trong ngày: 2,964
Tổng số trong tuần: 4,825
Tổng số trong tháng: 67,318
Tổng số trong năm: 386,525
Tổng số truy cập: 1,685,488