Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những ngày tới nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước- Ảnh 1.

Khu vực rừng bị cháy tại tỉnh Nghệ An chiều 30/4/2024.

Đó là nội dung tại Công điện số 43/CĐ-TTg về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 1/5/2024.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Giám đốc: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công điện nêu: Trong những ngày vừa qua, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 370C đến 390C, có nơi trên 420C; đã xảy ra 15 vụ cháy rừng tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Nghệ An, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang…, làm cháy trên 260 ha rừng các loại, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, vụ cháy từ ngày 26 - 27 tháng 4 năm 2024 tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã thiêu rụi gần 20 ha rừng, hai cán bộ kiểm lâm hy sinh và một kiểm lâm khác bị thương khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trong những ngày tới nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Duyên hải Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Phú Yên), Tây Nguyên và Nam Bộ; từ ngày 10 - 20 tháng 5 năm 2024, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng trở lại. Do đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng vẫn ở mức cao. Để tiếp tục chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Giám đốc: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm:

a) Kết luận số 61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

b) Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2024, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và các văn bản chỉ đạo có liên quan;

c) Đây mới là thời điểm bắt đầu mùa hè; vì vậy, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt;

b) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao;

c) Chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương với phương châm "bốn tại chỗ"; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;

d) Trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo hiệu quả, an toàn; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống khói độc, công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, nước uống, vật tư y tế phục vụ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng;

đ) Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất;

e) Có phương án, kế hoạch di dời người dân, tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối và có chính sách phù hợp, hiệu quả cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ chữa cháy rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ;

g) Chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;

h) Thường xuyên theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng (trên các bản tin của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, trang tin của Cục Kiểm lâm: kiemlam.org.vn, của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: nchmf.gov.vn); kịp thời thông tin, báo cáo ngay khi có cháy rừng về Trực ban của Cục Kiểm lâm, theo số điện thoại: 098 666 8 333; E-mail: fpd@kiemlam.org.vn, đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng từ các địa phương khác (khi cần thiết).

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ động chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:

a) Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì, dự báo, cảnh báo, nguy cơ cháy rừng để thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh liên lạc chỉ đạo, điều hành;

b) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; duy trì chế độ thường trực công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị rà soát, chủ động các phương án hỗ trợ cao nhất có thể cho công tác chữa cháy rừng trên địa bàn đóng quân, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.

5. Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ngành điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối của hệ thống điện quốc gia, không để xảy ra sự cố về truyền tải, cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, kịp thời cung cấp thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến các cơ quan liên quan và người dân, phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng.

8. Giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo và xử lý các vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng; nhất là các vấn đề phát sinh, đột xuất, bất ngờ.

9. Văn phòng Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách kết quả thực hiện./.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng- Ảnh 1.

Ngày 26/4/2024, cháy rừng tại tỉnh Hà Giang làm thiệt hại nhiều hec-ta rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội.

Trong những ngày vừa qua, tình trạng ít mưa, nắng nóng gay gắt đã diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 370C đến 390C, có nơi trên 420C; cháy rừng liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương, như: Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Khánh Hòa, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang... Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, trong những ngày tới, nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, tâm điểm là khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, nhiều khả năng kỷ lục về nhiệt độ cao sẽ bị phá vỡ. Nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại về rừng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 04 tháng 4 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 31/CĐ-TTg về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tại tỉnh Hà Giang, trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 400C; trong ngày 26 tháng 4 năm 2024, cháy rừng đã xảy ra tại khu vực giáp ranh 3 xã: Phương Tiến, Lao Chải, Xín Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang làm thiệt hại nhiều hec-ta rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, vụ cháy rừng nêu trên đã làm 2 cán bộ Kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Vị Xuyên và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh bị tử vong trong quá trình tham gia làm nhiệm vụ chữa cháy rừng.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình các cán bộ Kiểm lâm bị nạn tại tỉnh Hà Giang; yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và tập trung khắc phục hậu quả sau cháy rừng, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định của pháp luật đối với các cán bộ Kiểm lâm bị tử vong trong quá trình tham gia chữa cháy rừng; tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

2. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, theo chức năng quản lý nhà nước được giao, chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cấp cơ sở tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định của pháp luật đối với các cán bộ Kiểm lâm bị tử vong trong quá trình tham gia chữa cháy rừng.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản chỉ đạo có liên quan; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện Công điện theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Tuyển sinh 2024: Hướng dẫn chi tiết cách đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuyển sinh 2024: Hướng dẫn chi tiết cách đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến- Ảnh 1.

