Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc tại Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 22/3, Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại UBND xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) về việc người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010 - 2017; NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2017. Cùng đi có đại diện Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Văn Bé - Trưởng Ban Văn hóa -  Xã hội (HĐND tỉnh); đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.

Đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn huyện Yên Dũng đã có nhiều chuyển biến, tạo nguồn thu nhập cao cho nhiều người dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện có hơn 6,4 nghìn lượt người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tập trung chủ yếu ở một số thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngành nghề, lĩnh vực làm việc tại nước ngoài đa số là nghề điện tử, cơ khí, xây dựng, giúp việc gia đình, nông nghiệp, chế biến thực phẩm.

Trong giai đoạn 2013 - 2017, có 81 doanh nghiệp được cấp phép và có hoạt động dịch vụ XKLĐ hoạt động tại địa phương, đều được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ được UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm. Từ năm 2010 đến nay, có hơn 300 lượt hộ gia đình được vay vốn XKLĐ từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện với tổng số tiền hơn 15,6 tỷ đồng.

Công tác quản lý lao động là công dân nước ngoài làm việc trên địa bàn huyện là 99 người, thuộc quốc tịch Pháp (2%), Trung Quốc (20%) và Hàn quốc (78%). Trình độ từ Đại học trở lên, có kinh nghiệm làm việc, là lao động quản lý. Ngành nghề chủ yếu là may mặc và điện tử. 92/97 đã được cấp, cấp lại giấy phép lao động (còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động).

Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện Yên Dũng có khoảng 4,7 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng (theo thỏa thuận, lao động tự do qua đường biên giới). Lĩnh vực, ngành nghề chủ yếu là xây dựng, sản xuất đồ chơi trẻ em, làm bìa cát-tông, sản xuất linh kiện điện thoại, khai thác đá tại thị trường Trung Quốc; thời gian lưu trú dưới một năm.

Đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đi xem thực tế
các mô hình sản xuất nông nghiệp tại xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát và đại biểu địa phương trao đổi, làm rõ một số tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể như hoạt động tuyên truyền về XKLĐ ở cơ sở chưa thực sự được quan tâm, dẫn tới nhận thức, hiểu biết, cập nhật các quy định mới về lĩnh vực của cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương còn nhiều hạn chế; một số đơn vị, tổ chức tư vấn XKLĐ chưa có đầy đủ thủ tục hoạt động theo quy định. Việc nắm bắt thông tin lao động hết hạn hợp đồng về nước hoặc ở lại cư trú bất hợp pháp gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định về việc công dân đi khỏi địa phương phải khai báo tạm vắng mà chỉ khai báo tạm trú đối với công dân từ nơi khác đến. Công tác quản lý nhóm đối tượng này gặp nhiều trở ngại do hoạt động đưa, dẫn người đi xuất cảnh trái phép ngày càng tinh vi, có tổ chức.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh giá cao hoạt động thu hút đầu tư của huyện Yên Dũng trong năm vừa qua, góp phần giảm số lượng người dân đi XKLĐ. Thời gian tới, huyện cần tiếp tục quan tâm tuyên truyền, định hướng, tư vấn cho người dân, người lao động chi tiết hơn về cả mặt lợi và hại về XKLĐ và xuất cảnh trái phép; quản lý chặt chẽ các công ty XKLĐ... Đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm chính sách bảo hiểm y tế...

Phát biểu kết luận, đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, thời gian tới, địa phương tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân về XKLĐ, tìm các công việc cho người lao động an toàn, có chất lượng, thu nhập cao. Chính quyền, địa phương, đoàn thể cần hỗ trợ, giúp đỡ tạo việc làm mới cho những lao động đã hết thời hạn, về nước. Quan tâm đến phòng, chống bạo lực gia đình khi huyện có số lượng đông về XKLĐ. Cân bằng dân số giữa các vùng miền và giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số. Tăng độ bao phủ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội có buổi làm việc tại Công ty TNHH Fuhong Precision Component (thuộc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải), KCN Đình Trám, huyện Việt Yên về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc tại công ty, một số chính sách đối với người lao động Việt Nam làm việc tại công ty.

Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chụp ảnh với Công ty
TNHH Fuhong Precision Component và đoàn. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Công ty TNHH Fuhong Precision Component (thuộc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải), KCN Đình Trám, huyện Việt Yên chuyên sản xuất, kinh doanh và sửa chữa các loại thiết bị điện tử, viễn thông, khuôn mẫu. Hiện tại số lao động Việt Nam tại công ty có 13.870 người. Trình độ từ trung học phổ thông (12.280 người), trung cấp (359 người), cao đẳng (436 người) đến đại học (795 người). Số lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp là 112 người. Quốc tịch Đài Loan (20 người), Trung Quốc (89 người), Philippin (3 người). Công ty thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định cho người lao động Việt Nam. Lý do sử dụng lao động nước ngoài là do người lao động nước ngoài có kinh nghiệm trong xử lý kỹ thuật trong sản xuất, chuyển giao được công nghệ tiên tiến sang nhà xưởng Việt Nam, tăng hiệu suất lao động và chất lượng sản phẩm. Khó khăn trong quản lý lao động nước ngoài: Quản lý chặt chẽ vấn đề tạm trú của người nước ngoài. Theo dõi sát sao giấy tờ liên quan của người nước ngoài. Công ty đưa ra một số kiến nghị, đề xuất về Nghị định 11/2016/NĐ-CP đã được đoàn giám sát phân tích và giải thích chi tiết rõ ràng.

Tại đây, đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội mong muốn thời gian tới, Công ty quan tâm tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng mức lương để đảm bảo đời sống cho người lao động và giữ được những lao động tâm huyết, tay nghề cao; tích cực ủng hộ địa phương trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…/.

Trung bình (0 Bình chọn)