Bắc Giang: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dân tộc

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều ngày 27/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Quang cảnh hội nghị.

Năm 2015, các chương trình, chính sách dân tộc tiếp tục được thực hiện như Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã an toàn khu (ATK), thôn ĐBKK. Toàn tỉnh có 52 xã (36 xã khu vực III và 16 xã ATK của huyện Hiệp Hòa) và 94 thôn ĐBKK thuộc 26 xã khu vực II và 01 xã khu vực I thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 – 2015. Chương trình đã phân cấp cho 100% xã làm chủ đầu tư, ưu tiên đầu tư xây dựng những công trình trực tiếp phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi và nhu cầu đời sống nhân dân như trường học, trạm y tế. Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo theo Quyết định 1592, Quyết định 755/QĐ-TTg.

Năm 2015, với 10 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng 06 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế, mỗi công trình 1 tỷ đồng. Đến nay, 6/6 công trình đã được khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, chính sách này hỗ trợ chuyển đổi nghề gần 4 tỷ đồng cho 761 hộ; cho vay vốn phát triển sản xuất hơn 11,6 tỷ đồng cho 761 hộ.

Các chính sách: tín dụng đối với hộ DTTS nghèo theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg; định canh, định cư; xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho các thôn, bản ĐBKK nhất tỉnh tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện.

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc 6 tháng đầu năm 2015 còn gặp một số khó khăn như: việc lồng ghép các chính sách trên địa bàn còn nhiều khó khăn do mỗi chính sách đều có cơ chế riêng, sự hiểu biết về các chính sách dân tộc, nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng ở một số nơi còn hạn chế...

Trong 6 tháng cuối năm, Ban Dân tộc tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ: chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS thuộc phạm vi quản lý, hoàn thành 100% kế hoạch được giao; trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển hạ tầng và giảm nghèo bền vững đối với 36 thôn, bản ĐBKK nhất của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 – 2020; kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và việc làm cho người DTTS đến năm 2020 và thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Hạnh  - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao những cố gắng của Ban Dân tộc tỉnh trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế như: trình độ dân trí chưa cao; các chương trình đầu tư, các chính sách phân tán, manh mún, nhỏ lẻ, nhiều mục tiêu chưa hoàn thành; quản lý nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, trong đó, tư duy tổng thể chưa cao.

Đồng chí đề nghị Ban Dân tộc tỉnh rà soát toàn bộ các chính sách dân tộc để đánh giá thật kỹ hiệu quả các chính sách; đưa khoa học công nghệ vào đời sống đồng bào dân tộc để bà con thay đổi tư duy, nhận thức phát triển sản xuất; hướng cho bà con đồng bào tập trung lao động trong nước.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, đặc biệt tuyên truyền chính sách với nội dung, hình thức phù hợp; chính sách đi đôi với nguồn lực đầu tư, quyền lợi đồng bào, tình hình thực tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện chính sách, công tác dân tộc và nâng cao trình độ cán bộ làm công tác dân tộc. Đồng thời, nắm chắc quan điểm chính sách mới để triển khai kịp thời, hiệu quả.

Hiện nay, dân số toàn tỉnh Bắc Giang có trên 1,6 triệu người, gồm 21 thành phần dân tộc, trong đó 20 thành phần DTTS với số dân là 200.538 người, chiếm 12,4% dân số toàn tỉnh. Thông qua việc triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo vùng dân tộc của Trung ương và của tỉnh đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bảo DTTS từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm bình quân 4%/năm.
Trung bình (0 Bình chọn)