Bắc Giang: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 tăng 1 bậc

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Mới đây, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015. Đây là báo cáo PCI năm thứ 10 đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tăng cường chất lượng hoạt động cho bộ phận "một cửa" các cơ quan hành chính nhà nước
là một trong những giải pháp nâng cao chỉ số PCI. Ảnh: BGP/Hoàng Hà.

Theo đó, Chỉ số PCI của Bắc Giang đạt 57,91 điểm, tăng 0,28 điểm so với năm 2014 (57,61 điểm), xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 1 bậc so với năm 2014, được xếp trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế Khá.

Trong 10 chỉ số thành phần cấu thành PCI năm 2015 thì có 5 chỉ số thành phần của tỉnh có mức điểm cao hơn mức điểm bình quân cả nước gồm các chỉ số: Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của lãnh đạo tỉnh và Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó một số chỉ số được doanh nghiệp đánh giá khá cao như chỉ số “Chi phí không chính thức” (xếp 16/63 tỉnh, thành phố), chỉ số “ Chi phí thời gian” (xếp 22/63 tỉnh, thành phố).

05 chỉ số còn lại có mức điểm thấp hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, chỉ số “Thiết chế pháp lý” có mức điểm thấp nhất (xếp 61/63 tỉnh, thành phố); chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” (xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố).

Trong số 6 chỉ số thành phần giảm điểm năm nay thì chỉ số “Thiết chế pháp lý” là chỉ số giảm điểm nhiều nhất với số điểm giảm là 1,27 điểm và cũng là chỉ số có mức điểm thấp nhất. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc: Tòa án các cấp của tỉnh xử các vụ kiện kinh tế còn chậm; phán quyết của tòa án đuợc thi hành còn chậm; tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp còn thấp.

Bên cạnh đó, trong số các yếu tố làm cho chỉ số PCI của tỉnh những năm trước bị xếp ở mức thấp, đến năm 2015 đã được cải thiện đáng kể và được doanh nghiệp đánh giá cao như: Thời gian chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm rất nhiều, từ 228 ngày (năm 2013) xuống còn 60 ngày (năm 2014) và đến năm 2015 còn 30 ngày (bằng mức trung bình của cả nước); số giờ làm việc với cơ quan thanh tra, kiểm tra thuế năm 2013, 2014 là 24 giờ, đến năm 2015 còn 4 giờ (thấp hơn mức trung bình của cả nuớc).

Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công cấp tỉnh để giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của bộ phận “một cửa” cũng như việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; bố trí cán bộ có năng lực hướng dẫn cho các nhà đầu tư để giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian cho các nhà đầu tư; công khai các tài liệu quy hoạch, tài liệu về pháp lý, ngân sách lên trang thông tin điện tử của các sở, ngành, huyện, thành phố để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, góp phần tăng tính minh bạch trong công tác quản lý nhà nước; tiếp tục nâng cao hoạt động của Ban Chỉ đạo Hỗ trợ đầu tư và Phát triển doanh nghiệp của tỉnh để kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tăng cường sự công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc cho các nhà đầu tư; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tham nhũng, kiên quyết xử lý các trường hợp tham nhũng hoặc có dư luận không tốt cua các nhà đầu tư...

Chỉ số PCI là kết quả của sự hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triến Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số PCI được xây dựng nhằm đo lường và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với môi trường kinh doanh qua cảm nhận của các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm các chỉ số: 1) Gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai; 3) Tính minh bạch; 4) Chi phí thời gian; 5) Chi phí không chính thức; 6) Cạnh tranh bình đẳng; 7) Tính năng động; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; 9) Đào tạo lao động; và 10) Thiết chế pháp lý.

Trung bình (0 Bình chọn)