Bắc Giang triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 10/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Đại tá Đàm Minh Diện - Phó Tham mưu trưởng Quân khu I; đại diện lãnh đạo các đơn vị quân đội hiệp đồng với đầu mối tỉnh Bắc Giang; thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi của tỉnh. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện). 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích chủ trì hội nghị.

Năm 2023 là năm tình hình thời tiết có nhiều biến động. Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 24,0 - 24,8ºC; cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn cùng kỳ năm 2022. Tỉnh Bắc Giang chịu ảnh hưởng của 19 đợt không khí lạnh; 10 đợt nắng nóng diện rộng và 1 đợt cục bộ; 10 đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa dao động từ 1.112,3 mm đến 1.524,7 mm. 

Thiên tai trong năm 2023 đã gây ra nhiều hậu quả, tác động lớn đến người dân, kinh tế - xã hội, sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề. Trong năm, trên địa bàn tỉnh có 2 người chết do bị sét đánh, 1 người bị thương; 12 hộ thiệt hại về nhà ở; di dời khẩn cấp 25 hộ gia đình; 06 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Thiên tai gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng... Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 27 tỷ đồng. So với năm 2022, tổng giá trị thiệt hại, sự cố công trình giảm, riêng thiệt hại về người tăng.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCTT, cứu nạn cứu hộ, cấp ủy chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành, ứng phó thiên tai. Triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ.

Các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đã thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết, các đợt thiên tai; tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai cũng như kết quả ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. 

Đồng thời thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện các tiêu chí an toàn về PCTT trong xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý, đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều và công trình PCTT được quan tâm. Xử lý nghiêm các vi phạm về đê điều, PCTT và thủy lợi.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nêu lên những khó khăn, hạn chế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để thực hiện tốt công tác PCTT-TKCN năm 2024.

Đại tá Vương Đình Vũ - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đại tá Vương Đình Vũ - Phó Chỉ huy trưởng Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết năm 2024, thời tiết được dự báo sẽ có những biến đổi bất thường. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ trách nhiệm thực hiện Luật PCTT cũng các văn bản của Chính phủ, Quân khu và UBND tỉnh về công tác PCTT-TKCN. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện, kế hoạch PCTT-TKCN; duy trì nghiêm chế độ trực; chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng xử lý tình huống. Tham mưu Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh chỉ đạo huyện Lạng Giang làm tốt công tác chuẩn bị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập. Tổ chức ký kết Biên bản hiệp đồng PCTT-TKCN năm 2024 với các đơn vị và triển khai thực hiện trước mùa mưa bão.

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác PCTT-TKCN, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Hoàng Công Bộ cho biết huyện đã chỉ đạo, tập trung triển khai giải tỏa công trình, nhà cửa trong hành lang bảo vệ đê điều, đảm bảo an toàn chống lũ hệ thống đê từ cấp III trở lên. Đồng thời tập trung cao vào công tác xử lý vi phạm đê điều, giải phóng hành lang đê. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các sở, ngành, đơn vị liên quan trong xử lý vi phạm và giải tỏa hành lang đê cũng như trong thực hiện các thủ tục hành chính. Phối hợp tích cực với các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật đê điều.

Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Nguyễn Như Long phát biểu tại hội nghị.

Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nguyễn Như Long cho biết KCN Quang Châu là nơi xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ trong mùa mưa bão năm 2023. Ban Quản lý đã trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng hệ thống tiêu thoát nước trong KCN Quang Châu và các cửa xả đấu nối vào hệ thống kênh tiêu thủy lợi bên ngoài KCN. Đồng thời đề nghị công ty đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cập hệ thống, đảm bảo không gây ngập úng cục bộ trong KCN.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Thân Văn Thuần cho biết công tác phòng, chống ngập úng, chỉnh trang đô thị cũng như cải tạo cảnh quan môi trường, thu hút đầu tư rất quan trọng với thị xã Việt Yên. Do đó, trong thời gian tới, Việt Yên tập trung chỉ đạo các địa phương khơi thông ách tắc dòng chảy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, PCTT, vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi năm 2024; tăng cường tuyên truyền đến người dân không xả thải xuống hệ thống kênh, mương, dòng chảy…

Nhận định diễn biến thời tiết, thủy văn năm 2024, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bùi Thị Thu Hiền cho biết tình hình thời tiết thủy văn dự báo sẽ có diễn biến phức tạp hơn so với năm 2023. Dự báo nhiệt độ trung bình toàn mùa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1,0 - 1,5ºC, nhiệt độ cao nhất từ 40 - 42ºC. Có khoảng 11 - 12 đợt nắng nóng diện rộng tại tỉnh Bắc Giang. Các đợt nắng nóng có cường độ gay gắt và thời gian các đợt kéo dài tương đương mùa hè năm 2023.

