“Truy quét” buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Đây là thời điểm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng có nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã sớm xây dựng kế hoạch, tăng cường ra quân để ngăn chặn tình trạng này.
Lực lượng QLTT tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa dịp Tết.
Ảnh: BGP/Trâm Anh.

Thị trường Tết – Sôi động nhưng phức tạp

Như thường lệ, cứ vào dịp cuối năm và giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng lại tăng cao, thị trường hàng hóa trở nên sôi động. Đặc biệt, những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, quần áo may mặc sẵn, đồ điện gia dụng, đồ chơi trẻ em, điện thoại, đồ dùng nhà bếp... được người tiêu dùng mua nhiều. Ông Nguyễn Xuân Tư – chủ doanh nghiệp tư nhân Tư Nga trên đường Minh Khai, thành phố Bắc Giang cho biết: “Thời điểm gần Tết này, cửa hàng chúng tôi bắt đầu nhộn nhịp hơn, các mặt hàng thực phẩm như: mì ăn liền, bánh mứt kẹo, nước giải khát được khách hàng mua rất nhiều, ước tính hàng hóa tiêu thụ của cửa hàng cũng phải tăng hơn 20% so với tháng trước”.

Tương tự, Công ty TNHH Vũ Thịnh chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ nội thất tại thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang những ngày này có lượng khách hàng tăng lên rõ rệt. Các gian hàng trưng bày gần như lúc nào cũng tất bật. “Nhu cầu nội thất dịp cuối năm rất lớn, Công ty đang có nhiều đợt khuyến mãi để phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất” - Ông Đỗ Mạnh Làn – Phó Giám đốc Công ty cho biết.

Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh, hết tháng 12/2015, chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh tăng 0,19% , tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh tăng 3,6% so với tháng trước. Có thể thấy càng về cuối năm và giáp Tết, số lượng và trị giá hàng hóa được tiêu thụ đều tăng mạnh.

Tuy nhiên, chính trong thời điểm này, vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lại có cơ hội sôi động và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Giang, năm 2015, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn xử lý hơn 1,8 nghìn vụ vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và điều kiện kinh doanh với tổng số tiền phạt trên 13,5 tỷ đồng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu có 314 vụ; hàng giả, kém chất lượng, ghi nhãn hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm hơn 600 vụ.

Các đối tượng vi phạm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng như chia nhỏ hàng hóa, vận chuyển trên các loại  phương tiện khác nhau, vận chuyển hàng vào ban đêm hay cử người theo dõi hoạt động của các cơ quan chức năng, thuê thương binh vận chuyển hàng hóa, hợp pháp hóa hàng hóa bằng cách có hóa đơn bán hàng nhưng ghi giá trị thấp hơn nhiều lần giá trị thực tế, khi bị bắt giữ thì sẵn sàng cản trở, liều lĩnh chống trả quyết liệt.

Ông  Chu Thanh Hiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Trâm Anh.

Kiểm soát chặt chẽ thị trường

Ngay từ những tháng cuối năm 2015, lực lượng QLTT tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 nhằm ổn định thị trường, giá cả hàng hóa, phát hiện, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ông Chu Thanh Hiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: “Xác định dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Chi cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt các diễn biến thị trường, từ đó kịp thời phát hiện vi phạm. Trong đó, chúng tôi tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự kiến tăng trong dịp Tết như: rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, đồ điện lạnh gia dụng, quần áo... Đồng thời, kiểm tra đối với các mặt hàng cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu, nhập lậu như: pháo các loại, đồ chơi ảnh hưởng sức khỏe và nhân cách trẻ em”.

Chị Phạm Thị Bích Liên – chủ cửa hiệu kinh doanh tạp hóa Bích Liên trên đường Nguyễn Văn Mẫn, thành phố Bắc Giang khẳng định: “Để đảm bảo các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các cửa hiệu kinh doanh như chúng tôi phải được chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa, nguồn gốc và nguyên liệu đưa vào sản xuất của hàng hóa, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Các mặt hàng bày bán phải ghi rõ tên hàng hóa, nơi xuất xứ, thành phần nguyên liệu, các chỉ tiêu bắt buộc, hạn sử dụng.”

Các cơ quan chức năng nhận định, Bắc Giang không có những tụ điểm vi phạm lớn, tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, không đủ điều kiện theo quy định đối với ngành kinh doanh vẫn có diễn biến phức tạp. Các đối tượng có nhiều thủ đoạn qua mặt cơ quan chức năng, thị trường phân tán nhỏ lẻ. Do vậy, thời gian qua, lực lượng QLTT tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, thanh tra các Sở: Y tế, Khoa học và Công nghệ; Cảnh sát giao thông... trong việc kiểm tra chất lượng hàng hóa, vi phạm hàng giả, sở hữu trí tuệ, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả.

Mới đây, nhận được tin từ cơ sở, Đội QLTT chống hàng giả - Chi cục QLL tỉnh Bắc Giang phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang, Đội QLTT số 10 (huyện Việt Yên) kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi Hoa Sơn tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên và phát hiện gần 4 nghìn kg phân bón giả. Cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý và xử phạt theo quy định.

Chỉ tính riêng trong 2 tháng cuối năm 2015 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã xử lý gần 500 vụ vi phạm, số tiền và hàng hóa tịch thu khoảng 5 tỷ đồng. Trong đó, các mặt hàng tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm, đồ điện gia dụng, đồ chơi bạo lực.

Tuy nhiên, với thị trường trải rộng, phân tán, lực lượng quản lý mỏng thì sự vào cuộc của các cơ quan chức năng còn chưa đủ. Do vậy, cần nâng cao ý thức của người tiêu dùng, sự hợp tác, thông tin kịp thời khi phát hiện vụ việc, đối tượng vi phạm từ người dân./.

Trung bình (0 Bình chọn)