“Phòng cháy, chữa cháy”, nhiệm vụ cấp bách và lâu dài

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong những năm gần đây, số vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 211 vụ cháy, làm chết 04 người và bị thương hàng chục người; trị giá thiệt hại về tài sản như:

Ảnh minh họa. Ảnh: Phương Thảo
Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Thảo)

        Hiện nay, cùng với cả nước, Bắc Giang đang có sự chuyển mình và phát triển trên các mặt của đời sống xã hội, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, tập trung như các khu công nghiệp: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Việt - Hàn, Vân Trung…và các dự án quốc gia như: Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động, Công ty TNHH một thành viên Đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ngoài ra, còn có cụm, điểm công nghiệp tại các huyện, thành phố; các trụ sở cơ quan, ban, ngành đoàn thể của tỉnh, của trung ương đóng trên địa bàn và trên 3.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân…là những nơi luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Dự báo thời gian tới, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, các huyện, thành phố và cơ sở sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển. Kèm theo đó, tốc độ đô thị hóa ngày một tăng nhanh; sự phát triển của một số ngành kinh tế trọng điểm có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy như: Xăng dầu, điện, da giầy, dệt may, vật liệu nổ công nghiệp… cùng với nguy cơ do sự nóng lên của trái đất và sự bất thường của khí hậu, thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài và mưa lũ là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

          Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến nay chỉ có duy nhất một đội chữa cháy thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh, nên công tác cứu chữa các vụ cháy gặp không ít khó khăn. Do đội chữa cháy hiện nay nằm ở trung tâm thành phố Bắc Giang, nên việc cơ động từ trung tâm thành phố đến các thị trấn huyện lỵ hoặc khu, cụm công nghiệp của tỉnh khá xa, có bán kính từ 15km đến 80km. So với quy định, bán kính hoạt động có hiệu quả để cứu chữa một đám cháy phải dưới 10km, do vậy trên địa bàn tỉnh cần phải thành lập nhiều đội phòng cháy, chữa cháy ở các khu, cụm công nghiệp và trung tâm thị trấn các huyện lỵ mới đảm bảo yêu cầu chữa cháy được kịp thời, nhanh chóng và công tác cứu nạn, cứu hộ mới đạt hiệu quả cao. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy còn một số hạn chế; sự quan tâm đầu tư cho công tác này chưa thỏa đáng. Ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thậm chí của một số cơ quan nhà nước cũng chưa nghiêm. Việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở còn nhiều yếu kém.

          Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra như vậy, để làm tốt công tác phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và hậu quả nặng nề do các vụ cháy, nổ gây ra; ngày 30/6/2010, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 997/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy tỉnh Bắc Giang đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020”. Theo đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh sẽ được bổ sung, thay vì từ 95 như hiện nay lên 151 cán bộ, chiến sỹ và được biên chế thành 06 đội công tác, gồm: Đội Tham mưu tổng hợp và thông tin; Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; Đội Chữa cháy trung tâm; Đội Hậu cần và quản lý phương tiện; Đội tuyên truyền, huấn luyện; Đội Điều tra nguyên nhân cháy và xử lý vi phạm phòng cháy, chữa cháy. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy sẽ đảm bảo có 10 xe ô tô, trong đó có 01 xe thang để chữa cháy ở độ cao 50 - 60m, 01 xe cứu nạn, cứu hộ và các thiết bị khác để phục vụ công tác chữa cháy. Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2020, lần lượt thành lập 06 Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực; đồng thời tiến hành quy hoạch để khởi công xây dựng trụ sở các Đội tại các trung tâm: Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên); thị trấn Chũ (Lục Ngạn); thị trấn Thắng (Hiệp Hòa); thị trấn Kép (Lạng Giang); thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) và thị trấn Neo (Yên Dũng). Biên chế cho các Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực; trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy; đảm bảo kinh phí hoạt động… do Bộ Công an quyết định trên cơ sở Đề án của tỉnh đã phê duyệt. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở các Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực khi Bộ Công an có quyết định thành lập.

          Ngoài lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh, Đề án còn đề cập đến lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Quy hoạch đến năm 2015, toàn tỉnh có 2.000 đội dân phòng, phòng cháy chữa cháy cơ sở; năm 2020, số lượng này sẽ tăng gấp 2 lần (tức 4.000 đội); đảm bảo mỗi cơ quan, doanh nghiệp có 01 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; 100% thôn, bản, tổ dân phố, khu chung cư có đội dân phòng; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…có đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách. Mục tiêu đến năm 2020, lĩnh vực công tác phòng cháy, chữa cháy của tỉnh Bắc Giang đủ điều kiện đề nghị Bộ Công an quyết định thành lập Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên cơ sở Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện nay./.

 

Trung bình (0 Bình chọn)