Điểm du lịch chùa Bổ Đà

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nói tới Bắc Giang là nhắc tới vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, sở hữu một nền văn hóa phong phú, đặc sắc. Trong số đó, phải kể đến hệ thống những công trình kiến trúc tôn giáo đình, chùa, tiêu biểu phải kể đến Chùa Bổ Đà.

Chính tên là chùa Quán Âm núi Bổ Đà, dân gian thường gọi là chùa Bổ thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, là một trong những trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm Tam tổ thờ Thạch Linh thần tướng.

Để đi tới Chùa Bổ, từ Hà Nội đi tới thành phố Bắc Ninh, qua cầu Thị Cầu rẽ trái men đê sông Cầu 3 km là tới. Hoặc tới Thổ Hà đi tiếp theo hướng Bắc tới làng Lát rẽ phải, từ Thổ Hà tới Chùa Bổ khoảng 3 km.

Lối vào chùa phủ kín rêu phong thời gian

Tất cả các công trình kiến trúc trong khu nội tự chùa được xây dựng bổ sung qua nhiều thế hệ người trụ trì. Dấu vết kiến trúc còn lại cho thấy các công trình được xây dựng vào thời Lê - Nguyễn. Từ khi khởi dựng đến nay nó vẫn ở nguyên vị trí ban đầu. Về mặt không gian dành cho khu chùa này rộng rãi thoáng đạt, xung quanh là đồi núi, xóm làng bao bọc. Toàn bộ khu chùa được xây dựng ở phía bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát xã Tiên Sơn - huyện Việt Yên ngày nay. Cùng với các công trình kiến trúc, chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu hiện vật quý hiếm có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống đối với các thế hệ. Ngoài hệ thống tượng Phật theo dòng phái Trúc Lâm, ở chùa còn lưu giữ nhiều văn bia, văn khắc như: câu đối, đại tự, sách kinh phật, các bộ hương án, đồ thờ giá trị về mặt lịch sử văn hoá thời Lê - Nguyễn. Cũng qua các hiện vật, thư tịch còn lại ở chùa không chỉ giúp cho chúng ta hiểu được sự hình thành phát triển của ngôi chùa, của Thiền phái Trúc Lâm mà cả lịch sử văn hoá của một vùng giàu truyền thống. Đôi câu đối treo ngay nhà tiền tế phần nào nói lên ý nghĩa đó.

Nơi lưu giữ các mộc bản kinh phật

Chùa còn lưu giữ nhiều bộ sách kinh Phật. Ván in kinh có ba loại: Nam hải ký quy, Yết ma hội sắc, Lăng nghiên chính mạch. Những bộ sách Hán Nôm này một số đã được dịch và in ra chữ quốc ngữ. Các di vật đồ thờ tượng phật phải kế đến khu vườn thập, không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc mà còn cả về mặt lịch sử Phật giáo. Ngoài giá trị vật chất của di tích, từ xưa khu vườn chùa Bổ Đà đã là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.

Chùa Bổ Đà hiện lưu giữ gần 100 bảo tháp là nơi lưu giữ di cốt của các nhà sư

Hội chùa Bổ Đà hàng năm tổ chức từ ngày 15 đến 19 tháng 2 âm lịch rất long trọng và đông vui. Đó là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Ngoài ra, ngày 8 tháng 4 Phật đản làm lễ dâng hương ở chùa, ngày 15 tháng 7 lễ tán hạ.

Vào ngày hội, khách thập phương nô nức hành hương hướng đạo, đến chùa để tỏ lòng thành kính với đức Phật và với người xưa đã có công gây dựng nên danh lam cổ tự độc đáo này. Đến đây du khách còn được thưởng thức những làn điệu quan họ mượt mà, với những lời ca luyến láy làm say lòng người./.

 

Trung bình (0 Bình chọn)