“Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - một số vấn đề đặt ra đối với các cấp ngành, địa phương”

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đó là Chuyên đề Hội nghị thông tin do Đảng ủy các cơ quan tỉnh Bắc Giang tổ chức sáng nay (01/12). Tham dự có các đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Các cơ quan tỉnh; bí thư, phó bí thư, báo cáo viên các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên là Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017, nguyên Phó Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, nguyên Vụ Trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao) truyền đạt những nội dung quan trọng về đặc điểm hội nhập quốc tế nước ta trong giai đoạn mới; thời cơ và thách thức của hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới; tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với kinh tế Việt Nam; xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế đa tầng; những lợi thế của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP và những yêu cầu đặt ra cho các cấp ngành khi tham gia Hiệp định…

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017,
trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng dành nhiều thời gian để cùng các đại biểu phân tích, trao đổi làm rõ khó khăn, thách thức của Việt Nam khi hội nhập quốc tế và tham gia Hiệp định Thương mại Tự do (FTA); đặc biệt là sức ép cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Theo đó, khi hội nhập nền kinh tế, Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ những biến động thị trường tài chính, tiền tệ, giá cả, hàng hóa… Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, Việt Nam cần đổi mới tư duy theo phương châm “chủ động đóng góp, tích cực đề xuất và tham gia định hình cơ chế hợp tác”; đẩy mạnh thực hiện chiến lược liên kết, hợp tác liên ngành, đa ngành và đa phương, bền vững; hoàn thiện thể chế pháp lý, tăng cường xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao… Cùng với các giải pháp chung, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên cả nước cũng cần đổi mới cách làm, phương thức lãnh đạo quản lý; đẩy mạnh liên kết đa ngành, đa phương theo hướng bền vững nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, doanh nghiệp.

Thông qua hội nghị, các đại biểu đã được củng cố thêm những kiến thức quan trọng về tình hình hội nhập quốc tế của đất nước và Hiệp định TPP. Qua đó, giúp các đại biểu chủ động hơn trong việc tham mưu, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế và sẵn sàng tham gia Hiệp định TPP.

Cùng với những thành tựu của 30 năm đổi mới, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, tạo đột phá để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; đồng thời thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam.

Trung bình (0 Bình chọn)