Bắc Giang xây dựng thương hiệu cho hàng hoá truyền thống, đặc sản.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhắc tới Bắc Giang người ta nhớ tới một vùng quê có nhiều sản phẩm nổi tiếng và độc đáo như gốm Thổ Hà, mây tre Tăng Tiến, cam sành Bố Hạ, bánh đa Kế, rượu Làng Vân, vải thiều Lục Ngạn…Trong số đó có những cái tên dường như chỉ tồn tại trong ký ức. Việc k

Bánh đa Kế, một đặc sản truyền thống nổi tiếng của Bắc Giang

Thương hiệu được hiểu là tên gọi, là dấu hiệu riêng biệt để người ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt của một sản phẩm nhất định với các sản phẩm khác. Thương hiệu mạnh là tài sản vô hình có thể quy đổi ra vật chất mà chủ sở hữu phải dày công xây dựng, bảo vệ và gìn giữ. Ở tỉnh ta, từ xa xưa đã có những sản phẩm nổi tiếng mà chỉ nghe tên gọi, người ta đã liên tưởng tới những ưu thế đặc biệt về chất lượng. Đó là rượu Làng Vân với phương thức nấu rượu bí truyền, là gốm Thổ Hà hình thành từ những thớ đất phù sa ven sông Cầu, là cam sành Bố Hạ lõi vàng, vị ngọt đậm đà. Và trong mười năm trở lại đây, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang cũng được cả nước biết tới với nét đặc trưng vỏ đỏ, cùi dày, độ đường cao…Để khôi phục, tôn vinh và quảng bá một số sản phẩm nổi tiếng, từ năm 2004, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Xây dựng thương hiệu cho các hàng hoá truyền thống, đặc sản.

Mục tiêu của đề án là xác lập chủ sở hữu thương hiệu, bảo vệ và quảng bá thương hiệu cho 7 loại hàng hoá truyền thống, đặc sản của tỉnh. Đó là vải thiều Lục Ngạn, hồng Lục Ngạn, mật ong Bắc Giang, cam sành Bố Hạ, gốm Thổ Hà, rượu Làng Vân, mây tre Tăng Tiến. Đề án thực hiện trong giai đoạn 2005-2010 với tổng kinh phí thực hiện là 8,28 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,012 tỷ đồng, còn lại là kinh phí của các doanh nghiệp. Sau hơn hai năm triển khai, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn, cho tới nay, 2/7 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tập thể là vải thiều Lục Ngạn và rượu Làng Vân. Với gần 20 nghìn ha, sản lượng vải thiều Lục Ngạn đạt từ 80-120 nghìn tấn/năm. Năm 2005, Hội Làm vườn huyện Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “vải thiều Lục Ngạn”. Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu hàng hoá tập thể “vải thiều Lục Ngạn”, thực hiện nhiều giải pháp nhằm quảng bá thương hiệu vải thiều. Năm 2007, toàn huyện có 150 ha vải thiều sản xuất theo quy trình an toàn được đóng gói trong các bao bì có in lô gô và nhãn hiệu riêng. Với sản phẩm rượu Làng Vân, thông qua đề án xây dựng thương hiệu, HTX Vân Hương, đơn vị sở hữu thương hiệu đã được tỉnh hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, chưng cất rượu theo công nghệ mới…Nhờ đó, sản phẩm rượu Làng Vân ngày càng có thị trường tiêu thụ rộng lớn, đoạt được nhiều giải thưởng trong các hội chợ thương mại. Ngoài hai sản phẩm trên, mây tre Tăng Tiến hiện đang trong giai đoạn lập hồ sơ đề nghị bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tập thể…

Xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng truyền thống, đặc sản trên địa bàn tỉnh là việc làm cần thiết. Nó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn có tác dụng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá thông qua các sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án về thương hiệu còn chậm trễ. Nguyên nhân là do những khó khăn khách quan, chủ quan mang lại. Với một số sản phẩm tuy có tên gọi nổi tiếng nhưng hiện tại đã mai một, xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ hoạt động khôi phục sản phẩm sau đó mới đến các bước tiếp theo. Ví dụ như cam sành Bố Hạ là một nông sản nổi tiếng ở tỉnh ta từ vài chục năm trước nhưng nay loại cây này gần như bị phá bỏ hoàn toàn do bị bệnh vàng lá. Tương tự, sản phẩm gốm Thổ Hà thuở  xưa rất nổi tiếng nhưng cũng đã có thời gian dài không tồn tại trên thị trường…Một số sản phẩm khác tuy có thị trường rộng lớn ở nhiều nước trên thế giới nhưng thực tế lại phải xuất khẩu thông qua đơn vị trung gian với tên gọi xuất xứ khác. Trong trường hợp này, thương hiệu “gốc” không mang lại nhiều lợi ích nên chủ doanh nghiệp chưa tích cực đầu tư tiền bạc, công sức để sở hữu tên gọi độc lập cho sản phẩm của mình.

Để xây dựng thành công thương hiệu cho một sản phẩm đòi hỏi phải trải qua một quá trình lâu dài. Chủ sở hữu thương hiệu phải có tiềm lực kinh tế và người đứng đầu phải có tâm huyết. Trong quá trình tạo lập thương hiệu, doanh nghiệp và chính quyền địa phương rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn về lập thủ tục hồ sơ, hỗ trợ quảng bá thương hiệu. Đặc biệt, để duy trì thương hiệu cần tăng mức đầu tư về công nghệ, ứng dụng tiến bộ mới trong sản xuất. Khi năng lực của các HTX, hộ gia đình chưa đủ mạnh để gây dựng tên tuổi của sản phẩm trên thị trường và tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt với độ đồng đều cao thì việc liên kết với các công ty, các cơ sở sản xuất lớn là một hướng đi thích hợp để có thể khôi phục và xây dựng thành công thương hiệu cho các mặt hàng truyền thống, đặc sản.

Trung bình (0 Bình chọn)