Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Toàn dân hưởng ứng ngày phòng chống mua bán người

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Từ năm nay, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Được biết, ngày 30/7 đã được Liên hợp quốc chọn là “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” từ năm 2013. Hàng năm, ngày 30/7 được xem như một cột mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ. Như vậy, cùng với thế giới, năm nay là năm đầu tiên nước ta tổ chức "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" nhằm tăng cường các hoạt động phòng, chống mua bán người bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; vận động toàn dân tham gia và động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người.

     Mua, bán người là một tội ác chống lại loài người, vi phạm nghiêm trọng các quyền con người được Liên hợp quốc ghi nhận và đã được Hiến pháp nước ta quy định. Trong những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia.

     Để bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ và trẻ em nói riêng, cùng với Hiến pháp, nhiều văn bản pháp luật như Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh Phòng chống mại dâm; Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập cảnh được ban hành đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội phạm mua bán người. Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản liên quan đến các lĩnh vực mà bọn tội phạm có thể lợi dụng để lừa gạt phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán. Đặc biệt, Luật phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012 là dấu mốc quan trọng về pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng chống loại tội phạm nguy hiểm này. Việc ban hành luật chuyên ngành về phòng, chống mua, bán người đã tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống mua bán người và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người hiện nay cũng như những năm tới, đồng thời tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Việc xây dựng Luật đã được tiến hành trên cơ sở tổng kết, khảo sát thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trong những năm qua và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp về lĩnh vực này của các nước trong khu vực và trên thế giới.

     Phòng và chống mua, bán người là hai công việc gắn liền với nhau, có tác động qua lại với nhau trên cơ sở lấy việc phòng là chính. Luật phòng, chống mua, bán người đã có những quy định cụ thể về việc phòng ngừa mua bán người. Theo đó, các biện pháp phòng ngừa chung, bao gồm: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người. Mục đích chính của biện pháp này là nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người, về mối hiểm họa của mua bán người, làm cho mọi người đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán; Tư vấn về phòng ngừa mua bán người là biện pháp cụ thể hoá biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục đối với từng đối tượng cụ thể nhằm cung cấp cho họ những thông tin thiết thực, giúp họ giải quyết những tình huống cụ thể, trong đó tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm về mua bán người; Quản lý về an ninh, trật tự là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến nguy cơ mua bán người. Đó là làm tốt công tác quản lý về an ninh, trật tự không chỉ trong nội địa mà cả khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển; Cần quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ đối với các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người; Lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng mua bán người. Cùng  với các biện pháp phòng ngừa chung là các biện pháp phòng ngừa cụ thể thông qua hoạt động của các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ quan thông tin đại chúng; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận cũng như sự tham gia của cá nhân và gia đình trong công tác phòng ngừa mua bán người. Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, mỗi cá nhân, gia đình có vai trò rất quan trọng, từng cá nhân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán, đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Mỗi người đều có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người; kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. Học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng mà công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người cần hướng đến.  Nhà trường và các cơ sở giáo dục đào tạo phải tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa mua bán người nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nói riêng. Cùng với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng, chống mua bán người cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân. Thực tiễn cho thấy, các đoàn thể xã hội ở cơ sở, nhất là các Chi Hội Phụ nữ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động phòng, chống mua bán người cũng như tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân. Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác phòng ngừa mua bán người được luật định một cách cụ thể. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người bằng các hoạt động: Tổ chức và phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; vận động nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, tích cực phát hiện, tố giác, tố cáo, ngăn chặn hành vi mua, bán người; Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp cần thiết nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi mua, bán người; Tư vấn và tham gia tư vấn về phòng, chống mua bán người; Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng; Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.

     Việc phát hiện, tố giác, tố cáo, báo tin về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người của quần chúng nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp cho các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố giác, báo tin, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, Luật đưa ra những quy định cụ thể. Theo đó, người dân có thể tố giác, báo tin về vi phạm với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bất kỳ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện. Không có quy định hạn chế về hình thức báo tin, tố giác vi phạm, tức là người dân có thể sử dụng bất kỳ hình thức nào mà họ thấy thuận tiện như: trực tiếp, qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc gửi văn bản. Người dân cần nhận diện những hành vi nào được coi là hành vi mua bán người để có cơ sở tham gia vào cuộc đấu tranh phòng chống mua bán người. Pháp luật đã xác định khá cụ thể. Theo đó, hành vi mua bán người được quy định tại Điều 150 và Điều 151 của Bộ luật hình sự và các hành vi trực tiếp liên quan đến việc mua bán người mà Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liệt vào danh sách các hành vi buôn bán người. Đây được xem là nhóm hành vi cốt lõi cần phòng, chống. Nhóm này bao gồm các hành vi cụ thể được quy định tại các khoản từ khoản 2 đến khoản 5 Điều 3 của Luật phòng chống mua bán người, đó là: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3; Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3. Những hành vi nêu trên là những hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Đó có thể là hành vi mua bán người đơn lẻ hoặc là hành vi phạm tội mang tính đồng phạm dưới dạng đơn giản hoặc có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp xảy ra trong nước hoặc xuyên quốc gia và cũng có thể là hành vi phạm một tội phạm khác nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với hành vi mua bán người. Vì thế, những hành vi này được xem là những hành vi trọng tâm nhất cần phải nghiêm cấm trước tiên.

     Hy vọng, từ ngày “Toàn dân phòng chống mua bán người” đầu tiên này, cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan chức năng cho đến mỗi người dân tiếp tục nhìn nhận, nâng cao nhận thức và hành động, quán triệt Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020, thực hiện tốt Luật phòng chống mua bán người và pháp luật có liên quan, phối hợp với các chương trình phòng, chống tội phạm khác để công tác phòng, chống tội phạm mua bán người sẽ thực sự đạt được hiệu quả cao, các quyền của con người thực sự được bảo vệ.

Hoàng Văn Lợi, Hội đồng tư vấn DC&PL, Ủy ban MTTQ tỉnh

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 20,926
Tổng số trong ngày: 1,099
Tổng số trong tuần: 2,960
Tổng số trong tháng: 65,453
Tổng số trong năm: 384,660
Tổng số truy cập: 1,683,623