Địa danh Cần Trạm – Phố Cát

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược cách đây gần 6 thế kỷ do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo, quân và dân Lạng Giang đã cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Cần Trạm - Phố Cát vang dội. Cùng với thắng lợi ở Xương Giang - Chi Lăng, chiến công Cần Trạm - Phố Cát đã đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Minh, đất nước được giải phóng, nền độc lập dân tộc được giữ vững gần 4 thế kỷ. Chiến thắng đó mãi là niềm tự hào không chỉ với riêng quân, dân Lạng Giang mà còn là của cả dân tộc.

Trận chiến Cần Trạm - Phố Cát được là cuộc đọ sức cam go, quyết liệt của quân ta với viện binh giặc. Đầu tháng 10-1427, Liễu Thăng huênh hoang dẫn 10 vạn quân vượt biên giới tiến vào ải Chi Lăng. Rơi vào thế trận phục sẵn của quân ta, Liễu Thăng và 1 vạn quân bị tiêu diệt ngay khi mới giao chiến. Mặc dù bị đòn đau bất ngờ nhưng còn 9 vạn quân, địch vẫn đủ sức vượt qua Chi Lăng để tiến xuống Lạng Giang. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, quân ta không chủ định đánh lớn ngay ở Chi Lăng mà lập kế "mở cho địch lối ra Xương Giang", tự dẫn thân vào trận địa phục kích của ta ở phía sau. Riêng trận địa Cần Trạm, ta bố trí hơn 4 vạn quân mai phục trên các ngọn đồi, trong thành luỹ sẵn sàng đón đánh địch. Ngày 15-10- 1427, quân địch lọt vào trận địa của ta, nghĩa quân từ các ngả xông lên đánh chia cắt đội hình hành quân của chúng. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trên một trận địa dài gần 5 km, suốt từ cánh đồng phía đông bắc thành Cần Trạm đến phía Nam thị trấn Kép ngày nay. Cách đây chưa lâu, nhân dân địa phương vẫn thường gọi cánh đồng phía Đông Bắc thị trấn Kép là Bãi Chiến (tức bãi chiến trường) và gò đất phía Nam gần Quốc lộ 1A là Gò Trận (nơi xảy ra chiến trận). Lê Quý Đôn đã miêu tả từng đội phục binh của ta do các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An chỉ huy như những mũi tên nhằm thẳng quân thù xông tới, tiêu diệt hết lớp này đến lớp khác. Phó tổng binh Lương Minh vừa thay Liễu Thăng chỉ huy bị lao đâm chết tại trận. Địch bị tiêu diệt gần 2 vạn tên.

Bị thất bại nặng nề ở Cần Trạm, đô đốc Thôi Tụ lên nắm quyền chỉ huy ra sức đốc thúc đám tàn binh tiến về Xương Giang. Biết trước âm mưu của địch, quân ta tiếp tục đón đánh tại Phố Cát. Nơi đây là vùng đồi thấp nằm vào khoảng giữa Cần Trạm và thành Xương Giang, thuộc địa phận xã Xương Lâm ngày nay. Theo bố trí của bộ chỉ huy, nghĩa quân ta phục sẵn ở các chân đồi nơi có đường mòn chạy qua những thung lũng hẹp. Giặc vừa tới, quân ta chia làm nhiều mũi đánh chặn đầu, thọc sườn. Trận chiến vô cùng mãnh liệt tại thôn Lễ Nhượng, trên đồi Bổ Hoá khiến xác giặc chồng chất lên nhau. Lý Khánh là võ quan cao cấp của giặc mang hàm Binh bộ thượng thư giữ chức Tham tán quân vụ uất ức vì bị thất bại liên tiếp đã "kế cùng thắt cổ tự tử" trong trận này (Bình Ngô đại cáo).

Như vậy chỉ trong 3 ngày (từ 15 đến 18-10-1427), quân và dân ta đã mưu trí, dũng cảm đánh địch với quân số đông hơn gấp bội và giành thắng lợi giòn giã ở Cần Trạm và Phố Cát. Hai chiến công xuất sắc này đã trực tiếp mở đường cho chiến thắng Xương Giang vẻ vang, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược đại thắng.

Phát huy truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm của ông cha, hàng năm vào dịp đầu xuân năm mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang lại tưng bừng mở hội kỷ niệm chiến thắng Cần Trạm- Phố Cát. Lễ hội Cần Trạm- Phố Cát chính là dịp để cán bộ và nhân dân Lạng Giang anh hùng ôn cố tri tân, khơi dậy truyền thống yêu nước, anh dũng chống quân xâm lược của ông cha trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước hôm nay. Với ý nghĩa đó, chiến công Cần Trạm - Phố Cát mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung và Lạng Giang nói riêng.

Trung bình (0 Bình chọn)