Bắc Giang: Hướng mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đang lấy ý kiến vào dự thảo nghị quyết đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN) cao trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tại hội thảo do Sở KH&CN tổ chức mới đây, liên quan đến vấn đề này, ý kiến của các nhà khoa học ở trung ương và địa phương đã gợi mở nhiều nội dung đáng quan tâm.
Mô hình trồng vải thiều xuất khẩu tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn). Ảnh Việt Hưng

Quy hoạch vùng cho sản phẩm thế mạnh

Một trong những nguyên nhân khiến cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang còn hạn chế là do chưa có quy hoạch ứng dụng công nghệ cao cho vùng sản phẩm thế mạnh, sản phẩm chủ lực. PGS.TS Lê Tất Khương, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN) và nhóm cộng sự hợp tác với Công ty Hiệp Thành chuyển giao công nghệ tiên tiến sản xuất chè bản Ven (Yên Thế) thông tin rằng vùng nguyên liệu hiện chỉ có hơn 400ha, chủ yếu là khôi phục những nương chè cũ. 

Được biết, mô hình liên kết trên khá hiệu quả, sản phẩm đang tiêu thụ mạnh ở thị trường Trung Đông và bán trong nước cũng được giá. Ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc Công ty Hiệp Thành đề xuất: Chè là sản phẩm có thị trường tiềm năng ở cả trong và ngoài nước do vậy nếu được chú trọng quy hoạch vùng sản xuất sẽ ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và nâng cao giá trị kinh tế hơn nữa.  

Các loại sản phẩm thế mạnh khác của Bắc Giang như: Vải thiều, nấm, dược liệu, chăn nuôi gà, lợn... cũng trong tình trạng tương tự. Do vậy nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm trên. Từ đó mới đủ điều kiện triển khai các mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các loại giống tốt, quy trình sản xuất tiên tiến để nhân rộng. 

Xác định công nghệ phù hợp

Từ kinh nghiệm mô hình liên kết sản xuất chè bản Ven, PGS.TS Lê Tất Khương nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cần thực hiện đồng bộ ở các khâu: Giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Mục tiêu hướng tới của ứng dụng công nghệ cao là để chất lượng sản phẩm được nâng lên, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Mô hình chè sạch bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế).  Ảnh Việt Hưng

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần lưu ý vì đối tượng tiếp cận chủ yếu là nông dân, trình độ sản xuất còn thấp. Do vậy nên "liệu cơm gắp mắm", lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng vùng, từng loại sản phẩm, vì chưa chắc công nghệ cao đã áp dụng được mà công nghệ vừa có khi lại hiệu quả hơn - PGS.TS Khương nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Mai Thủy, Học viện Công nghệ Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn công nghệ phù hợp là hết sức quan trọng và để ứng dụng được đồng bộ cần có sự hợp tác, liên kết giữa các viện, trung tâm trong nước, trong tỉnh để chia sẻ thông tin, kết nối thiết thực, hiệu quả.  

Theo TS Nguyễn Mai Thủy, để xác định công nghệ phù hợp thì cần thông qua các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà nước làm cầu nối. Trong đó doanh nghiệp là trung tâm, là yếu tố quyết định. Vì sản xuất hàng hóa phải có thị trường, sản xuất ra bán cho ai, doanh nghiệp họ mới biết điều này, doanh nghiệp luôn gắn với thị trường. 

Phát triển thị trường, thương hiệu sản phẩm

Sau khi nghe giới thiệu về mô hình liên kết sản xuất chè bản Ven, GS.TS Dương Xuân Ngọc, Chủ tịch Hội các nhà khoa học quê Bắc Giang tại Hà Nội đặt câu hỏi: Làm thế nào để chè bản Ven cạnh tranh được với chè Thái Nguyên, trong khi chè Thái Nguyên đã nổi tiếng lâu đời rồi? Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, PGS.TS Lê Tất Khương nêu các yếu tố để chè bản Ven đang chiếm lĩnh thị trường là do đã duy trì được chất lượng từ sử dụng các giống mới và ứng dụng công nghệ cao vào chăm sóc, chế biến; mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp. Còn ông Thân Dỹ Ngữ thì cho rằng chè bản Ven đáp ứng được mong đợi của khách hàng do thực hiện quy trình sản xuất sạch. "Yên Thế là vùng phát triển chăn nuôi gà rất mạnh, nguồn phân hữu cơ dồi dào nên chúng tôi ít dùng phân hóa học chăm bón chè mà chủ yếu dùng phân hữu cơ, chúng tôi chuyển mạnh sang thực hành sản xuất chè theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh" - ông Ngữ nói. 

Mô hình trang trại  nuôi 300 lợn nái của hộ ông Trần Công Việt, xã Việt Ngọc (Tân Yên).  Ảnh: Việt  Hưng

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và lợi thế gần thị trường Hà Nội nên việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái mới đây ký kết với lãnh đạo TP Hà Nội về cơ chế hợp tác cung ứng nông sản thực phẩm là cách làm rất sáng tạo để khơi thông thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia đều mong muốn công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước cần được tỉnh làm tốt hơn nữa, nhất là phát huy bài học kinh nghiệm về sản xuất và tiêu thụ vải thiều khá hiệu quả trong những năm gần đây.

Giải pháp về cơ chế, chính sách

Chính vì xác định doanh nghiệp là trung tâm trong xây dựng mô hình liên kết do vậy về cơ chế, chính sách cần có ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia. TS Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), người từng là Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang nêu những cơ chế, chính sách để tạo hành lang cho ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, đó là: Phát triển hạ tầng; hỗ trợ chuyển giao, tiếp nhận công nghệ; xây dựng mô hình cụ thể; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tập huấn, đào tạo nghề... TS Nguyễn Văn Liễu cũng lưu ý rằng đầu tư công nghệ cao không chỉ dựa vào ngân sách mà cần huy động nhiều nguồn lực từ hợp tác trong nước và quốc tế, sự năng động của các doanh nghiệp nhằm phát triển các mối liên kết để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Nuôi gà sinh sản theo công nghệ mới tại hộ ông Văn Hữu Vượng, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa).
 Ảnh: Trịnh Lan

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KH&CN của tỉnh, ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN hoan nghênh và tiếp thu hiến kế của các nhà khoa học. Đồng thời khẳng định, việc xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh luôn coi KH&CN là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu nhằm tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm địa phương. 

Cơ chế, chính sách của tỉnh sẽ khuyến khích mạnh mẽ mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng KH&CN; khuyến khích liên kết giữa các nhà khoa học trong, ngoài tỉnh và chuyên gia nước ngoài; xây dựng các mô hình hợp tác, chuyển giao KH&CN để nhân rộng. Việc hướng mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp được xác định là điểm nhấn quan trọng trong phát triển KH&CN nói riêng và phát triển KT-XH của tỉnh nói chung trong thời gian tới.

Theo Trần Đức/BGĐT

Trung bình (0 Bình chọn)