Thí sinh cần tìm hiểu cách Điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT chi tiết để quá trình đăng ký thử và chính thức thuận lợi, hạn chế tối đa sai sót

Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, thí sinh đang học lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5/2024 theo hình thức trực tuyến. Trong thời gian này, thí sinh thi tự do thực hiện đăng ký thi bằng hình thức trực tiếp tại các đơn vị do SởGD&ĐT quy định.

Trước đó, từ ngày 24/4 đến ngày 26/4 các trường THPT sẽ tiến hành lập và giao tài khoản chi thí sinh. Và, từ ngày 24/4 đến hết 28/4 các trường tổ chức cho thí sinh đang học lớp 12 đăng ký dự thi trực tuyến thử trên hệ thống Quản lý thi. 

Thí sinh cần tìm hiểu cách Điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT chi tiết để quá trình đăng ký thử và chính thức thuận lợi, hạn chế tối đa sai sót.

Hướng dẫn đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Với thí sinh đang học lớp 12: Thí sinh thực hiện khai thông tin đăng ký dự thi (ĐKDT) trực tuyến theo tài khoản được cấp trên Hệ thống phần mềm Quản lý thi. Sau khi hoàn thành rà soát và xác nhận theo thời hạn ĐKDT quy định, Trường THPT nơi thí sinh đang học in Phiếu ĐKDT, Phiếu số 1, Phiếu số 2 và ký tên, đóng một dấu có phần giáp lai lên ảnh của Phiếu ĐKDT để xác nhận nhân thân thí sinh.

Theo đó, thí sinh có thể thực hiện ĐKDT trực tuyến tại website: http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/ bằng hai cách sau đây:

Cách 1: ĐKDT qua tài khoản điểm tiếp nhận cung cấp

Đầu tiên, thí sinh truy cập vào website http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/ và tiến hành các bước theo hướng dẫn bên dưới:

Bước 1: Đăng nhập vào website bằng số CMND/CCCD và mã đăng nhập đã được điểm Tiếp nhận hồ sơ cung cấp hoặc nhận trong email. Sau đó, thí sinh nhập mã xác nhận (là mã Captcha trên màn hình) rồi nhấn vào Đăng nhập.

Bước 2: Sau khi đăng nhập thành công, màn hình Đổi mã đăng nhập sẽ hiển thị. Thí sinh tiến hành đổi mã đăng nhập mới để tăng bảo mật cho tài khoản khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT.

Lưu ý: Thí sinh hãy sử dụng mật khẩu gồm ít nhất 8 ký tự, có cả chữ thường, chữ hoa, ký tự thường và ký tự đặc biệt.

Bước 3: Sau khi đổi mã đăng nhập, thí sinh vào trang điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng ký dự thi THPT. Trong đó, thí sinh cần lưu ý các mục thông tin sau:

Mục ảnh: Thí sinh tải ảnh thẻ lên mục này. Ảnh phải có định dạng JPG hoặc JPEG, có kích thước 4x6 cm và được chụp không quá 6 tháng kể từ ngày đăng ký dự thi THPT Quốc giá 2024.

Mục 5 (Nơi thường trú): Đây là mục để thí sinh nhập mã Tỉnh/TP, mã Huyện, Quận và mã Xã/Phường. Nếu chưa biết chính xác các mã này, thí sinh có thể nhập vào biểu tượng Tìm kiếm, sau đó chọn Tỉnh/TP, Huyện (Quận) và Xã (Phường) thường trú của mình và nhấn nút Chọn. Hệ thống sẽ tự động điền mã tương ứng vào các ô mục.

Mục 6 (Nơi học THPT): Thí sinh nhập mã Tỉnh/TP và mã trường THPT đã học. Nếu chưa biết mã, thí sinh hãy nhấp vào biểu tượng Tìm kiếm ở bên phải, sau đó chọn Tỉnh/TP và tên trường THPT rồi nhấn vào Chọn. Lúc này, hệ thống sẽ tự động điền mã tỉnh và trường vào các ô mục.

Mục 24 (Đối tượng ưu tiên tuyển sinh): Nếu thí sinh thuộc một trong các đối tượng ưu tiên như Người dân tộc thiểu số, Công dân ưu tú, Chiến sĩ thi đua, Thương binh, Bệnh binh,... thì nhấn chọn vào mục tương ứng. Nếu thí sinh không thuộc đối tượng ưu tiên thì có thể bỏ qua mục này.

