Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bắc Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

1. Kiến nghị cử tri: Đề nghị bổ sung từ ngân sách nhà nước đối với một số chế độ, chính sách mới về tiền lương, phụ cấp không có trong cơ cấu giá dịch vụ y tế như Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2021 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (theo cơ cấu giá dịch vụ y tế hiện nay, phụ cấp ưu đãi ngành là 40%, theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP mức hưởng 100%).

Bộ Y tế trả lời như sau:

Để giữ chân cán bộ y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100% và được áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023; đối tượng hưởng là viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40% - 70% quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.

Thực hiện Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 và Chỉ thị số 25- CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15; Bộ Y tế phê duyệt Quyết định số 172/QĐ-BYT ngày 22/01/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ. Theo đó, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ tiền trực cho cán bộ y tế và phụ cấp y tế thôn bản, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp phòng, chống dịch và Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đã đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế theo Nghị quyết số 27-NQ/TW để bảo đảm quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động ngành y tế phù hợp với các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

2. Đề nghị Bộ Y tế sửa đổi Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo nguồn thu, giảm bớt khó khăn cho các Cơ sở khám, chữa bệnh hiện đã được giao tự đảm bảo chi thường xuyên, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách nhà nước khi hằng năm phải bố trí kinh phí cho mua sắm trang thiết bị y tế và sửa chữa cơ sở vật chất.

Theo quy định của Chính phủ, giá dịch vụ công nói chung và giá dịch vụ y tế nói riêng bao gồm 4 yếu tố chi phí: (1) chi phí trực tiếp; (2) tiền lương; (3) chi phí quản lý và (4) khấu hao tài sản. Căn cứ quy định tại Thông tư 25/2014/TT-ĐTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành:

- Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29/6/2023 của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp; theo đó giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được tính đủ 4 yếu tố chi phí. Mặc dù đối tượng áp dụng là với người bệnh sử dụng dịch vụ Khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu nhưng là một bước tiến trong thực hiện lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

- Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thanh toán bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp; trong đó giá khám bệnh, chữa bệnh gồm 2 yếu tố, (1) chi phí trực tiếp và (2) tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng; chưa tính yếu tố (3) chi phí quản lý và (4) khấu hao tài sản cố định, chi phí khác.

Căn cứ lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về lộ trình giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; hiện nay Bộ Y tế đang triển khai việc rà soát, sắp xếp danh mục dịch vụ kỹ thuật và xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo danh mục dịch vụ kỹ thuật mới; đồng thời đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Điều hành giá cho phép thực hiện lộ trình giá (tính tiếp 2 yếu tố chi phí quản lý và khấu hao vào giá) theo hướng phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm Y tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá chỉ số CPI để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng cần căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm Y tế. Vì vậy, quá trình thực hiện Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ/Ngành để báo cáo Chính phủ việc triển khai thực hiện và đề xuất thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp./.

Nguyệt Ánh.

 

Trung bình (0 Bình chọn)