Tổng quan về chiến lược, mục tiêu phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cố gắng để đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ vững an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh. Tuy vậy, lực lượng KH&CN của tỉnh vẫn còn nhỏ, đóng góp của KH&CN vào phát triển KT-XH còn ở mức độ khiêm tốn. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, trước yêu cầu mới về tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, những thách thức mới từ bối cảnh quốc tế và trong nước đặt ra cho tỉnh, KH&CN cần phải trở thành yếu tố then chốt, động lực quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển KT-XH của tỉnh.

Việc xây dựng “Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Bắc Giang đến năm 2020” là việc làm rất cần thiết nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng đã được đề cập trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2020, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 cũng như định hướng chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2020.

Chiến lược phát triển KH&CN Bắc Giang là một bộ phận hợp thành của Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, đồng thời là bộ phận hữu cơ của Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Giang. Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 đưa ra những quan điểm, mục tiêu, các giải pháp cũng như các chương trình trọng điểm để KH&CN tỉnh Bắc Giang có năng lực và được quản lý có hiệu quả, góp phần nâng cao trình độ KH&CN của tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nền kinh tế và khai thác hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn tỉnh.

Xác định Chiến lược phát triển KH&CN Bắc Giang là động lực, nhân tố chủ yếu để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng, mục tiêu phát triển KH&CN của tỉnh đến năm 2020 đã được xác đinh cụ thể:

Phát triển KH&CN gắn với phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường

- Xây dựng các chủ trương, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển phải được xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên cơ sở đầy đủ các luận cứ khoa học nhằm đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH của tỉnh, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

- Nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong các ngành kinh tế: Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tiên tiến; chuyển giao, làm chủ những công nghệ mới nhằm tạo bước tăng trưởng mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế tỉnh. Đảm bảo tốc độ đổi mới công nghệ trung bình 20-30%/năm. Xây dựng và phát triển có trọng điểm các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học.

- Phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới: Tập trung nghiên cứu và đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ KH&CN, nhất là áp dụng công nghệ giống, công nghệ bảo quản và chế biến nông lâm sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa. Hình thành các cụm công nghiệp hợp lý ở một số địa phương.

- Quy hoạch phát triển công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới để tạo ra một số sản phẩm hàng hóa có giá trị, nhằm chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng hiện đại hóa, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

- Phát triển thị trường công nghệ: Định kỳ 5 năm một lần đánh trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật 2 năm một lần để phát huy sức sáng tạo của nhân dân lao động toàn tỉnh, áp dụng ngày càng nhiều các giải pháp kỹ thuật, sáng kiến, sáng chế vào thực tế sản xuất, đời sống, lao động và học tập.

- Bảo vệ môi trường sinh thái và trong điều kiện BĐKH: Trong việc phát triển KT-XH của tỉnh phải luôn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế và khắc phục tới mức tối đa những tác động tiêu cực của BĐKH; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tối ưu nhất trong việc khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, thiên nhiên; ngăn ngừa và hạn chế các công nghệ gây nhiều ô nhiễm cho môi trường. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của KH&CN đối với tăng trưởng kinh tế.

Tăng cường tiềm lực KH&CN

- Phát triển hệ thống tổ chức KH&CN: Phát triển mạng lưới các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là các trung tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN vào các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, các tổ chức cung ứng, dịch vụ khoa học kỹ thuật.

- Phát triển nguồn nhân lực KH&CN: Xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao, chuyên gia công nghệ giỏi và đội ngũ công nhân lành nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, đủ về số lượng và có chất lượng tốt, đủ sức tiếp thu, thích ứng, cải tiến và đưa vào ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KH&CN mới vào sản xuất và đời sống. Khắc phục sự mất cân đối về cơ cấu trình độ lao động. Kết hợp giữa phát triển nguồn nhân lực với bố trí lại lực lượng KH&CN của tỉnh theo hướng tập trung cao vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

- Đầu tư phát triển cơ sở vật chất và thông tin KH&CN phục vụ hoạt động KH&CN: Đảm bảo điều kiện kỹ thuật thiết yếu đáp ứng yêu cầu nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KH&CN trong phát triển KT-XH. Đầu tư phát triển có chọn lọc vào các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN của tỉnh.

- Đầu tư tài chính cho KH&CN: Đảm bảo mức tăng chi cho KH&CN hằng năm của tỉnh cao hơn mức tăng chi ngân sách của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 kinh phí đầu tư cho KH&CN đạt 1,5% chi ngân sách. Đồng thời, thực hiện xã hội hóa hoạt động KH&CN huy động mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN dưới nhiều hình thức khác nhau.

- Tăng cường mối liên kết: Tăng cường liên kết các hoạt động KH&CN giữa các tổ chức KH&CN trong tỉnh với các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương, các trường đại học, các tỉnh bạn và quốc tế. Trong đó, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà khoa học là con em của quê hương Bắc Giang.

Đổi mới cơ chế quản lý KH&CN

Đổi mới cơ chế xác định nhiệm vụ KH&CN (tiêu chí xác định nhiệm vụ, phương thức xác định nhiệm vụ,…); cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN; cơ chế đánh giá, nghiệm thu và sử dụng kết quả các nhiệm vụ KH&CN sau nghiệm thu.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN, đặc biệt là trong lĩnh vực Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và SHTT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc tế.

Phát triển KH&CN gắn với xây dựng cơ chế, chính sách

Phát triển KH&CN, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cần gắn chặt với quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách để KH&CN thực sự phát huy vai trò then chốt, xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn cho các cấp ủy và chính quyền trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế xã hội.

Trung bình (0 Bình chọn)