Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật tôn giáo, tín ngưỡng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã được Hiến pháp quy định. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề này. Năm 1990, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 16/10/1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2004, tạo hành lang pháp lý để ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân cũng như chính sách của Nhà nước đối với tôn giáo, quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

     Nội dung của Pháp lệnh đã quán triệt, thể chế hóa cơ bản những quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế điều chỉnh về quyền con người trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt là những Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Pháp lệnh cũng thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc những việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo do các tôn giáo tự giải quyết theo hiến chương, điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Điều đó đã làm lành mạnh hoá các quan hệ tôn giáo và hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng của tín đồ và tổ chức tôn giáo, vì lợi ích chung của toàn xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế. Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo".

     Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, Pháp lệnh đã bộc lộ những bất cập. Đó là: Một số quy định của Pháp lệnh còn thiếu cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, như quy định về hoạt động tín ngưỡng, đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo...; Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong Pháp lệnh như: Vấn đề tổ chức tôn giáo ở Việt Nam gia nhập tổ chức tôn giáo quốc tế; việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm cho người có quốc tịch nước ngoài hoạt động cho tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; việc người nước ngoài vào tu tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam; Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được quy định cụ thể trong Pháp lệnh, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này và hoạt động của tổ chức, cá nhân tôn giáo.

     Hiến pháp mới năm 2013 đã có những sửa đổi rất quan trọng về chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là của “công dân” Việt Nam mà là của “mọi người”, ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản, được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Hiến pháp cũng đã phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trong quyết định các chính sách tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo.

     Từ những căn cứ nêu trên, yêu cầu phải có một đạo luật để điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp với Hiến pháp 2013, tương thích với các điều ước quốc tế đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công tác về tín ngưỡng, tôn giáo là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Việc xây dựng và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các giá trị dân chủ, văn minh của loài người và chủ nghĩa xã hội được phát huy; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống Đảng và Nhà nước.

     Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ hai (khai mạc ngày 20/10/2016). Nhìn chung, sau khi tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân, chuyên gia và đại biểu Quốc hội, dự thảo đã hợp lý hơn về bố cục, nội dung chuẩn bị công phu, tiếp thu, kế thừa những quy định còn phù hợp của Pháp lệnh năm 2004, đồng thời bổ sung nhiều quy định cụ thể  hóa Hiến pháp 2013, phù hợp với điều kiện phát triển và hội nhập của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Để tiếp tục hoàn thiện hơn dự thảo Luật và có thể thông qua tại kỳ họp này, có một số nội dung cụ thể cần được xem xét và nghiên cứu, trong đó có quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

     Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

     Điều 4 dự thảo quy định 5 nội dung. Đó là: 1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;  2. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 3. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; 4. Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người có tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; 5. Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

     Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015 đã quy định khá toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Việc cụ thể hóa trách nhiệm của MTTQ trong dự thảo luật này cần phải trên cơ sở Luật MTTQ và một số văn bản của Đảng về công tác Mặt trận. Điều 4 dự thảo cần được sửa lại theo hướng cụ thể hơn, rõ hơn trách nhiệm của MTTQ trong việc tập hợp, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đạo và người không có đạo. (Dự thảo chỉ mới đề cập đến trách nhiệm “tập hợp”); đề cao tính chủ động trong việc thực hiện trách nhiệm của mình trong các công việc như tuyên truyền, xây dựng pháp luật, phản biện xã hội (Dự thảo chỉ quy định MTTQ được “tham gia” vào các công việc này là chưa phù hợp với quy định của Luật MTTQ về vị trí, vai trò của tổ chức chính trị-xã hội quan trọng này). Trong trường hợp khó quy định cụ thể trong luật về trách nhiệm của MTTQ thì nên quy định khái quát theo hướng dẫn chiếu các quy định trong Luật MTTQ thì hợp lý hơn.

Luật gia Hoàng Văn Lợi,  Hội đồng tư vấn về DC&PL Ủy ban MTTQ tỉnh

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 21,498
Tổng số trong ngày: 484
Tổng số trong tuần: 2,345
Tổng số trong tháng: 64,838
Tổng số trong năm: 384,045
Tổng số truy cập: 1,683,008