Đầu tư ra nước ngoài: Vươn tầm nhìn xa

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đầu tư khai thác dầu khí tại nước ngoài là lĩnh vực hoạt động khá hiệu quả của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (VEN) Sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương đổi mới nền kinh tế, Việt Nam đã thành công lớn trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Vậy h

Kết quả và triển vọng:

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến nay, các DN Việt Nam đã đầu tư sang 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nếu phân theo địa lý, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á với 180 dự án và 1,3 tỷ USD, chiếm 68% về số dự án và 65% tổng vốn đăng ký đầu tư; tiếp đó là châu Âu với 37 dự án với tổng vốn đầu tư là 100,5 triệu USD và châu Phi với 2 dự án… Còn nếu theo ngành, các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp với 113 dự án và tổng vốn đầu tư là 1,5 tỷ USD, tiếp đó là lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp với 286 dự án và ở lĩnh vực dịch vụ có 99 dự án. Còn lại là các dự án có quy mô nhỏ và vừa đầu tư vào các địa bàn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.

Tính đến hết năm 2007, Việt Nam còn 265 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 2,006 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 800 triệu USD; quy mô vốn bình quân đạt 7,5 triệu USD/dự án. Điều đáng nói là, số dự án và quy mô vốn trung bình của mỗi dự án đã tăng lên đáng kể. Ở giai đoạn 1989–1998, trước khi có Nghị định 22/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam, chúng ta mới chỉ có 18 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 13,6 triệu USD, quy mô đầu tư bình quân đạt 0,76 triệu USD/dự án. Giai đoạn 1999-2005, Việt Nam đã có 131 dự án đầu tư ra nước ngoài với số vốn đăng ký đạt trên 559,89 triệu USD, quy mô vốn trung bình đạt 4,27 triệu USD/dự án. Và năm 2006-2007, có 116 dự án đầu tư mới, tổng vốn đăng ký đạt 1,26 tỷ USD, quy mô vốn đầu tư trung bình đạt 10,8 triệu USD/dự án.

Có thể nói, xu hướng hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang khá sôi động, ngày càng có thêm DN Việt Nam có khả năng tài chính và quan tâm mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, đầu tư ra nước ngoài đã và đang chuyển từ những dự án quy mô nhỏ, đầu tư vào các ngành nghề đơn giản sang các dự án có quy mô lớn với các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao. Còn trong năm 2008 này, dự báo các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài sẽ đạt trên 500 triệu USD và tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

Giải pháp mới sẽ thúc đẩy các DN đầu tư ra nước ngoài:

Bên cạnh những thuận lợi về cơ chế chính sách và khả năng mở rộng đầu tư ra nước ngoài, thực tế cho thấy các DN Việt Nam vẫn đang gặp phải những tồn tại, khó khăn nhất định. Đến nay Nhà nước vẫn chưa có những chính sách hay cơ chế đặc thù để hỗ trợ và khuyến khích các DN đầu tư sang các nước. Bên cạnh đó, các DN vẫn thiếu thông tin về thị trường nước ngoài; thời gian thẩm định để cấp giấy chứng nhận cho dự án vẫn còn kéo dài; mối liên hệ giữa cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài với các DN chưa thật gắn kết. Đặc biệt, tiềm lực của các DN Việt Nam về vốn, công nghệ chưa thật sự mạnh, kinh nghiệm quản lý còn hạn chế nên ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh với các DN nước khác. Chưa kể, phần lớn các DN có quy mô nhỏ và vừa nhưng lại hoạt động riêng lẻ, mạnh mún tại các nước, thậm chí còn cạnh tranh với nhau…

Trước thực trạng đó, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, tồn tại cho các DN trong nước khi đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, thời gian tới, Nhà nước sẽ sớm xây dựng đề án về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư ngay trong năm 2008 và những năm tới tại những thị trường trọng điểm mà Việt Nam đang có lợi thế, như: Lào, Liên bang Nga, Campuchia… Theo đó, các chương trình xúc tiến đầu tư và nghiên cứu thị trường, luật pháp, chính sách đối với các thị trường này sẽ được triển khai sớm để hướng đầu tư cho các DN trong nước. Các cơ quan chức năng cũng đang gấp rút để trình Chính phủ việc phân cấp quản lý đầu tư ra nước ngoài để các DN dễ dàng kết nối với các cơ quan nhà nước và chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành thu thập thông tin về môi trường đầu tư tại các nước để cung cấp cho các DN, như: chính sách thu hút đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư, chính sách và luật pháp của các nước liên quan đến hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tiềm năng và cơ hội đầu tư đối với một số ngành nghề, lĩnh vực cụ thể tại các nước.

     Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho những dự án thực hiện tại nước ngoài có tác động tới sự phát triển kinh tế ở nước ta, như: dự án điện để xuất khẩu điện về Việt Nam, dự án khai thác khoáng sản để thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất chế biến trong nước… Theo đó, những dự án này sẽ được vay vốn của Nhà nước thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam với mức vay tối thiểu 30% tổng vốn đầu tư của dự án với lãi suất ưu đãi và được miễn hình thức đảm bảo tiền vay bằng tài sản. Ngoài ra, nếu các dự án này được đầu tư tại Nga, Lào, Campuchia sẽ được Chính phủ bảo lãnh vốn vay của DN tại các ngân hàng thương mại trong nước với mức vay được phép vượt quá 15% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cho vay. Ngoài ra, đối với một số dự án đặc biệt, DN còn có thể đề nghị Nhà nước cấp vốn đầu tư. Những dự án này đồng thời còn được miễn nộp thuế thu nhập DN đối với phần lợi nhuận chuyển về nước đã được nộp thuế thu nhập tại nước mà DN đầu tư.

Được biết, hiện Chính phủ đang đi đến thống nhất nội dung của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế trùng của Việt Nam với một số nước đã ký thỏa thuận. Hy vọng rằng, cùng với sự nỗ lực của các DN, những giải pháp trên khi thực hiện sẽ là cơ sở để các DN Việt Nam đẩy mạnh hơn hoạt động đầu tư ra nước ngoài./.

Trung bình (0 Bình chọn)