Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần (từ ngày 18/12 - 24/12/2023)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; Tổ chức cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết 2024; Tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 18/12 - 24/12/2023.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất
và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.

Ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích vừa ký văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát dịch bệnh, phát triển chăn nuôi.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan chuyên môn quản lý giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo, huy động các nguồn lực trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Đoàn Kiểm tra liên ngành cơ động phòng chống dịch động vật tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các địa điểm tập kết, vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật; xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vận chuyển ra, vào địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, thao túng thị trường, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi.

Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn vừa ký Quyết định ban hành Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030.

Đề án đặt mục tiêu đến giai đoạn 2024-2026, tỉnh Bắc Giang hình thành và ổn định hệ thống đào tạo vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao của tỉnh theo 4 tuyến: Học sinh năng khiếu thể thao (NKTT), đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh với số lượng từ 500 - 550 VĐV và trên 100 học sinh NKTT. Hàng năm, tham gia thi đấu giành từ 200 - 230 huy chương các loại, trong đó có 6-8 huy chương quốc tế, đóng góp từ 15-20 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, có từ 50 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X - 2026 phấn đấu đứng từ 15 - 17/65 tỉnh, thành, ngành về tổng sắp huy chương và xếp vị trí thứ nhất các tỉnh miền núi toàn quốc.

Giai đoạn 2027- 2030, tiếp tục duy trì phát triển các môn thể thao thế mạnh giai đoạn trước, duy trì hệ thống đào tạo VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT từ 550 - 600 VĐV và gần 200 học sinh NKTT cơ sở. Hàng năm tham gia thi đấu giành từ 220 - 250 huy chương các loại, trong đó có 8-10 huy chương quốc tế, đóng góp từ 20-25 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia; có từ 70 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030 phấn đấu trong tốp 15 các tỉnh, thành phố và ngành tham dự Đại hội trong bảng tổng sắp huy chương và tiếp tục xếp thứ nhất các tỉnh miền núi.

Để đạt mục tiêu trên, cần nghiên cứu, xây dựng ban hành hệ thống chính sách, chế độ đối với HLV, VĐV thể thao phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh. Bổ sung, tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ HLV, VĐV thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Chuẩn hóa đội ngũ HLV, các tiêu chuẩn tuyển chọn, đánh giá trình độ tập luyện của VĐV, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo, thi đấu. Tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn, xây dựng lộ trình đào tạo VĐV các môn thể thao Olympic, Asiad. Đầu tư cao, có trọng tâm đối với những môn thể thao có thế mạnh, những VĐV có khả năng tranh chấp huy chương tại các giải quốc gia, khu vực và quốc tế. Từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng nhu cầu cho công tác huấn luyện, tập luyện, thi đấu các môn thể thao; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác huấn luyện, tập luyện của VĐV đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cho việc tập luyện của các môn thể thao.

Tổ chức cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết 2024

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh vừa ký Kế hoạch số 204/KH-BCĐ389 ngày 18/12/2023 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, thời gian thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 bắt đầu từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 29/02/2024.

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Chỉ đạo tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành, lực lượng chức năng, UBND huyện, thành phố chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế, hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ..

Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành, lực lượng chức năng, UBND huyện, thành phố trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực, địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) mua, bán trực tuyến. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Phê duyệt 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn ký Quyết định số 1399/QĐ-UBND về việc phê duyệt 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh. Trong đó có 07 sản phẩm chủ lực, 15 sản phẩm đặc trưng, 34 sản phẩm tiềm năng.

Cụ thể, 07 sản phẩm chủ lực gồm: Lợn, gà, vải thiều, lúa gạo, rau các loại, mỳ gạo, chè Yên Thế.

15 sản phẩm đặc trưng gồm: Mật ong, rượu, bún Đa Mai, bánh đa, dấm Kim Ngân (Lục Ngạn), na, rau cần Hoàng Lương (Hiệp Hòa), nấm, lạc giống Tân Yên, Mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên), Sâm Nam, Trà hoa Vàng, cá Bắc Giang, cam, bưởi.

