Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản Bắc Giang.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong quá trình hội nhập với nền kinh tế quốc tế và khu vực, nhất là khi Việt nam gia nhập WTO, Bắc Giang chủ trương khai thác các tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát tr

Trên cơ sở qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, ngày 20/11/2006 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 73/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015.

Đề án đã chỉ rõ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trong giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015 trên địa bàn tập trung vào những sản phẩm đang có thị trường, có lợi thế cạnh tranh và nguồn nguyên liệu dồi dào, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới; giảm dần tỷ lệ chế biến thô của một số sản phẩm nông lâm sản bằng đầu tư các công nghệ chế biến sâu, tiên tiến nhằm đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hoá tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đối với mục tiêu cụ thể, về sản phẩm trong giai đoạn 2006-2010 toàn tỉnh phấn đấu tăng sản lượng chế biến từ 20 – 25%; giai đoạn 2011-2015 tăng từ 32-35%. Về tốc độ tăng trưởng bình quân, phấn đấu đến năm 2010 đạt 20,9%; đến năm 2015 đạt 32,7%.

Để phát huy được những lợi thế vùng nguyên liệu và các nguồn lực khác trên địa bàn tỉnh (lao động, vùng chuyên canh, làng nghề, thị trường...), đề án cũng đã chỉ rõ trong giai đoạn 2006-2015 công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh tập trung và ưu tiên phát triển các lĩnh vực chế biến rau quả; chế biến thịt gia súc, gia cầm; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan; chế biến gỗ; chế biến thức ăn chăn nuôi; sản xuất bia, rượu, nước giải khát; sản xuất giấy, bột giấy; chế biến lương thực. Trong đó, chế biến rau quả tập trung vào các nông sản như bắp cải, su hào, cà chua, súp lơ, hành hoa, rau thơm, bí xanh...; các loại quả như nhãn, dứa, chuối, quả có múi. Đây là những loại rau quả rất phù hợp với đồng đất Bắc Giang và hiện đang phát triển mạnh thành vùng chuyên canh tại các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên...

Công nghiệp chế biến thịt gia súc, gia cầm được phát triển theo hướng hình thành một số cơ sở giết mổ tập trung kết hợp với đầu tư kho đông lạnh cỡ nhỏ có công suất khoảng 450 tấn tại các vùng qui hoạch tập trung của tỉnh như Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hoà, Yên Dũng, Việt Yên; phát triển các cơ sở chế biến lợn sữa, lợn choai đông lạnh xuất khẩu, (dự kiến năm 2010 xuất khẩu khoảng 7.000 tấn). Ngoài các mô hình trên, tỉnh cũng sẽ đầu tư xây dựng một kho lạnh bảo quản thịt, công suất 7.000-10.000 tấn/năm tại chợ đầu mối của thành phố Bắc Giang; từng bước hiện đại hoá qui mô chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến thịt công suất khoảng 10.000 tấn/năm vào trước năm 2015. Theo dự tính, nhu cầu vốn đầu tư trực tiếp cho ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh khoảng 150 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2015 khoảng 470 tỷ đồng.

Để thực hiện đề án trên, tỉnh Bắc Giang có rất nhiều yếu tố thuận lợi về tài nguyên đất đai, nguồn nhân lực. Con người Bắc Giang vốn có truyền thống cần cù, và có nhiều kinh nghiệm tích luỹ về lao động sản xuất nông nghiệp. Bắc Giang cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống (25 làng nghề, trong đó có khá nhiều làng nghề chế biến nông sản...). Bắc Giang chỉ cách thủ đô Hà Nội có 50 km, trên địa bàn tỉnh lại có hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt khá thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá. Hiện nay toàn tỉnh  có gần 8.400 cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm sản của tập thể và tư nhân, thu hút gần 15.000 lao động, chiếm trên 62% tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh. Nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh qua sơ chế, tinh chế đã được xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực, Đông Âu, Mỹ như rau quả đóng hộp, vải thiều sấy, lợn sữa đông lạnh, hàng mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ...

 Tuy nhiên, là một tỉnh miền núi, xuất phát điểm về kinh tế còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước nên để đạt được những mục tiêu mà đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015 đã đề ra, tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn về qui mô sản xuất, thiết bị công nghệ, chất lượng tay nghề kỹ thuật , thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là khó khăn về nguồn vốn đầu tư...

Chính vì vậy, trong những giải pháp cụ thể đến năm 2010, định hướng đến năm 2015, UBND tỉnh đã đề ra giải pháp như qui hoạch và xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, các cụm điểm công nghiệp phục vụ sơ chế, tinh chế nông lâm sản; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, đào tạo lao động, thuế; tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư từ khu vực dân doanh, đầu tư trực tiếp vào nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Trước mắt, trong giai đoạn 2006-2010, UBND tỉnh đã xây dựng một số dự án  kêu gọi vận động vốn đầu tư nước ngoài từ nguồn vốn ODA, FDI, NGOs như Dự án chế biến thịt đông lạnh công suất 5.000 tấn/năm ở thành phố Bắc Giang (dự kiến khoảng 48 tỷ đồng) ; dự án chế biến rau quả ở huyện Lạng Giang (dự kiến 40 tỷ đồng); Dự án chế biến ván răm công suất 200.000 m3/năm ở khu công nghiệp (dự kiến 50 tỷ đồng)...

 Hy vọng, với chủ trương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, cùng với sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, trong thời gian tới Bắc Giang sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, nhất là  trên lĩnh vực phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản./.

Trung bình (0 Bình chọn)