Thứ ba, 11 Tháng 06 Năm 2024

Thực hiện tốt quyền bầu cử của công dân

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Tháng 5 này có một ngày quan trọng và đáng nhớ của mỗi chúng ta. Đó là ngày Chủ nhật, 22-5, ngày cử tri cả nước thực hiện quyền và trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khòa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021.

     Quyền bầu cử là quyền hiến định, được quy định trong tất cả các bản Hiến pháp của nước ta, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã quy định cụ thể về quyền bầu cử của công dân. Theo đó, Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tính đến ngày bầu cử được công bố.

     Để có thể thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử, mỗi công dân-cử tri cần tìm hiểu, nắm vững những quy định và hướng dẫn về bầu cử và bỏ phiếu.

    Lập danh sách cử tri là công việc rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền bầu cử của công dân. Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tính đến ngày bầu cử, đủ mười tám tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử. Việc xác định một người có quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch. Cách tính tuổi công dân để ghi tên vào danh sách cử tri được hướng dẫn chi tiết. Theo đó, tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được ấn định, tức là ngày 22-5-2016. Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử. Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm sau. Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Một số trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri. Đó là: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; Người mất năng lực hành vi dân sự. Một điểm rất mới trong cuộc bầu cử làn này là, người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc. Việc lập danh sách cử tri được tiến hành theo nguyên tắc: Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri; Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú; Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu; đối với những nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp huyện lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu, danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập. Danh sách cử tri phải được niêm yết chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra. Từ nay đến ngày bầu cử còn rất ít thời gian, mối cử tri cần có sự kiểm tra những thông tin của mình trê danh sách cử tri để có sự điều chỉnh kịp thời nếu có sai sót.

    Trong thời gian các ứng cử viên thực hiện vận động bầu cử, cử tri cần tham gia các cuộc tiếp xúc với ứng cử viên tại hội nghị để có cơ hội lựa chọn chính xác những người mình bỏ phiếu bầu. Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vì vậy, các cử tri đều có quyền tham dự.

    Việc bỏ phiếu phải đảm bảo đúng nguyên tắc theo luật định. Khi còn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử có trách nhiệm thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu và thời gian bỏ phiếu. Thông báo được thực hiện bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.

    Cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Đây là khoảng thời gian thuận lợi và phù hợp nhất đối với mọi người trong ngày. Tuy nhiên, tuỳ tình hình thực tế ở địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn, nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không quá 10 giờ đêm. Để chuẩn bị tốt cho việc bỏ phiếu, trong ngày bầu cử, các thành viên của Tổ bầu cử cần phải đến trước 7 giờ sáng hoặc sớm hơn giờ khai mạc mà Tổ đã quy định để kiểm tra nơi bỏ phiếu và tiến hành khai mạc cuộc bỏ phiếu. Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri để bảo đảm tính công khai, khách quan và thực hiện nguyên tắc nhân dân kiểm tra. Đây cũng là hình thức để cử tri trực tiếp giám sát cuộc bầu cử. Sau khi kiểm tra hòm phiếu (không có gì ở trong), hòm phiếu được niêm phong bằng dấu của Tổ bầu cử, thì cuộc bỏ phiếu mới được bắt đầu. Trường hợp hòm phiếu có khoá thì Tổ trưởng khoá lại và phải niêm phong.

    Việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc trực tiếp và bỏ phiếu kín. Để thực hiện đúng nguyên tắc này, mỗi cử tri phải tự mình đi bầu, trực tiếp viết phiếu bầu và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Cử tri không được bầu bằng cách gửi thư hoặc nhờ người khác bầu thay. Thực tế cho thấy, tình trạng một người bỏ phiếu hộ nhiều người, cả gia đình chỉ có một người “đại diện” bỏ phiếu vẫn còn; tâm lý của một số thành viên Tổ bầu cử muốn cuộc bỏ phiếu kết thúc nhanh gọn nên cũng làm lơ. Vì vậy, muốn khắc phục tình trạng này cần ý thức trách nhiệm từ hai phía cử tri và thành viên Tổ bầu cử. Cũng có trường hợp ngoại lệ: Nều cử tri do ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu; nếu không tự mình viết được phiếu bầu thì được phép nhờ người khác viết hộ, nhưng cử tri phải tự bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp vì lý do sức khỏe, tàn tật mà cử tri không thể tự bỏ phiếu thì được phép nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

    Việc lựa chọn người đủ tín nhiệm làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền và trách nhiệm của mỗi cử tri. Do đó, cử tri phải tự mình viết phiếu và tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu. Tuy nhiên, đối với những cử tri do ốm đau, tàn tật, già yếu mà không thể tự viết phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người viết phiếu hộ phải viết theo đúng sự lựa chọn của cử tri và phải bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì tàn tật không thể tự bỏ phiếu thì được phép nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Mỗi cử tri được phát một Thẻ cử tri. Tại khu vực bỏ phiếu, cử tri xuất trình thẻ cử tri và được Tổ bầu cử phát phiếu bầu cử theo mẫu quy định, có đóng dấu của Tổ bầu cử. Khi cử tri đã bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri. Đây là sự xác nhận cử tri đó đã hoàn thành quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình. Khi đã hết giờ bỏ phiếu, nếu còn cử tri ở phòng bỏ phiếu mà chưa kịp bỏ phiếu thì chỉ sau khi số cử tri này bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử mới được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu.

    Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong tất cả số phiếu bầu không sử dụng đến. Những người được chứng kiến việc kiểm phiếu gồm: hai cử tri biết đọc, biết viết không phải là người ứng cử, người ứng cử, đại diện cơ quan, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được uỷ nhiệm, các phóng viên báo chí.  Trong quá trình kiểm phiếu, nếu có khiếu nại thì những khiếu nại tại chỗ về việc kiểm phiếu phải được chuyển kịp thời cho Tổ bầu cử. Tổ trưởng Tổ bầu cử phải phân công một thành viên của Tổ bầu cử tiếp nhận, ghi vào sổ trực của Tổ, sau đó chuyển cho Tổ trưởng giải quyết. Nội dung của khiếu nại và cách giải quyết phải được ghi vào biên bản kiểm phiếu. Trường hợp những khiếu nại mà Tổ bầu cử không giải quyết được hoặc việc giải quyết vượt quá thẩm quyền thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ vào biên bản và kịp thời chuyển Ban bầu cử giải quyết.

    Để cho cuộc bầu cử đạt kết quả, bảo đảm tính dân chủ, hợp pháp, nhất là trong ngày bỏ phiếu, các tổ chức phụ trách bầu cử và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về bầu cử. Ngoài ra, mọi người đều phải tuân theo nội quy của phòng bỏ phiếu. Nội quy phòng bỏ phiếu được tập hợp từ các quy định của pháp luật do Tổ bầu cử căn cứ vào điều kiện cụ thể nơi bỏ phiếu đề ra, bảo đảm cho việc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật và bảo đảm trật tự, an toàn. Nội quy phòng bỏ phiếu được niêm yết tại nơi cử tri bỏ phiếu.

Luật gia HOÀNG VĂN LỢI - Hội đồng tư vấn DC&PL

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 14,457
Tổng số trong ngày: 4,888
Tổng số trong tuần: 17,459
Tổng số trong tháng: 67,274
Tổng số trong năm: 488,039
Tổng số truy cập: 1,787,002