Bắc Giang có khả năng bị ảnh hưởng gián tiếp, trực tiếp từ 1 - 2 cơn bão từ Biển Đông; có từ  8 - 10 đợt mưa vừa, mưa to. Đỉnh lũ trên lưu vực các sông đều cho kết quả dự báo cao hơn đỉnh lũ năm 2023. Đề phòng các cơn bão mạnh, có quỹ đạo di chuyển phức tạp, các trận mưa lớn sau bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng chủ yếu đến các huyện phía đông tỉnh (Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam) và ngập úng ở khu vực thành phố và các khu dân cư mới có địa hình trũng thấp.

Tại hội nghị, Thượng tá Lê Văn Nhi - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trình bày dự thảo kế hoạch hiệp đồng PCTT-TKCN năm 2024. Nội dung chính gồm: Xác định các khu vực, địa bàn trọng điểm có thể xảy ra tình huống trong mùa mưa bão; quyết tâm của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh; nhiệm vụ của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia phòng, chống lụt bão. Trong kế hoạch nêu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như các mốc thời gian hoàn thành nhiệm vụ.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích khẳng định tỉnh luôn quan tâm, xác định công tác PCTT-TKCN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Các cấp lãnh đạo địa phương cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, không được chủ quan, lơ là trong PCTT.

Đồng chí cho biết, Bắc Giang là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dẫn đến tác động thay đổi địa hình khi xuất hiện nhiều KCN, khu đô thị. Theo kế hoạch đến năm 2030, tỉnh có 29 KCN. Tốc độ đô thị hóa của tỉnh tăng mạnh làm thay đổi hệ thống chứa nước và tiêu nước tự nhiên. Do vậy công tác phòng ngừa, xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó và khắc phục hậu sau quả thiên tai có vài trò quan trọng, đòi hỏi phải thường xuyên liên tục.

Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao nhiều địa phương như Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Dũng và thị xã Việt Yên đã vào cuộc tích cực; chủ động, tập trung làm tốt giải tỏa hành lang các công trình vi phạm đê điều, mương, máng, các công trình thủy lợi; dùng nguồn lực của địa phương để làm tốt công tác PCTT. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa tập trung, chưa dành đủ nguồn lực cho công tác PCTT.

Đồng chí đề nghị các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế có kế hoạch, tập trung triển khai công tác phòng ngừa thiên tai. Các địa phương khi triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là các hoạt động xây cầu, cống cần đánh giá, dự báo tình hình mưa lũ để thiết kế, thi công đảm bảo tiêu thoát nước. Đồng thời đề nghị các địa phương có quy hoạch xây dựng KCN, khu đô thị cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá, đồng bộ hóa các công trình tiêu thoát nước từ công tác quy hoạch đến triển khai xây dựng, tránh tình trạng ngập úng cục bộ.

Đồng chí cho biết hiện nay nhận thức của người dân ở một số địa phương còn hạn chế, còn xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, xây dựng trái phép làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng tiêu thoát nước... Đồng chí đề nghị các địa phương quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân về thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Toàn bộ hệ thống chính trị cần vào cuộc với tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đặt mục tiêu phòng ngừa thiên tai lên trên hết.

Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dự báo khí tượng thủy văn, PCTT. Quan tâm hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị chất lượng phục vụ công tác dự báo, phòng ngừa thiên tai. Triển khai những giải pháp căn cơ, chiến lược dài hạn trên nền tảng công nghệ mới. Thường xuyên rà soát, kiểm tra hiện trạng các công trình PCTT; đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản...

Tập trung thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, PCTT trên địa bàn tỉnh. Cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm, vi phạm mới. Gắn trách nhiệm với chính quyền cơ sở là UBND các xã, xử lý nghiêm để răn đe.

Các địa phương, Công ty Khai thác công trình thủy lợi chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung phát quang mái đê, mái kè, mái kênh, mương, cống lấy nước, cống xả, cống dưới đê; khơi thông dòng chảy trên các hệ thống kênh tưới, tiêu, cống lấy nước công trình thuỷ lợi, đê điều. Đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi, đê điều, phục vụ tốt công tác quản lý, vận hành, tuần tra, canh gác bảo vệ đê, thường trực hộ đê và chống úng, ngập trong mùa mưa, bão, lũ năm 2024; đặc biệt là đảm bảo tiêu úng kịp thời cho các khu, cụm CN, đô thị.

Đồng chí giao Chi cục thủy lợi rà soát, đánh giá lại hệ thống kênh, mạng lưới tiêu nước để thoát được nước trong thời điểm mưa lớn cục bộ./.

Trần Khiêm

Trung bình (0 Bình chọn)