Điểm du lịch chùa Vĩnh Nghiêm

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

"Ai qua Yên Tử, Quỳnh lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành"

Câu ca dao xưa đã nhắc tới chùa Vĩnh Nghiêm (chùa Đức La), như một chốn Thiền thanh tịnh và linh nghiệm, không thua gì nơi các Tổ của Thiền phái Trúc Lâm tịnh tu trên đỉnh núi Yên Tử.

Nhà tiền đường chùa Vĩnh Nghiêm vững trãi trước thời gian.

Chùa thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 20 km về phía Nam, Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa cổ có niên đại khoảng hơn 700 năm và được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Trường đại học phật giáo đầu tiên tại Việt Nam.

Chùa được dựng ở nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương, nhìn ra ngã ba sông là Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, Cẩm Lý - cửa ngõ ra vào núi Yên Tử, bao quanh chùa có núi Cô Tiên. Tương truyền chùa được dựng từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tới thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao tăng tu hành nên chùa được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308) từ bỏ ngôi vua đã đến chùa Vĩnh Nghiêm thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập nên Thiền phái Phật giáo Việt Nam, Ngài cùng hai đệ tử là Pháp Loa và Huyền Quang tạo nên Trúc Lâm Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Bắc Giang tham quan chùa Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm vốn từ xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ các bộ ván khắc kinh, theo sách nhà chùa để lại "Tàng kinh các" rộng tới 10 gian nhà. Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn. Đó là kho ván khắc in, người xưa gọi là Mộc thư khố, là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hiện tại có tất cả 3.050 bản khắc gỗ với 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính: Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại. Những mộc bản này được khắc vào nhiều thời điểm khác nhau, là tư liệu phản ánh những tư tưởng quan trọng trong triết lý Phật giáo Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham quan Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Một số ván in có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt thể hiện triết lý Phật giáo. Mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Hán, Nôm. Những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.

Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ Thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng. Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam. Đặc biệt một số mộc thư giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng…

 

Đại đức Thích Thanh Vịnh giới thiệu với du khách về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

Tháng 5 năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2012. Đến với Vĩnh Nghiêm du khách có thể tìm hiểu về đạo Phật, kỹ thuật khắc gỗ để từ đó hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam…Thắp nén hương thơm, lòng thành hướng Phật, hướng về tổ tông và chầm chậm du khách sẽ thanh thản vãn cảnh chùa trong không gian thanh tịnh thoang thoảng mùi trầm, mùi hương của những cây Lan, cây Đại được trồng rất nhiều trong chùa, trong đó có những cây được trồng từ hơn 300 năm trước. Hay chiêm ngưỡng cây hoa có cái tên thật lạ “Hoa nhập nhân” có niên đại khoảng 700 năm được trồng ngay sau Nhà tổ đệ nhất... Về với Vĩnh Nghiêm, về với chốn Tổ để đắm mình trong khung cảnh của làng quê yên bình, thanh tịnh và du khách cũng có thể thưởng thức bữa cơm chay với nhà chùa...

Trung bình (0 Bình chọn)