Bước 4: Sau khi điền tất cả thông tin, thí sinh nhấn vào nút Lưu phiếu đăng ký để hoàn tất quá trình đăng ký thi tốt nghiệp THPT.

Cách 2: Đăng ký tài khoản dự thi THPT Quốc giá 2024 qua dịch vụ công

Thí sinh có thể đăng nhập bằng tài khoản dịch vụ công theo hướng dẫn đăng ký thi tốt nghiệp dưới đây:

Bước 1: Truy cập vào website http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/.

Bước 2: Nhấn nút Đăng nhập cổng dịch vụ công quốc gia.

Bước 3: Tiếp theo, thí sinh điền CCCD/CMND, mật khẩu (tài khoản dịch vụ công), mã xác thực và nhấn vào nút Đăng nhập.

Nếu thí sinh chưa có tài khoản dịch vụ công thì hãy nhấp vào Đăng ký rồi nhấn chọn Thuê bao di động. Sau đó, thí sinh điền thông tin theo yêu cầu và chọn Đăng ký để hoàn tất.

Bước 4: Thí sinh điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng ký dự thi THPT 2024 như hướng dẫn ở cách 1.

Bước 5: Sau khi điền hết thông tin, thí sinh kiểm tra lại lần nữa rồi nhấn nút Lưu phiếu đăng ký để hoàn tất.

Đối với thí sinh tự do

Thí sinh tự do gồm thí sinh đã tốt nghiệp THPT muốn thi lại đại học năm 2024 và thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia. Theo đó, để đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 thí sinh tự do cần:

Điền thông tin cần thiết, giống nhau trên bì đựng phiếu ĐKDT, Phiếu số 1 và Phiếu số 2 rồi nộp cho nơi tiếp nhận đăng ký dự thi.

Kèm theo phiếu ĐKDT là bản sao 2 mặt CMND/CCCD trên 1 mặt của tờ giấy A4.

2 ảnh cỡ 4x6 kiểu CCCD/CMND, chụp trong vòng 6 tháng (có ghi rõ họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, vào mặt sau tấm ảnh, 2 ảnh này đựng trong một phong bì nhỏ).

Thí sinh phải dán thêm 1 ảnh vào vị trí đã xác định ở mặt trước túi đựng Phiếu ĐKDT. Công an xã phường nơi thí sinh tự do đang cư trú ký tên, đóng dấu có phần giáp lai lên ảnh của phiếu ĐKDT để xác nhận nhân thân thí sinh.

Lưu ý khi đăng ký dự thi trực tuyến

Khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT, thí sinh vẫn cần lưu ý một số điều sau:

Lưu thông tin tài khoản, mật khẩu: Khi ĐKDT trực tuyến, thí sinh nên lưu lại thông tin tài khoản và mật khẩu đăng nhập để dùng đăng nhập vào website trong những lần sau.

Điền chính xác số điện thoại, email cá nhân: Thí sinh cần nhập chính xác số điện thoại và email cá nhân đang sử dụng để nhận mã xác nhận do hệ thống gửi. Đồng thời, khi có vấn đề trong quá trình đăng ký dự thi, thông tin hệ thống có thể liên hệ thí sinh thông qua email và số điện thoại này.

Lưu ý chọn môn thi ngoại ngữ: Nếu thí sinh có nhu cầu thi môn Ngoại ngữ thì cần chọn một ngoại ngữ cụ thể như N1 - Tiếng Anh; N2 - Tiếng Nga;... Nếu đăng ký miễn thi ngoại ngữ thì ở mục 15, thí sinh hãy chọn chứng chỉ ngoại ngữ (TOEFL, ITP,...) và điền điểm thi chứng chỉ tương ứng.

Kiểm tra thông tin đã điền và xác nhận đăng ký: Sau khi hoàn thành phiếu đăng ký, thí sinh rà soát và đối chiếu các thông tin trên phiếu và giấy tờ liên quan để đảm bảo chính xác. Nếu có sai sót, thí sinh cần điều chỉnh và cập nhật ngay lập tức. Sau khi chắc chắn thông tin chính xác thì mới chọn nút Lưu phiếu đăng ký.

