Bắc Giang: Quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 25/01/2014, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 120/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu tổng quát là phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi nông hộ an toàn, trang trại sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; từng bước chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo quản lý tốt công tác giết mổ gia súc, gia cầm và công tác phòng chống dịch bệnh; phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Bắc Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tổng đàn lợn và đàn gia cầm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế nông thôn.

Theo quy hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2015, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 51,97% (năm 2012) lên 53,60% năm 2015; giá trị chăn nuôi gia súc (trâu, bò, lợn) chiếm khoảng 55%, giá trị chăn nuôi gia cầm đạt 40%, giá trị sản phẩm chăn nuôi khác đạt khoảng 5%; tổng đàn trâu của toàn tỉnh đạt 65.000 con, tổng đàn lợn là 1,25 triệu con, tổng đàn gia cầm là 17 triệu con; nâng số trang trại chăn nuôi từ 346 trang trại lên 479 trang trại, đưa tỷ trọng chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại đạt 12,66% tổng đàn gia cầm; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, phát triển trang trại chăn nuôi đảm bảo yêu cầu, điều kiện về vệ sinh môi trường theo quy định…

Giai đoạn 2016 đến 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp duy trì mức 55,0%; tăng tổng đàn lợn tăng lên khoảng 1,4 triệu con, đàn gia cầm là 18 triệu con, đàn bò 120.000 con; tỷ trọng chăn nuôi gia cầm hộ truyền thống đạt 37,38%, tỷ trọng chăn nuôi lợn truyền thống đạt 38,40%; đến năm 2020, có 744 trang trại chăn nuôi, tỷ trọng chăn nuôi gia cầm theo mô hình trang trại đạt 27% tổng đàn gia cầm, tỷ trọng chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại đạt 21% tổng đàn lợn; đến năm 2020 hình thành 91 khu chăn nuôi tập trung xa dân cư theo đúng tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư đến năm 2020 vẫn còn nhưng được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường…

Định hướng đến năm 2030, cơ cấu ngành chăn nuôi được giữ vững ở mức 55% giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng tổng đàn lợn dự kiến là 1,6 triệu con; đàn gia cầm là 20 triệu con, đàn bò là 118.000 con. Đến năm 2030, nâng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi hàng hóa theo hướng trang trại tập trung quy mô vừa và lớn chiếm trên 70%, trong đó đàn lợn chiếm trên 70%, đàn bò thịt chiếm 30%, gà nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp chiếm 70% tổng đàn. Đến năm 2030 về cơ bản không còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Quy hoạch lập vùng chăn nuôi tập trung theo hướng phát triển hàng hóa, đặc biệt là quy hoạch vùng gà đồi Yên Thế, mở rộng ra một số xã như: Lam Giới, An Dương, Cao Thượng, Phúc Hòa; An Thượng, Tiến Thắng… thuộc huyện Tân Yên và các xã Tân Thanh, Đào Mỹ, Tiên Lục, Tân Thịnh… thuộc huyện Lạng Giang.

* Xem chi tiết Quyết định số 120/QĐ-UBND tại đây./.

Trung bình (0 Bình chọn)