Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nổi bật tuần (từ ngày 04/3 - 10/3/2024)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thực hiện nghiêm xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; Triển khai giải pháp cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường; Triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2024 - 2030”;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 04/3 - 10/3/2024.
Thực hiện nghiêm xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai.

Thực hiện định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt

Ngày 06/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49- KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

UBND tỉnh yêu cầu việc xây dựng và ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh phải bám sát quan điểm, mục tiêu của Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết số 178/NQ-CP nhằm thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của vận tải đường sắt; huy động, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế trên các hành lang kinh tế chiến lược, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận số 49-KL/TW và Nghị quyết 178/NQ-CP sát với tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị, bảo đảm tính khả thi cao; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của tập thể, cá nhân; tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, bổ khuyết việc thực hiện, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn theo lộ trình; là căn cứ để các sở ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã quán triệt, triển khai hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu của Kết luận số 49-KL/TW, tạo sự chuyển biến thực sự về phát triển giao thông vận tải đường sắt trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của vận tải đường sắt. Đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng đường sắt.

Thực hiện nghiêm xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai

Ngày 06/3/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích ký Công văn số 1091/UBND-KTN yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh triển khai thực hiện nghiêm xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm về đê điều, PCTT trong phạm vi bảo vệ đê điều và trong hành lang thoát lũ trên địa bàn. Đối với các trường hợp phát sinh sau kế hoạch được ban hành, UBND các huyện, thị xã, thành phố bổ sung vào kế hoạch, tập trung xử lý dứt điểm, kiên quyết không để tồn đọng vi phạm mới phát sinh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và PCTT ở huyện, thị xã, thành phố và xã, phường thị trấn do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban, thành viên gồm: Lãnh đạo các phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an, Quân sự, Điện lực, Viễn thông, Hội Phụ nữ (các ban chỉ đạo ở xã, phường, thị trấn có thêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố...).

Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với Chi cục Thủy lợi, các Hạt Quản lý đê khu vực tiến hành rà soát, phân loại, thiết lập hoàn thiện hồ sơ vi phạm. Xây dựng kế hoạch xử lý cụ thể, chi tiết; chỉ đạo thực hiện xử lý vi phạm công trình đê điều, PCTT trên địa bàn đảm bảo theo đúng trình tự pháp luật.

Từ ngày 15/4/2024 đến ngày 30/4/2024, thông báo kế hoạch tới từng hộ vi phạm và cộng đồng, yêu cầu các hộ có hành vi vi phạm tự giác tháo dỡ, giải tỏa vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức công tác tuyên truyền Luật Đê điều, Luật PCTT và các Nghị định hướng dẫn thi hành có liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, các thành viên Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi kiểm tra kết quả thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo đúng quy định.

Triển khai giải pháp cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 04/3/2024 triển khai các giải pháp cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

UBND tỉnh yêu cầu triển khai các nội dung của Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường đến phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn. Phân công cụ thể trách nhiệm của phòng, đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, địa phương trong việc đánh giá kết quả chỉ số thành phần.

Các sở, ban, ngành, địa phương theo phạm vi quản lý xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm duy trì, cải thiện, nâng cao kết quả đánh giá các chỉ số môi trường thành phần thuộc phạm vi quản lý trong Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Đưa công tác đánh giá kết quả thực hiện chỉ số môi trường thành phần thuộc Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ hàng năm của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của mình, thời gian xong trong tháng 3/2024. Định kỳ (trước ngày 20/02 hàng năm) báo cáo kết quả thực hiện chỉ số môi trường thành phần trong Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm trước đó và kèm theo các tài liệu kiểm chứng kết quả đánh giá, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2024 - 2030”

Ngày 08/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và mô hình học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số; thi đua học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập trong cộng đồng.

Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục chính quy và không chính quy, thiết chế văn hóa, các trung tâm học tập cộng đồng, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các đối tượng học tập suốt đời.

Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Thi đua nâng cao năng lực sử dụng công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người dân, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc.

Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập. Thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa, tích cực tham gia thành phố học tập toàn cầu./.

BGP

 

Trung bình (0 Bình chọn)