Xuất phiếu dự thi sang file PDF: Sau khi lưu phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024, thí sinh nên xuất phiếu sang file PDF và lưu file này trên máy tính và điện thoại để tra cứu hoặc kiểm tra khi cần thiết.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-Nga thời gian tới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Các nước ASEAN và Nga đã rà soát tình hình hợp tác, đề xuất những định hướng và biện pháp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-Nga thời gian tới, đồng thời trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực.

Phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-Nga thời gian tới- Ảnh 1.

Cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Nga lần thứ 20

Ngày 26/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, đã cùng Trưởng SOM, Trưởng đoàn các nước ASEAN và Nga tham dự Cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Nga lần thứ 20 tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Andrey Rudenko, Trưởng SOM Nga, nhấn mạnh Nga coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và cam kết phối hợp chặt chẽ cùng ASEAN ứng phó các thách thức chung trong khu vực. Các nước ASEAN đánh giá cao vai trò của Nga và đề nghị Nga phối hợp thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả hơn nữa, tương xứng với tầm vóc mối quan hệ.

Ghi nhận những tiến triển đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025, ASEAN và Nga chia sẻ đánh giá dư địa hợp tác hai bên còn rất lớn và nhất trí thời gian tới cần tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu, như hợp tác an ninh, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy bất hợp pháp, kinh tế, thương mại, tài chính, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, an ninh công nghệ thông tin-truyền thông, thành phố thông minh, năng lượng, giáo dục, giao lưu nhân dân, thanh niên, du lịch, nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh,…

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng, bạo lực và xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới, ASEAN đề nghị Nga tiếp tục tham gia tích cực, xây dựng, đóng góp hiệu quả, trách nhiệm cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin tại khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và đề cao luật pháp quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực. Để kỷ niệm 20 năm Nga tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC), Nga cho biết sẽ đề xuất tổ chức một số hoạt động nhân dịp này, tái khẳng định cam kết của Nga đối với hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực.

Thay mặt ASEAN phát biểu về hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối và phát triển tiểu vùng, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh đây luôn là những nội dung ưu tiên của ASEAN trong tổng thể nỗ lực xây dựng Cộng đồng; mong muốn Nga, với những tiềm năng, thế mạnh vốn có, thời gian tới sẽ quan tâm và đóng góp hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực ưu tiên này của ASEAN; và đề xuất các định hướng, giải pháp thúc đẩy hợp tác hai bên, trong đó phối hợp thực hiện hiệu quả Sáng kiến IAI và Kế hoạch MPAC 2025, hỗ trợ các quốc gia, vùng miền kém phát triển giải quyết các thách thức chung như phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực y tế, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, cũng như tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, kinh tế xanh và tuần hoàn, đồng thời đề nghị Nga hỗ trợ nỗ lực phát triển tiểu vùng trong ASEAN, trong đó có tiểu vùng Mekong, đóng góp tích cực cho tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững trong ASEAN và toàn khu vực.

Chia sẻ các đánh giá tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt bày tỏ mong muốn quan hệ giữa các nước lớn, đều là các đối tác quan trọng của ASEAN, đi vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh, đóng góp tích cực, xây dựng cho hợp tác khu vực, trên cơ sở tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ trưởng đề nghị Nga ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, cũng như các nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Cảnh báo 'bẫy' rủi ro khi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hành vi mua, bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng hiện nay diễn ra rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm liên quan đến lừa đảo, gian lận, đánh bạc…

Cảnh báo 'bẫy' rủi ro khi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng- Ảnh 1.

Hiện nay việc mua bán tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo là một vấn đề đáng báo động

Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. 

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại, sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.

Thủ đoạn của các đối tượng thường là đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học, nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. 

Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhận diện 5 thủ đoạn

Theo Thiếu tá Phí Văn Thanh – Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, hiện nay việc mua bán tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo là một vấn đề đáng báo động.

Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, cũng như triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng lan rộng.

Cụ thể, các đối tượng sử dụng hàng trăm hội nhóm ở trên không gian mạng, thông qua mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo... rồi đăng tải công khai các thông tin mua bán tài khoản ngân hàng. 

Với số tiền vài trăm nghìn đồng chúng có thể mua bán một tài khoản ngân hàng, bao gồm cả thẻ vật lý và sim điện thoại đăng ký cho dịch vụ Mobile Banking.

Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho nạn nhân mà còn làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính và ngân hàng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền, đánh bạc và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.