34 sản phẩm tiềm năng gồm: Dê, trâu, bò, nhãn, táo, ổi, quả vú sữa (Tân Yên), dưa các loại, dưa hấu, dứa, ngô HN 88 (Hiệp Hòa), khoai lang (Việt Yên), khoai sọ (Lục Nam), khoai tây, thanh long, hạt dẻ (Lục Nam), dược liệu, Ba kích tím Thanh Luận (Sơn Động), Nhung Hươu (Yên Thế), Bánh Chưng (Hiệp Hòa), Bánh đa nem Thổ Hà (Việt Yên), Tương, Mộc mỹ nghệ, dân dụng, Gốm Làng Ngòi (Yên Dũng), Chổi chít (Tân Yên), Chổi tre (Tân Yên), Hành, tỏi, Miến dong Sơn Động, Măng tươi, khô, Trứng gà, hoa, Bánh quế ông Phú, Chim Bồ Câu.

Danh mục các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng tỉnh Bắc Giang là cơ sở để xem xét, hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân được hưởng cơ chế, chính sách theo quy định của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện cập nhật dữ liệu, xây dựng cuốn cẩm nang và công bố thông tin rộng rãi để quảng bá phục vụ công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh. UBND cấp huyện thực hiện các biện pháp để duy trì và phát triển sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh.

Tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký Công văn số 7157/UBND-NC ngày 19/12/2023 về việc tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và huyện, thành phố triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng tồn tại lộ lọt bí mật nhà nước, trong đó khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, vi phạm được các đoàn kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã chỉ ra như: Soạn thảo tài liệu có nội dung bí mật nhà nước trên máy tính kết nối internet; xác định sai độ mật hoặc không xác định độ mật đối với văn bản, tài liệu chứa nội dung bí mật nhà nước; lưu giữ tài liệu bí mật nhà nước trên thiết bị khi chưa được kiểm tra an ninh, an toàn; làm mất, thất lạc tài liệu, vật mang bí mật nhà nước; đăng tải công khai bí mật nhà nước trên cổng thông tin điện tử của cơ quan; công khai đăng tải trên cổng thông tin điện tử văn bản chứa thông tin về tài khoản, mật khẩu đăng nhập vào hệ thống dịch vụ công, không thay đổi mật khẩu mặc định của những tài khoản này; sao chụp, chia sẻ tài liệu có nội dung bí mật nhà nước trong các hội, nhóm facebook, zalo, viber…

Tiếp tục chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước cho cán bộ, đảng viên theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; danh mục bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành; bộ tài liệu điện tử về hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Tuyên truyền, giáo dục để mọi cán bộ, đảng viên không mơ hồ, mất cảnh giác, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tội phạm mạng trong việc thu thập tin, tài liệu bí mật nhà nước; không cung cấp, chuyển giao tài liệu bí mật nhà nước ra bên ngoài. Chấp hành tuyệt đối quy định không soạn thảo, lưu trữ, truyền đưa tài liệu bí mật nhà nước trên thiết bị điện tử kết nối mạng internet.

Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị, thường xuyên duy trì công tác rà soát phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, ngăn chặn kịp thời nguy cơ bị tấn công mạng thu thập, mã hóa tài liệu, đặc biệt là tài liệu bí mật nhà nước. Có cơ chế phối hợp các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn thông tin, an ninh mạng.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống lộ bí mật nhà nước, tập trung vào những khâu trọng yếu, bộ phận có tập trung nhiều tài liệu bí mật nhà nước, thông tin nội bộ quan trọng, những khâu yếu, dễ để mất, thất lạc tài liệu bí mật nhà nước, đối tượng thâm nhập, lấy cắp tài liệu bí mật nhà nước, nơi soạn thảo, truyền đưa bí mật nhà nước, nơi cán bộ có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thoái hóa, biến chất, nơi mã độc dễ xâm nhập đánh cắp tài liệu bí mật nhà nước.

Công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành các Quyết định công nhận các xã Lão Hộ, Đồng Việt (huyện Yên Dũng), xã Xương Lâm (huyện Lạng Giang) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao; công nhận xã Lãng Sơn (huyện Yên Dũng) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về An ninh trật tự; xã Nghĩa Hưng (huyện Lạng Giang) đạt chuẩn xã NTM Kiểu mẫu về Văn hóa.

Như vậy đến nay, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 08 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó có 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về Giáo dục, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về Kinh tế - Phát triển sản xuất, 02 xã đạt chuẩn kiểu mẫu về Văn hóa và 02 xã kiểu mẫu về An ninh trật tự.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Yên Dũng, Lạng Giang và UBND các xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao có trách nhiệm tổ chức công bố xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được./.

BGP

Trung bình (0 Bình chọn)