Thiếu tá Phí Văn Thanh cho biết, hiện nay có nhiều ngân hàng có những chính sách để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người dân dễ dàng trong việc mở tài khoản. Chính vì vậy, các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi mua bán trái phép các thông tin tài khoản.

Tiếp đó, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm những người có cùng tên với tài khoản trên mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng có thể xâm nhập thẳng vào các tài khoản facebook, hoặc gửi các đường link ở trên mạng xã hội để cài cắm các mã độc. Thậm chí gửi các mail chứa các đường link dẫn đến các web nhằm mục đích cướp tài khoản.

Cụ thể, có thể kể đến các thủ đoạn: Thứ nhất, mua bán trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo thường tìm các tài khoản ngân hàng có sẵn trên các diễn đàn hoặc thông qua các mạng xã hội trên các web chúng đăng tải trực tiếp, hoặc tìm kiếm những người sẵn sàng bán, hoặc cho thuê tài khoản của mình thực hiện giao dịch.

Thủ đoạn thứ hai, các đối tượng có thể thuê các tài khoản ngân hàng từ những người sở hữu với mục đích tạm thời thực hiện các giao dịch trên không gian mạng. Người sở hữu tài khoản có thể không biết mục đích sử dụng thực sự tài khoản của mình.

Thủ đoạn thứ 3, tạo các tài khoản giả. Cụ thể, các đối tượng lợi dụng các giấy tờ tùy thân giả mạo, hoặc sử dụng các thông tin cá nhân bị đánh cắp, các đối tượng lừa đảo có thể mở các tài khoản ngân hàng. Những tài khoản này sau đó được sử dụng với các mục đích là thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ 4, lợi dụng các tài khoản của người thân, bạn bè, lợi dụng sự quen biết hoặc giả danh nhân viên ngân hàng đang thực hiện chỉ tiêu mở tài khoản thẻ, cần số lượng lớn, đạt thành tích tốt. Do đó, người người đứng tên mở tài khoản.

Cũng theo Thiếu tá Thanh, thủ đoạn thứ 5 là sử dụng công nghệ cao, các đối tượng lừa đảo đánh cắp danh tính của một số người dùng. Mục đích của hành động này là thu thập các video quay trực tiếp lên khuôn mặt của các nạn nhân để phục vụ cho xác thực điện tử nhằm qua mặt hệ thống của các ngân hàng.

Bằng thủ đoạn này, chúng có thể tạo tài khoản theo tên một người cụ thể. Qua đó, nạn nhân chẳng hề hay biết gì việc tạo tài khoản. Những tài khoản ngân hàng giả nhưng mà thật này sau đó được cung cấp cho phía người đã đặt mua để thực hiện theo đúng yêu cầu của bọn chúng.

'Bẫy' của các hoạt động lừa đảo

Cũng theo Thiếu tá Phí Văn Thanh, khi người dân cho thuê, hoặc bán tài khoản ngân hàng thì họ có thể gặp phải một loạt các rủi ro nghiêm trọng, không chỉ về mặt pháp lý mà còn liên quan đến tài chính, uy tín và an ninh cá nhân.

Đó là, người dùng có thể gặp rủi ro pháp lý như, theo Nghị định 143/2021/NĐCP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019 NĐ, phạt tiền 40-50 triệu đồng những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua bán, thông tin tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người dùng có thể bị phạt tiền 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thậm chí, có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm.

Với các đối tượng có thể bị xử lý về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Điều này được quy định rất rõ trong điều 291 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.

Chính vì vậy, để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, người dân có thể áp dụng 4 biện pháp phòng ngừa: Cần có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân với bất kỳ ai. Đặc biệt, qua số điện thoại, hoặc qua mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cần cẩn trọng đề nghị kiếm tiền dễ dàng liên quan đến việc thuê, bán tài khoản ngân hàng. Vì, những đề nghị này thường là cái bẫy của các hoạt động lừa đảo và kiểm tra định kỳ, theo dõi sát sao giao dịch trong tài khoản ngân hàng, Sử dụng các dịch vụ bảo mật do ngân hàng cung cấp như thông báo về các giao dịch bất thường. Các giao dịch trực tuyến cần thiết phải được nhận biết bằng sinh trắc học.

Nếu người dân nếu phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào liên quan đến tài khoản ngân hàng của mình, cần thiết phải báo ngay cho ngân hàng và cơ quan chức năng để được kịp thời xử lý và ngăn chặn hậu quả.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)